Ngày pháp luật

HSBC dự đoán GDP Việt Nam có thể đạt 6% trong năm 2024

Linh Anh

HSBC tin rằng Việt Nam đang phục hồi theo đúng tiến độ, có khả năng lấy lại mức tăng trưởng GDP xu hướng 6% trong năm nay.

Theo báo cáo của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu Ngân hàng HSBC, Việt Nam đã khép lại năm 2023 một cách tương đối tích cực. GDP trong quý IV/2023 đã tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, đưa tăng trưởng cả năm lên 5,1%.

Năm 2024, HSBC kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ mở ra nhiều hy vọng hơn, tăng trưởng sẽ tăng tốc lên 6% trong năm nay. Tuy nhiên, rủi ro đối với thương mại và lạm phát vẫn cần được theo dõi sát.

Kỳ vọng từ dòng vốn FDI

Theo HSBC, bức tranh kinh tế 2024, yếu tố quan trọng nhất là năng lực bổ sung trong thương mại từ các dòng vốn FDI ổn định mang lại niềm hy vọng cho lĩnh vực bên ngoài khi chu kỳ thương mại đổi chiều.

Mặc dù chu kỳ thương mại là yếu tố mang tính ngắn hạn, FDI phản ánh tâm lý nhà đầu tư trong trung và dài hạn. 

Việt Nam nhận được nhiều lượng FDI mới.
Việt Nam nhận được nhiều lượng FDI mới.

Việt Nam được biết đến rộng rãi như là quốc gia hưởng lợi chính từ những căng thẳng thương mại Trung - Mỹ, một xu hướng sẽ còn tiếp diễn. Tổng FDI và FDI mới trong năm 2023 đều gần đạt đến các mức cao trong lịch sử trước đây, đặc biệt là FDI dạng đầu tư mới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 năm, đạt khoảng 5% GDP.

Đáng chú ý là FDI mới đổ vào sản xuất đã tăng lên mức cao mới đạt trên 15 tỷ USD, 80% trong số đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Kết quả này tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu ASEAN của Việt Nam, chỉ sau Malaysia. 

Xét về nguồn FDI, HSBC cho biết có một xu hướng thú vị rất đáng chú ý. Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam trong nhiều năm nhưng Trung Quốc cũng đang gia tăng dấu ấn FDI nhanh chóng.

Thực tế, 2023 đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đạt thị phần lớn nhất trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam, vượt qua Nhật Bản, Hàn Quốc. Tính chung lại, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Macau chiếm gần một nửa dòng FDI mới của Việt Nam trong năm 2023.

Đơn vị phân tích cho rằng, không quá bất ngờ khi phần lớn vốn đổ vào điện tử, một lĩnh vực mà Việt Nam nhanh chóng trở thành một ngôi sao đang lên. Đây cũng là lĩnh vực mà các dòng vốn FDI đa dạng hơn, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Đây cũng là lĩnh vực mà các dòng vốn FDI đa dạng hơn, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài điện tử, các nhà đầu tư cũng ngày càng bị thu hút bởi thị trường tiêu dùng đầy hứa hẹn của Việt Nam, một xu hướng mà các tập đoàn Nhật Bản đã đón đầu từ sớm”, HSBC nhận định.

Khi nói đến FDI, HSBC cho rằng một diễn biến quan trọng cần quan sát chặt chẽ trong năm nay chính là việc triển khai thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia, có hiệu lực từ ngày 1/1.

Lạm phát vẫn là vấn đề đáng lưu tâm

Nhóm phân tích cho rằng, lạm phát của Việt Nam vẫn nằm trong mức kiểm soát trong năm 2023, bình quân ở mức 3,3% - thấp hơn nhiều so với trần lạm phát 4,5%.

HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức nhẹ trong năm nay, dự báo ở mức 3,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát mới là 4 - 4,5%. Mặc dù xu hướng giảm lạm phát diễn ra trên diện rộng ở Việt Nam, áp lực giá vẫn chưa hoàn toàn mất đi.

Tỷ trọng rổ tính toán CPI của Việt Nam
Tỷ trọng rổ tính toán CPI của Việt Nam

Rủi ro tăng lạm phát do năng lượng và thực phẩm vẫn còn đó, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam khá nhạy cảm đối với những mặt hàng này do tỷ trọng khá lớn trong rổ tính toán lạm phát.

 Thêm nữa, chi phí y tế gia tăng cũng là vấn đề cần lưu tâm chặt chẽ sau khi Việt Nam tiếp tục áp dụng điều chỉnh giá dịch vụ y tế toàn quốc sau giai đoạn bốn năm.

“Mặc dù vẫn lưu tâm đến rủi ro tăng giá, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở 4,5% trong suốt năm 2024”, Báo cáo dự báo.

Tựu trung lại, HSBC tin rằng Việt Nam đang phục hồi theo đúng tiến độ, có khả năng lấy lại mức tăng trưởng xu hướng 6% trong năm 2024. Khi các dòng vốn FDI tiếp tục gia tăng năng lực sản xuất, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam sẽ có dấu hiệu phục hồi, mang lại cơ hội cho lĩnh vực xuất khẩu.

Mặc dù cần theo dõi diễn biến tác động của việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu 15%, những tác động này vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Tin Cùng Chuyên Mục