Hiện giờ Google đã có 1,3 tỷ người dùng trên toàn thế giới, là một trong 4 ông lớn ngành công nghệ của Mỹ và toàn cầu. Tuy nhiên họ cũng từng trải qua thời kỳ startup gian nan để chính thức được thành lập trên giấy tờ vào ngày 4/9/1998. Dù vậy, Google luôn thích ăn sinh nhật muộn và năm 2019 họ dời đến tận hôm nay, ngày 27/9.
Buổi đầu gian khó: Google khai sinh từ phòng ký túc sinh viên
Năm 1995, Larry Page và Sergey Brin gặp nhau tại Đại học Stanford khi còn là sinh viên ngành khoa học máy tính. Đến tháng 1/1996, họ bắt đầu hợp tác viết chương trình cho một công cụ tìm kiếm có tên là Backrub, được đặt tên theo khả năng phân tích backlink.
Công cụ này độc đáo ở chỗ nó sử dụng một công nghệ do Page và Brin tự phát triển (có tên là PageRank) giúp xác định mức độ liên quan của một trang web bằng cách tính số lượng trang cùng với tầm quan trọng của các trang mà được liên kết trở lại trang web gốc (banklink). Đây là cú đột phá vào thời điểm đó, khi các công cụ tìm kiếm chỉ thường xếp hạng kết quả dựa trên tần suất xuất hiện của từ khóa, rất kém chính xác so với nhu cầu của người dùng.
Hai nhà đồng sáng lập Google thời trẻ
Tiếp theo, Page và Brin bắt đầu làm việc để phát triển Google - quy mô còn hết sức khiêm tốn. Hai nhà sáng lập phải tận dụng phòng ký túc xá làm "đầu não" nghiên cứu; rồi tạo ra một hệ thống bằng cách kết nối các máy tính giá rẻ, hàng qua tay hoặc đi mượn.
Thời gian đầu, công cụ tìm kiếm mới của đôi bạn Stanford chẳng có ai sử dụng. Nhưng họ đã không từ bỏ quyết tâm mà tiếp tục phát triển, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư. Cuối cùng, sản phẩm đã hoàn thiện, được đổi tên thành Google.
"Chúng tôi đặt tên là Google vì đó là một cách viết của googol, hoặc 10100 (là một số tự nhiên rất lớn, có một trăm chữ số 0 theo sau chữ số 1). Cái tên này phù hợp với mục tiêu của chúng tôi là xây dựng công cụ tìm kiếm quy mô cực lớn đầu tiên trên thế giới" - hai nhà sáng lập chia sẻ.
Jeff Bezos chính là một trong những nhà đầu tư đầu tiên
Trước ông chủ Amazon còn có người đồng sáng lập của Sun Microsystems - Andy Bechtolsheim. Ông đã rất ấn tượng đến nỗi sau khi nghe giới thiệu nhanh về Google liền nói với 2 founder rằng: "Thay vì chúng tôi thảo luận tất cả các chi tiết, tại sao tôi không viết cho các bạn ngay một tấm séc?"
Séc của Bechtolsheim là 100.000 đô la và được gửi cho Google Inc., mặc dù trên thực tế, Google với tư cách là một thực thể pháp lý lúc đó vẫn chưa tồn tại. Tuy nhiên, bước tiếp theo không mất nhiều thời gian. Page và Brin chính thức lập nên công ty Google vào ngày 4/9/1998. Kế đó họ được rót vốn thêm 900.000 USD, với một trong những nhà đầu tư thiên thần là Jeff Bezos - ông chủ của Amazon.
Jeff Bezos đã là nhà đầu tư thiên thần ngay năm 1998
Phần còn lại như chúng ta đã biết, Google đã tăng tốc vượt bậc để trở thành công cụ tìm kiếm lớn nhất trên thế giới, đồng thời được xếp vào nhóm "Big 4" - bốn công ty công nghệ khổng lồ bao gồm Google, Amazon, Facebook, Apple.
Vào năm 2015, công ty đã trải qua một cuộc tái cấu trúc để thành lập Alphabet - tập đoàn mẹ của Google hiện nay. Phương châm hoạt động của họ vẫn giữ nguyên như những ngày đầu thành lập, đó là "Don't be evil" (Đừng trở nên xấu xa) - nhắc nhở mọi nhân viên Google về cách mà họ nên phục vụ người dùng của mình trên toàn thế giới.
Mặt khác, hai chàng sinh viên khởi nghiệp công nghệ năm nào giờ đã bước vào hàng tỷ phú giàu nhất thế giới. Larry Page - CEO của Alphabet - hiện sở hữu 56,8 tỷ USD và giàu thứ 10 hành tinh. Còn Sergey Brin - chủ tịch của tập đoàn - tạm thời chiếm giữ vị trí thứ 14 với 54,8 tỷ USD.
Ngày sinh nhật bí ẩn của Google
Trên thực tế, nhiều người công nhận đó là hôm 4/9/1998, ngày mà hai nhà đồng sáng lập chính thức lập nên công ty. Tuy nhiên không hiểu vì sao Google luôn ăn mừng sinh nhật vào tháng 9 nhưng có năm là 7/9, 8/9, có năm là 26/9 và phần lớn là vào ngày 27/9 như năm nay!
Sinh nhật năm ngoái của Google
Ngoài ra, nhiều ý kiến khẳng định không thể biết Google sinh ra ngày nào cụ thể, vì đó là cả một quá trình sáng tạo và thai nghén lâu dài của Larry Page và Sergey Bin.
Dù sao thì cũng chúc mừng sinh nhật lần thứ 21 của Google!