Tháng 1/2021, Oppo lần đầu tiên trở thành hãng sản xuất smartphone số một Trung Quốc, theo Counterpoint Research. Doanh số hàng tháng của Oppo đã tăng 33%, trong khi tăng trưởng năm đạt mức 26%.
Thị phần của Oppo đạt 21%, tiếp đến là Vivo (20%). Huawei – cựu vương của thị trường di động Trung Quốc chỉ chiếm 16% thị phần, tương đương với thị phần của Xiaomi và Apple.
Huawei cùng với thương hiệu con trước đây là Honor liên tục mất thị phần tại Trung Quốc do thiếu linh kiện sản xuất, ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Mỹ.
Để đối phó với tình trạng thiếu linh kiện, Huawei đã chuyển hướng tập trung cho mảng di động cao cấp. Do đó, doanh số các sản phẩm tầm trung và thấp của họ đi xuống, tạo tiền đề cho các đối thủ thu hẹp khoảng cách về thị phần.
Cả Oppo, Vivo và Xiaomi đều hưởng lợi từ xu hướng này. Ở thời điểm hoàng kim, Huawei sở hữu hơn 10.000 cửa hàng trải nghiệm và bán lẻ trên khắp Trung Quốc. Con số này đã giảm mạnh kể từ quý IV/2020.
Huawei cũng đã nhượng lại thương hiệu Honor vào tháng 11/2020 với giá 15 tỷ USD. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến thị phần của Huawei đi xuống.
Năm 2019, Mỹ đưa Huawei vào "danh sách đen", coi đây là một mối nguy đến an ninh quốc gia bởi những mối liên hệ không rõ ràng giữa Huawei và chính quyền Trung Quốc.
Tại thời điểm đó, Huawei đã vượt mặt Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới (sau Samsung). Tổng lượng giao dịch giữa các công ty Mỹ và Huawei ước tính đạt 18 tỷ USD trong năm trước đó.
Trong quý IV/2019, Huawei chiếm đến 42,4% thị phần tại Trung Quốc. Hơn một năm sau, con số này còn 16%.
Không chỉ thị phần smartphone giảm mạnh, Huawei còn đứng trước nhiều thách thức khác bởi lệnh "cấm vận" của Mỹ, chẳng hạn tình trạng thiếu linh kiện 5G. Theo PhoneArena, 65% thiết bị bán ra tại Trung Quốc trong quý IV/2020 hỗ trợ 5G.
Tom Purdy – Giám đốc bảo mật của Huawei Mỹ cho biết: "Đây sẽ là một trở ngại lớn nhưng chúng tôi đang xây dựng một định hướng dài hơi. Nó giúp chúng tôi đặt ra mức độ ưu tiên xem sản phẩm nào quan trọng nhất, linh kiện nào chúng tôi cần phải có".
Purdy cũng hé lộ Huawei có thể sẽ hợp tác trở lại với Google – đối tác quan trọng hàng đầu cung cấp hệ điều hành Android cho các sản phẩm smartphone của hãng. Trước đó, Huawei đã phải gấp rút hoàn thiện hệ điều hành Harmony OS, tích hợp cho smartphone của mình để đối phó với lệnh cấm của Mỹ. Tuy nhiên, Harmony OS không được đón nhận tích cực.
Link bài gốc