“Tôi tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không đứng ngoài cuộc và nhìn Huawei bị tàn sát. Và tôi cũng tin chính phủ cũng sẽ có một vài biện pháp đối phó” - chủ tịch luân phiên của Huawei, ông Eric Xu nói trong một cuộc họp báo trực tuyến vào thứ 3. “Tại sao chính phủ Trung Quốc không cấm sử dụng chip 5G hay các trạm gốc 5G, điện thoại thông minh và các thiết bị khác do các công ty Mỹ cung cấp trên thị trường, vì các lí do an ninh mạng tương tự như Washington đang sử dụng để trấn áp Huawei?”
Ý kiến của ông Xu được đưa ra khi Washington tiếp tục cân nhắc việc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với Huawei. Hành động này có thể bao gồm việc yêu cầu các nhà cung cấp chip chính không thuộc Mỹ của Huawei, như Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (đã giúp xây dựng bộ xử lý tiên tiến và những con chip modem 5G), phải có giấy phép nếu họ sử dụng các công cụ và thiết bị sản xuất do Mỹ sản xuất để phục vụ công ty Trung Quốc.
Ông Xu nói, nếu Mỹ áp đặt các lệnh hạn chế mới lên Huawei, và Trung Quốc có những biện pháp đáp trả, thì “nó sẽ mang tính hủy diệt và tạo nên hiệu ứng lan tỏa ảnh hưởng đối với nền công nghiệp toàn cầu. Sẽ thật đáng kinh ngạc! Nếu chiếc hộp Pandora được mở ra, có lẽ chúng ta sẽ thấy một thảm họa hủy diệt nền công nghiệp toàn cầu, và chắc chắn không chỉ có Huawei là công ty duy nhất bị tiêu diệt."
“Tôi mong câu chuyện này không phải là sự thật. Nếu không, chúng ta có thể sẽ chứng kiến những dư chấn mà hậu quả nặng nề này để lại. Sẽ không có người chơi nào trong chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu có thể miễn dịch với điều này.” - ông Xu nói thêm.
Cảnh báo trên được đưa ra khi tập đoàn Huawei công bố kết quả tăng trưởng tương đối mạnh trong năm 2019, bất chấp các lệnh hạn chế của Mỹ. Thu nhập ròng tăng 5,6%, đạt 62,7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 9 tỷ đô la Mỹ) trong năm ngoái, tuy nhiên tăng chậm rõ rệt so với mức tăng trưởng 25% vào năm 2018. Doanh thu của công ty vào khoảng 858,8 tỷ nhân dân tệ, tăng 19,1%.
Ông Xu quy sự tăng trưởng lợi nhuận chậm này là do Mỹ đã cho công ty vào "danh sách đen", hay gọi tên là Entity List. Huawei không thể duy trì mức lợi nhuận như trước đây và cần phải mở rộng ồ ạt ngân sách nghiên cứu và phát triển của mình để chống lại sự đàn áp của Washington và khắc phục tất cả những tổn thất. Ông nói thêm rằng năm 2020 thậm chí sẽ là một năm còn khó khăn hơn nhiều đối với Huawei.
“2020 có thể là năm khó khăn nhất với Huawei vì chúng tôi sẽ phải làm theo các lệnh hạn chế xuất khẩu được quy định trong Entity List trong suốt cả năm. Theo một vài dự đoán trong ngành công nghiệp thì hàng hóa của chúng tôi còn có thể đang dần cạn kiệt” - ông Xu cho biết. “2020 sẽ là một năm rất quan trọng để kiểm tra xem kế hoạch liên tục chuỗi cung ứng của Huawei liệu có thực sự hoạt động hiệu quả không. Trên hết, sự bùng phát đại dịch Covid-19 là điều mà không ai mong đợi. Nó mang đến những thách thức không mong đợi, sự bất ổn tài chính và thu hẹp nhu cầu.”
Huawei hiện đang là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn 2 thế giới. Ảnh: nypost
Khả năng hồi phục trong năm ngoái chủ yếu đến từ thị trường quê nhà của Huawei: đóng góp vào doanh thu của thị trường này tăng từ 51% năm 2018 lên gần 60% trong năm ngoái. Hoạt động kinh doanh liên quan đến thiết bị viễn thông cốt lõi, chiếm 34,5% tổng số doanh thu, tăng từ mức giảm 1,3% vào năm 2018 lên 3,8% vào năm ngoái. Sự hồi phục cũng một phần là nhờ vào quyết định của chính phủ Trung Quốc trong năm 2019 về việc triển khai cơ sở hạ tầng 5G ở nước này sớm hơn dự định.
Các mặt hàng điện tử Huawei kinh doanh bao gồm điện thoại thông minh, máy tính và các thiết bị đeo, lần đầu tiên đóng góp hơn 50% tổng doanh thu vào năm ngoái. Tuy nhiên, tăng trưởng doanh thu cho mảng này đã giảm từ hơn 45% năm 2018 xuống còn 34% trong năm 2019. Trong khi đó, tăng trưởng nhóm kinh doanh doanh nghiệp giảm từ gần 24% xuống chỉ còn 8,6%.
Ngoài ra, kết quả này còn đến từ những nước đi quyết liệt của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy kinh doanh và giúp đỡ các nhà sản xuất trong nước. Chủ tịch nước Tập Cận Bình tuyên bố sẽ tạo điều kiện để phát triển “cơ sở hạ tầng mới” - như các trạm gốc 5G và các máy chủ dữ liệu trung tâm, để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập kỉ và giảm bớt tác động của việc ngừng hoạt động kéo dài bởi đại dịch Covid-19. Huawei cũng đang ưu tiên kinh doanh thiết bị viễn thông của mình hơn, bao gồm các trạm gốc 5G, so với các mặt hàng điện tử tiêu dùng trong năm nay, theo Nikkei Asian Review đưa tin.
Việc tập trung vào thị trường quê nhà Trung Quốc đã giúp Huawei vượt qua những khó khăn đến từ phía Mỹ. Ảnh: Reuters
Huawei đã chi 131,7 tỷ nhân dân tệ, tương đương 15,3% tổng doanh thu cho việc nghiên cứu và phát triển trong năm 2019. Tuy nhiên, nhà sáng lập Huawei - ông Nhậm Chính Phi nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Wall Street Journal, rằng công ty đã cam kết tăng vốn đầu tư R&D lên 20 tỷ đô la trong năm nay.
Huawei đang nắm trong tay hơn 53 tỷ đô la tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn khác. Apple - một trong những công ty có giá trị cao nhất thế giới và là đối thủ của Huawei trong lĩnh vực điện thoại thông minh, đang có 207,06 tỷ đô la tiền mặt dự trữ và các khoản tương đương khác.
Tuy 2019 có thể là một năm “phi thường” đối với Huawei, song thế giới giờ đang phải chiến đấu với loại virus chết người Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 740.000 người trên toàn cầu, và khiến hơn 35.000 người thiệt mạng vào hôm thứ 3. Với tình hình tâm dịch đang chuyển sang Mỹ và châu Âu, sự gián đoạn nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu thị trường có thể sẽ nghiêm trọng và kéo dài hơn nhiều so với những nỗi lo sợ ban đầu của chúng ta.