Thông tư quy định rõ về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước (NSNN). Theo đó, việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách Trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP) được thực hiện theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật NSNN.
Tiếp tục thực hiện điều tiết NSTW hưởng 100% đối với: Số thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, dịch vụ xuyên biên giới và các dịch vụ khác do nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trực tiếp tại Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; số thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.
Nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) nộp NSTW 100%; đồng thời, bố trí dự toán chi NSNN cho Bộ Giao thông vận tải tương ứng 65% số thu và bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP tương ứng 35% số thu để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ.
Nguồn thu xử phạt hành chính trật tự an toàn giao thông đường bộ nộp NSTW 100%; bố trí dự toán chi NSNN cho Bộ Công an tương ứng 85% số thu đã thực nộp NSNN năm 2023 và bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP tương ứng với 15% số phát sinh thực tế trên địa bàn từng địa phương năm 2023 để chi cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Nguồn thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý được sử dụng cho chi đầu tư phát triển thuộc đối tượng đầu tư của NSĐP.
Nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết trong dự toán NSĐP được sử dụng theo quy định tại khoản 5 Điều 4, Nghị quyết số 160/2024/QH15 ngày 13/11/2024 của Quốc hội về phân bổ NSTW năm 2025 và điểm b khoản 3 Điều 3 Quyết định số 1500/QĐ-TTg ngày 30/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về dự toán NSNN năm 2025.
Tăng số bổ sung cân đối ngân sách cho các địa phương để có thêm nguồn lực đáp ứng các nhiệm vụ chi quan trọng, phát sinh ở địa phương; bổ sung có mục tiêu để đảm bảo mặt bằng dự toán chi cân đối NSĐP năm 2025 không thấp hơn dự toán chi cân đối NSĐP năm 2023 (năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách). Các địa phương căn cứ điều kiện thực tế và khả năng cân đối, thực hiện phân bổ khoản kinh phí NSTW hỗ trợ bù mặt bằng chi cân đối NSĐP năm 2025 đảm bảo không thấp hơn năm 2023 để thực hiện các nhiệm vụ chi cân đối NSĐP (không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể).
Từ ngày 01/7/2024 được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của NSTW để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế; sử dụng nguồn cải cách tiền lương của NSĐP để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành và tinh giản biên chế.
Các địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương theo quy định của cấp có thẩm quyền trong trường hợp địa phương có nguồn dư lớn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành nghị quyết, có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cam kết bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành cho cả lộ trình đến năm 2030 và không đề nghị NSTW hỗ trợ.
Tổng hợp một phần thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của NSĐP đến hết năm 2024 còn dư sang bố trí dự toán chi NSĐP năm 2025 để giảm áp lực cân đối NSTW phải bố trí bổ sung cho NSĐP thực hiện cải cách tiền lương.
Thông tư nêu rõ, việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp NSĐP thực hiện theo đúng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã quyết định đối với năm trong thời kỳ ổn định ngân sách. Đối với năm 2025, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp căn cứ khả năng ngân sách quyết định số bổ sung cân đối ngân sách cho ngân sách cấp dưới để đảm bảo các nhu cầu chi NSĐP. Trường hợp đặc biệt có phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động làm NSĐP tăng thu lớn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định theo quy định tại khoản 7 Điều 9 Luật NSNN.
Đồng thời, ngân sách cấp tỉnh bổ sung cho ngân sách cấp dưới để thực hiện cải cách tiền lương theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Giao dự toán thu NSNN 2025 tối thiểu bằng mức dự toán thu Thủ tướng Chính phủ giao
Thông tư nêu rõ, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai giao nhiệm vụ thu NSNN năm 2025 cho các đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới đảm bảo tối thiểu bằng mức dự toán thu NSNN Thủ tướng Chính phủ giao.
Việc giao dự toán thu NSNN năm 2025 cho các cơ quan, đơn vị và chính quyền cấp dưới phải trên cơ sở rà soát, phân tích, đánh giá đầy đủ các nguồn thu phát sinh và kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2024; căn cứ các chính sách, pháp luật về thu ngân sách; dự báo mức tăng trưởng kinh tế của từng ngành, từng lĩnh vực, tình hình sản xuất - kinh doanh của người nộp thuế trên địa bàn.
Việc giao dự toán thu phí, số phí được để lại cho các Bộ, cơ quan trung ương được thực hiện như sau: Trong phạm vi số thu phí, số phí nộp NSNN, số phí để lại chi Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, cơ quan trung ương thực hiện giao dự toán cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc. Căn cứ tiến độ thu và phạm vi dự toán chi từ nguồn thu phí được để lại, các bộ, cơ quan trung ương chủ động quản lý, sử dụng cho các nội dung theo quy định tại khoản 2, 3, 4, 5 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP), Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn, gửi Bộ Tài chính kiểm tra cùng với phương án phân bổ ngân sách theo quy định. Trường hợp trong năm phát sinh số phí để lại chi cao hơn số đã giao dự toán đầu năm, các Bộ, cơ quan trung ương xây dựng phương án sử dụng, có văn bản báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Phân bổ và giao dự toán chi đầu tư phát triển
Căn cứ tổng mức vốn và cơ cấu vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ vốn đầu tư NSNN theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 3 Quyết định số 1500/QĐ-TTg ngày 30/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện phân bổ vốn theo đúng quy định tại Điều 8 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, gửi kết quả phân bổ vốn về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ và theo dõi thực hiện, đồng gửi Bộ Tài chính để kiểm tra, kiểm soát việc giải ngân theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Đối với dự toán chi đầu tư phát triển khác (ngoài phạm vi Luật Đầu tư công) đã được Quốc hội quyết định, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương căn cứ Quyết định giao dự toán của cấp có thẩm quyền thực hiện giải ngân trong phạm vi dự toán giao, bảo đảm đúng quy định của pháp luật hiện hành, các cam kết của Chính phủ với các nhà đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ Tài chính lưu ý, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Căn cứ dự toán chi đầu tư phát triển Thủ tướng Chính phủ giao, các địa phương dành nguồn tương ứng số bội thu ngân sách cấp tỉnh (nếu có) để trả nợ gốc các khoản vay của NSĐP đến hạn phải trả trong năm 2025 (trong đó ưu tiên trả hết nợ gốc các khoản vay của NSĐP đã quá hạn); phần còn lại mới phân bổ vốn cho các công trình, dự án, trong đó bố trí, cân đối đủ vốn cho các dự án, chương trình được NSTW hỗ trợ một phần để thực hiện các mục tiêu theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 07/02/2025 và áp dụng đối với năm ngân sách 2025.