Theo báo cáo, Việt Nam tiếp tục lộ trình phục hồi thúc đẩy bởi chu kỳ điện tử toàn cầu. Nhờ vậy, hoạt động công nghiệp thể hiện qua chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tiếp tục cho thấy hoạt động sản xuất đang mở rộng. Xuất khẩu điện tử của Việt Nam đang rất tốt.
Đồng thời, triển vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đang ổn nhờ sức hấp dẫn của Việt Nam trong vai trò một điểm đến cho đầu tư. Trong khi chi tiêu trong nước cho thấy một bức tranh đa chiều, du lịch đang cho thấy phong độ phục hồi và nhiều khả năng đạt được mục tiêu 17-18 triệu lượt khách trong năm nay.
Bên cạnh đó, lạm phát vẫn dai dẳng và tiến gần đến trần 4,5% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Việc trì hoãn kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed đã khiến đồng Đô-la mạnh lên trong ngắn hạn và tạo ra biến động cho Đồng Việt Nam. Tùy thuộc vào định hướng các ngân hàng trung ương trên thế giới quyết định chính sách lãi suất như thế nào, NHNN có thể duy trì cẩn trọng với chính sách lãi suất của mình.
Về thị trường vốn, thị trường cổ phiếu của Việt Nam là một trong những thị trường có kết quả tốt hơn ở châu Á xét dưới góc nhìn chung từ đầu năm tới giờ. Ông James Cheo - Giám đốc Đầu tư khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Khối Dịch vụ Ngân hàng và Quản lý tài sản Chuyên biệt Toàn cầu HSBC cho biết: “Định giá cổ phiếu còn đang thấp so với nhu cầu. Lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục phục hồi vững vàng khỏi giai đoạn đáy trong năm 2023. Nếu lợi nhuận tiếp tục mạnh mẽ, thị trường cổ phiếu có thể duy trì đà tăng”.
Chuyên gia HSBC cũng đưa ra bốn khuyến nghị đầu tư nhằm nắm bắt tăng trưởng và cơ hội thu nhập hấp dẫn nhất châu Á:
Thứ nhất, mở rộng phạm vi đầu tư cổ phiếu về mặt địa lý và ngành. Theo bà Cheuk Wan Fan - Giám đốc Đầu tư, khu vực châu Á, Khối Dịch vụ Private Banking Toàn cầu, HSBC, dữ liệu kinh tế cải thiện sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của các công ty ở nhiều nơi và thuộc nhiều ngành nghề. Mở rộng phạm vi đầu tư sẽ giúp nhà đầu tư cổ phiếu nắm bắt được thêm cơ hội và đa dạng hóa danh mục đồng thời giải quyết những đắn đo về vấn đề cổ phiếu bị định giá cao trong ngành công nghệ.
Thứ hai, để đồng tiền sinh lời từ trái phiếu và chiến lược đầu tư đa tài sản. Chuyên gia từ HSBC nhấn mạnh lợi suất trái phiếu hiện nay đang gần đạt mức cao nhất trong một thập kỷ và phân bổ đầu tư vào trái phiếu cũng như chiến lược đầu tư đa tài sản có thể giúp tạo ra dòng thu nhập ổn định đồng thời mang lại sự đa dạng về danh mục đầu tư nhằm giảm thiểu tác động của những rủi ro (tail risk).
Thứ ba, tiếp cận vào hạ tầng và tài sản chưa niêm yết. Giám đốc đầu tư khu vực châu Á của HSBC nêu cho rằng: “Thị trường chưa niêm yết có thể đạt hiệu suất vượt trội so với thị trường niêm yết trong dài hạn. Trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty kéo dài thời gian không niêm yết, chiều sâu của thị trường, sự đa dạng, tính thanh khoản, các cách tiếp cận thị trường tiếp tục mở rộng.
Đầu tư vào hạ tầng mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng lớn đầy hấp dẫn tận dụng xu thế số hóa, cân bằng phát thải và tái sản xuất tại chỗ”, bà Fan nói.
Thứ 4, khai mở các cơ hội tốt nhất ở châu Á. Châu Á tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của kinh tế toàn cầu với tăng trưởng GDP dự báo đạt 4,7% và tăng trưởng lợi nhuận đạt 23% trong năm 2024, cao hơn hẳn các khu vực khác trên thế giới.
“Chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội đa dạng và đầy hứa hẹn ở khu vực này bởi nhiều cổ phiếu có định giá hấp dẫn và tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ. Chúng tôi giữ nguyên quan điểm về tăng tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu ở Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc nơi chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội tốt nhất để tiếp cận các xu hướng tăng trưởng lớn của châu Á”, bà Fan cho hay.
Với cổ phiếu ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục, HSBC duy trì góc nhìn trung lập với mục tiêu chỉ số Hang Seng đến cuối năm 2024 đạt 19.230. Dù vậy, chuyên gia từ HSBC cũng kỳ vọng năm biện pháp hỗ trợ của Trung Quốc sẽ tiếp tục thu hút các dòng vốn hướng Nam vào Hong Kong, sẽ giúp cải thiện tình hình thanh khoản của thị trường cổ phiếu Hong Kong và mang đến cơ hội đầu tư chiến thuật đối với các cổ phiếu chất lượng có định giá thấp.