Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh…
Theo đồng chí Hoàng Mạnh Hà – Huyện ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Huyện ủy Lạng Giang, một Đảng bộ thực sự vững mạnh yêu cầu toàn Đảng bộ và từng tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng bộ đó phải nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, Đảng viên (CB, ĐV) là yếu tố quan trọng nhất, góp phần xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc.
Chia sẻ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại địa phương, đồng chí Hoàng Mạnh Hà cho biết: Ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy đã kịp thời tổ chức quán triệt, triển khai các nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đến các cấp ủy, tổ chức Đảng và CB, ĐV trong Đảng bộ huyện.
Thông qua đánh giá thực trạng, những ưu điểm, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng, Ban Thường vụ Huyện ủy đã đề ra mục tiêu, giải pháp cụ thể trong công tác xây dựng Đảng giai đoạn 2021 - 2025 và được cụ thể hóa bằng các văn bản. Với mục tiêu đã đề ra, đến nay công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ huyện Lạng Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: Tỷ lệ tham gia học tập Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng đạt 98% trở lên; 90% trở lên tập thể, cá nhân thực hiện hoàn thành việc đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 02 năm vừa qua thành lập được 03 Chi bộ trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; Năm 2021 kết nạp được 172 ĐV mới, đặc biệt, tỷ lệ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là ĐV đạt 97,3%, trong đó có 90% trưởng thôn là Bí thư, Phó Bí thư, chi ủy viên Chi bộ (vượt 10% so với chỉ tiêu đề ra) được đánh giá là Đảng bộ có tỷ lệ trưởng thôn, tổ dân phố là ĐV cao nhất so với các huyện, thành phố trong tỉnh.
Đối với công tác lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội địa phương, các cấp ủy từ huyện đến cơ sở luôn thực hiện toàn diện, có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, có trọng tâm, trọng điểm. Hàng năm, bám sát vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và cơ sở; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm, giai đoạn 2021 - 2025 và nhiệm vụ cấp trên giao để lãnh đạo cụ thể hóa thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phân công, gắn trách nhiệm cho tập thể, cá nhân thực hiện, quy định thời gian hoàn thành đó là: Xây dựng huyện Lạng Giang trở thành huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao vào năm 2025 và xây dựng huyện đạt tiêu chí đô thị loại 4 vào năm 2030, phát triển lên thị xã sau năm 2030.
Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020 - 2025, việc giữ vững, nâng cao chất lượng tiêu chí NTM tiếp tục được chú trọng quan tâm và đạt những kết quả tích cực. Đến nay huyện đã có 4/19 xã về đích NTM nâng cao (Tiên Lục, Nghĩa Hưng, Mỹ Thái, Tân Dĩnh) và 39/95 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Tổng nguồn vốn huy động trong 02 năm (2020 - 2021) xây dựng NTM trên địa bàn huyện trên 83,2 tỷ đồng; Người dân tự nguyện hiến đất trên 36.700m2, đóng góp trên 12.000 ngày công để tham gia xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn…
Tăng cường phát triển tổ chức đảng doanh nghiệp
Ban Thường vụ Huyện ủy Lạng Giang khẳng định công tác phát triển tổ chức Đảng và ĐV trong doanh nghiệp tư nhân hiện nay đang là xu thế và có vai trò quan trọng góp phần bổ sung lực lượng ĐV cho Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Lạng Giang đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo làm tốt công tác vận động, thuyết phục, tạo được sự thống nhất về nhận thức của cán bộ, ĐV, chủ doanh nghiệp về nhiệm vụ xây dựng và phát triển tổ chức Đảng, ĐV trong doanh nghiệp; Tổ chức Hội nghị, tọa đàm về “Tăng cường công tác xây dựng tổ chức Đảng, phát triển ĐV đối với công nhân, người lao động trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn huyện Lạng Giang” với sự tham gia của gần 300 công nhân trên địa bàn huyện nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội và công nhân, người lao động trong doanh nghiệp về vị trí, vai trò, yêu cầu công tác phát triển tổ chức đảng, ĐV trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; Làm rõ được thực trạng công nhân, doanh nghiệp, tổ chức đảng, ĐV trong doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn huyện hiện nay; Những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, cách làm cụ thể xây dựng tổ chức Đảng, phát triển ĐV trong doanh nghiệp tư nhân thời gian tới.
Hàng năm, ngay từ đầu năm Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch phát triển ĐV, giao chỉ tiêu chi tiết tới từng Đảng ủy xã, thị trấn, trong đó quan tâm phát triển Đảng là công nhân, người lao động tiêu biểu, có lý tưởng phấn đấu, có triển vọng phát triển Đảng. Ban hành xây dựng Kế hoạch số 25- KH/HU về củng cố, phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn huyện; Quyết định số 308- QĐ/HU thành lập Ban chỉ đạo xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn huyện; Hàng năm, đề ra mục tiêu và hoàn thành việc thành lập từ 1 - 2 tổ chức Đảng trở lên trong đơn vị kinh tế tư nhân.
Đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quan tâm, chỉ đạo thành lập 09 chi bộ doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đủ điều kiện với 45 ĐV. Sau khi thành lập, các chi bộ doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đã xây dựng quy chế làm việc, chương trình công tác của Chi bộ, duy trì nghiêm túc chế độ, nguyên tắc sinh hoạt Đảng; Bước đầu phát huy được vai trò trong giáo dục tư tưởng, chính trị cho đảng viên, động viên công nhân, người lao động thực hiện nội quy, quy chế làm việc, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Để thực hiện tốt việc xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, theo đồng chí Hoàng Mạnh Hà cần quan tâm, thực hiện tốt một số nội dung sau: Đối với những doanh nghiệp đã có tổ chức Đảng: Kịp thời củng cố tổ chức, xây dựng kế hoạch hoạt động, kế hoạch phát triển ĐV mới; Tích cực chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, bổ sung quy chế làm việc; Thực hiện tốt công tác quản lý, phân công nhiệm vụ cho ĐV; Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ theo hướng thiết thực, phù hợp với tình hình hoạt động của doanh nghiệp và điều kiện làm việc của người lao động; Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng, đoàn thể: Tăng cường công tác khảo sát, tiếp cận, thuyết phục, vận động để chủ doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể, trước hết tập trung vào doanh nghiệp nhiều lao động và sản xuất kinh doanh ổn định; Tăng cường công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng là công nhân, người lao động trong doanh nghiệp vào Đảng; Rà soát, nắm chắc số lượng ĐV làm việc trong các doanh nghiệp nhưng vẫn sinh hoạt Đảng tại nơi cư trú để có phương án phát triển tổ chức Đảng ở doanh nghiệp có ĐV làm việc; Thành lập mới các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp khi đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, đối thoại, tiếp xúc với các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Đảng, đoàn thể hoạt động; Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp theo quy định; Chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
“Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, ĐV là yếu tố quan trọng nhất, góp phần xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc”…