Ngày 30/6, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (BHN) tổ chức ĐHĐCĐ năm 2020. Bà Phạm Thu Thủy, Kế toán trưởng thay mặt ban lãnh đạo trình cổ đông kế hoạch doanh thu 4.239 tỷ đồng, giảm 44% so với năm 2019 và lợi nhuận sau thuế 248 tỷ đồng, giảm 51%. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất từ khi công khai tài chính 2008 đến nay.
Về chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu là 225 triệu lít, giảm 44% so với năm trước. Trong đó sản lượng bia các loại 223,1 triệu lít, giảm 44% và nước uống đóng chai UniAqua là 1,9 triệu lít, giảm 26%.
Tổng giám đốc Ngô Quế Lâm cho biết các chỉ tiêu kinh doanh trên được đặt ra dựa trên kịch bản xấu nhất – dịch Covid-19 vẫn tồn tại trong năm 2020. Ông Lâm chia sẻ ngành bia nói chung và Habeco nói riêng chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19 cũng như Nghị định 100.
Chủ tịch HĐQT Trần Đình Thanh bổ sung, năm 2019, Habeco chịu sự cạnh tranh gay gắt trong ngành. Đến năm 2020, công ty tiếp tục chịu ảnh hưởng gay gắt từ dịch Covid-19, đặc biệt là thời gian cách ly xã hội khiến sản lượng tiêu thụ sản phẩm giảm mạnh
Kế hoạch cổ tức năm 2020 dự kiến 6%. Cổ đông chi phối (81,79%) là Bộ Công Thương vẫn đang làm việc với Bộ Tài chính về phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, do đó HĐQT Habeco trình ĐHĐCĐ thông qua việc sẽ lấy ý kiến cổ đông về nội dung này sau khi Bộ Công Thương có ý kiến.
Đầu năm 2020, thị trường bia rượu chịu tác động lớn bởi Nghị định 100 và đợt bùng phát Covid-19 và Habeco cũng không ngoại lệ. Báo cáo của Tổng giám đốc cho thấy lợi nhuận 4 tháng đầu năm của Habeco chỉ đạt gần 16 tỷ đồng, giảm đến 93% so với cùng kỳ năm 2019.
Các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách đều suy giảm, chỉ đạt từ 44 - 50% so với cùng kỳ. Nhiều đơn vị thành viên phải ngừng hoạt động, cắt giảm lao động, tiền lương, dòng tiền bị ảnh hưởng lớn, tình hình tài chính mất cân đối…
Tháng 5/2020, Habeco đã đưa ra thị trường sản phẩm bia hơi Hà Nội 500ml (đóng lon) và bia hơi Hà Nội 1 lít (đóng chai PET). Trong các tháng còn lại, tổng công ty tiếp tục nghiên cứu và đưa và thị trường 3 sản phẩm mới, sản xuất một số bia Craft mới và nghiên cứu một số loại nước giải khát mới.
Về tình hình thoái vốn các đơn vị thành viên, ông Trần Đình Thanh cho biết công ty Cồn Rượu Hà Nội (Halico) đang kinh doanh thua lỗ và tình hình tài chính tiềm ẩn rủi ro cao nên đang tiến hành thoái toàn bộ vốn đầu tư và mong muốn chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư khác.
Habeco còn có góp vốn tại 5 công ty hoạt động ngoài ngành; trong đó có 3 công ty lĩnh vực bất động sản, 1 công ty giáo dục đào tạo và 1 công ty kinh doanh tổng hợp. Công tác thoái vốn đang gặp khó khăn do đây là những đơn vị chưa phải công ty đại chúng, kết quả kinh doanh kém hiệu quả và có lỗ lũy kế…
Một số nội dung đáng chú ý tại phiên thảo luận.
Công ty chia sẻ về chiến lược phát triển kinh doanh và thị phần?
Ông Trần Đình Thanh: Ban lãnh đạo sẽ nâng cao chất lượng cán bộ và hiệu suất lao động, trả lương xứng đáng để lao động làm việc, đóng góp hiệu quả hơn. Công ty cũng sẽ tăng cường phát triển các sản phẩm mới để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Nghị định 100 ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, sản lượng kênh on-trade hiện giảm 70%. Covid-19 khiến thói quen tiêu dùng thay đổi tạo thành nhóm nhỏ hoặc ở nhà, Habeco đã tung ra những sản phẩm mới như chai PET lon 500ml với mức giá cả phù hợp với thời kỳ Covid-19. Tại thời gian này, công ty tập trung vào dòng sản phẩm bình dân.
Habeco có chiến lược tập trung vào hình ảnh thương hiệu mới mẻ, hiện đại và hòa nhập. Tại miền Trung và miền Nam, công ty cũng thành lập các công ty thương mại để xây dựng thị trường nhằm chiếm lĩnh thị phần.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh 6 tháng?
Ông Trần Đình Thanh: Hiện tại, tình hình của công ty đã tốt hơn tháng 4. Sau khi hết giãn cách xã hội, kết quả kinh doanh tháng 5 đạt 84% so với cùng kỳ, trong khi 4 tháng chỉ đạt 46 triệu lít, hoàn thành 10-15% so với kế hoạch cũ.
Tháng 6, sản lượng đạt được 95% cùng kỳ. Tổng kết 6 tháng, sản lượng đạt 110 triệu lít, đạt được khoảng 50% kế hoạch. Lợi nhuận ghi nhận khoảng 100 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo đã xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2020 dựa trên kịch bản khả thi, có tính đến mức giảm tiêu thụ của người dân và ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Trong thời gian tới, nếu công ty nhận được sự ổn định từ tình hình kiểm soát dịch Covid-19 cũng như thời tiết thì tình hình kinh doanh tiếp tục ổn định.
Bộ Công Thương có thoái vốn nữa không?
Ông Trần Đình Thanh: Chúng tôi chỉ là người đại diện, các quyết định đều phụ thuộc vào Bộ và Chính phủ. Habeco đã thay đổi mạnh mẽ trong 2 năm nay về sản phẩm, chính sách, hình ảnh, tái cấu trúc, quản trị... Ban lãnh đạo cũng đang tìm các đối tác để thoái vốn tại các công ty không hiệu quả.
Về mặt quy mô, nguồn lực, Habeco không thể so sánh với Sabeco, Heineken. Những năm qua, nhu cầu của người tiêu dùng tại miền Bắc tăng không nhiều nhưng công suất của Habeco tại miền Bắc đã chiếm khoảng ½, khoảng 400 triệu lít.
Các doanh nghiệp khác Heineken cũng tăng gấp đôi công suất nhà máy ở Thường Tín. Một số công ty khác về tay tư nhân dẫn đến việc cạnh tranh cũng không bình đẳng như các công ty Nhà nước.
Chúng tôi ghi nhận việc mất thị phần những năm qua và đang củng cố tại các khu vực khác. Một số công ty sẵn sàng hi sinh lợi nhuận để dành lấy thị phần nhưng Habeco luôn phải có lợi nhuận do đặc thù là công ty Nhà nước.
Công ty có ý định sản xuất sản phẩm không cồn không?
Ông Trần Đình Thanh: Bia không cồn xuất hiện trên thế giới hàng chục năm nay nhưng việc phát triển sản phẩm này như bia thông thường là điều không thể. Habeco cũng sở hữu hệ thống sản xuất bia không cồn nhưng công ty đánh giá việc bán sản phẩm này không dễ. Trong tương lai, nếu người dân thay đổi thói quen thì công ty sẵn sàng cung ứng.
Dự đoán khi nào ngành bia phục hồi?
Ông Trần Đình Thanh: Năm 2020, ngành bia sẽ bị giảm hiệu quả so với 2019. Nghị định 100 sẽ tác động lâu dài hơn Covid-19. Tôi không thể dự đoán thời gian việc kinh doanh ngành bia có thể trở lại bình thường như trước kia.
Đại hội kết thúc thông qua mọi tờ trình.