Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đăng Ngọc, Phó TGĐ VCCORP nhận định, muốn Việt Nam đạt được NET ZERO vào năm 2050, tất cả chúng ta đều hiểu nỗ lực không chỉ đến từ Chính phủ, mà phải đến từ rất nhiều tổ chức, cá nhân, trên khắp Việt Nam, đồng thời phải huy động được sự hỗ trợ từ cả quốc tế. Nói cách khác, NET ZERO là một mục tiêu cực kỳ thách thức.
Tuy nhiên, ông Ngọc cũng cho rằng, chính mục tiêu siêu thách thức đó lại là cơ hội cho sự kết nối, huy động tâm huyết, trí tuệ, sức mạnh của những người tài trên khắp Việt Nam cùng chung tay giải bài toán lớn của đất nước. Nhìn từ góc độ này, NET ZERO lại trở thành một mục tiêu truyền cảm hứng rất lớn.
Là đại diện đơn vị tổ chức hội thảo, ông Ngọc cũng bày tỏ mong muốn những bài học, điển hình được chia sẻ ở hội thảo này có thể được lan tỏa, phát triển, góp một phần nhỏ vào việc thực hiện mục tiêu NET ZERO 2050.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, tầm nhìn xanh là sứ mệnh phải thực hiện, là sứ mệnh sống còn, đem lại lợi ích cao nhất.
Việc Việt Nam cam kết đạt Net Zero vào năm 2050, theo ông Thiên, đã gây sửng sốt cho toàn nhân loại bởi vì những nước mạnh hơn cũng chỉ cam kết như Việt Nam. Những nước như Ấn Độ cũng cam kết một cách dè dặt là đến năm 2070, Trung Quốc cam kết đến năm 2060.
Chuyên gia này nhận định, tăng trưởng xanh là xu hướng chi phối toàn cầu, là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của cả thế giới. Việt Nam cũng đang chịu áp lực trước xu hướng đó, đồng thời đây cũng là một hướng phát triển. Lựa chọn đi theo hướng này có khả năng đưa Việt Nam trở thành nước đi đầu trong khu vực.
“Người đi đầu sẽ có gian khổ nhưng cũng là người có lợi đầu tiên” - ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh. Với cam kết lớn như vậy, Việt Nam đương đầu với những thách thức lớn, nhưng đó cũng là cơ hội để tiếp nhận được các nguồn hỗ trợ, chính sách, công nghệ để có thể “đi sau về trước”.
Đại diện ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo riêng về phát triển bền vững, ông Tăng Hoàng Quốc Thái, Giám đốc Truyền thông và Thương hiệu Ngân hàng ACB cho biết: “Tháng 10 vừa qua, chúng tôi đã có báo cáo về phát triển bền vững. Đối với chữ S và G, ACB làm từ ngày đầu thành lập. Chữ E được ACB làm mạnh các năm gần đây, thay đổi nhận thức của toàn bộ nhân viên trong việc bảo vệ môi trường”.
Việc công bố báo cáo này thể hiện rõ ACB rất nghiêm túc trong việc thực hành ESG.
Là một ngân hàng, việc công bố này thể hiện tính minh bạch mà nhiều bên quan tâm, không chỉ là thông tin tài chính mà phi tài chính cũng rất quan trọng. Đặc biệt, điều này cũng truyền cảm hứng cho cộng đồng, cho đối tác, khách hàng và nhân viên của ACB.
Quá trình tăng trưởng nhanh của lĩnh vực xây dựng, bất động sản và phát triển đô thị mang lại rất nhiều lợi ích về tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa, nhưng cũng đồng thời cũng tạo ra các áp lực về gia tăng dân số, về suy thoái, ô nhiễm môi trường, về cạn kiệt tài nguyên, về thiếu hụt nguồn cung năng lượng.
Theo ông Nguyễn Công Thịnh - đại diện Bộ Xây dựng, tại Việt Nam, theo số liệu báo cáo của chuyên gia Eurocham tại Diễn đàn kinh tế xanh 2023, các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ, phát thải khoảng 38% lượng khí thải các bon.
Công trình xanh phát triển ở Việt Nam đến nay khoảng trên dưới 15 năm. Theo số liệu báo cáo, tính đến hết quý 3 năm 2023, số lượng công trình xanh ở Việt Nam là 305 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận gần 7,5 triệu mét vuông. Nếu so sánh với trên 100 triệu m2 sàn cho diện tích nhà ở và văn phòng mỗi năm, thì số lượng công trình xanh trong 15 năm qua quá nhỏ. Cũng có nghĩa là tiềm năng phát triển trong lĩnh vực này còn rất lớn, ông Thịnh cho biết.
Nói về các thách thức hiện hữu với Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi xanh, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank nhấn mạnh 2 điểm chính.
Thứ nhất là về nguồn vốn, theo World Bank, đến năm 2040, Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD để đạt NET ZERO, nhưng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam đến 30/6/2023 chỉ đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng. Mặt khác, nguồn vốn tài chính quốc tế cho phát triển xanh đã không còn rẻ nữa. “Hiện nay lãi suất của FED, các nước châu âu ở mức rất cao, cao hơn Việt Nam, chưa bao giờ có tình cảnh như hiện nay” - ông Nam nói.
Thách thức thứ hai được lãnh đạo nhà băng này chỉ ra là về năng lực đổi mới với phát triển xanh. Trong đó, bao gồm hạ tầng và các điều kiện sản xuất; Đào tạo đội ngũ nhân lực và người lao động; Các chuẩn mực quản trị điều hành, chuẩn mực công bố thông tin. Điều này dẫn đến quá trình chuyển đổi không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư và hoạt động vận hành.
Tuy nhiên với thách thức luôn có cơ hội. Theo ông Trần Hoài Nam, Việt Nam có thể tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi. Nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới cùng các ngân hàng thương mại Việt Nam đã cam kết, hỗ trợ và không ngừng nâng hạn mức nguồn tài trợ tín dụng xanh.
Chuyển đổi xanh cũng sẽ giúp giảm thiểu chi phí trong tương lai và thực thi các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp thăng hạng tín nhiệm, thu hút vốn đầu tư vào doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tái cơ cấu hoạt động sản xuất, nguồn nhân lực và năng suất lao động, các chuẩn mực quản trị điều hành. Từ đó, doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, đặc biết các thị trường yêu cầu có chứng chỉ xanh, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Với vị thế ngân hàng toàn cầu, HSBC có những tham vọng lớn với phát triển xanh. Bà Lâm Thuý Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng doanh nghiệp lớn Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, sau khi Thủ tướng công bố tại COP26, HSBC đã có tham vọng hỗ trợ thu xếp đến 12 tỷ USD tài trợ phát triển bền vững cho Việt Nam.
Sau thời điểm đó, HSBC cũng có hành động phối hợp với cơ quan quản lý, các tổ chức để đưa ra chương trình hành động, chia sẻ kinh nghiệm từ thị trường quốc tế. Hiện tại, HSBC đã hỗ trợ thu xếp được khoảng 2 tỷ USD cho thị trường Việt Nam.
Bà Trần Thị Kim Cương, Tổng Giám đốc Manulife Investment Việt Nam cho biết, Manulife có trụ sở chính ở Canada. Và tại Canada, Manulife đã bắt đầu hành động từ lâu, trong đó thúc đẩy trồng cây, mở rộng diện tích rừng. Đến nay, Manulife đã thực hiện trồng được 1,3 tỷ cây với 2,2 triệu hecta trải dài ở các nước. Và công ty sẽ tiếp tục làm điều đó, Manulife là một trong những tập đoàn dẫn đầu về việc trồng cây và tiếp tục hoạt động trên phạm vi toàn cầu.
"Tháng 12/2022 tại diễn đàn kinh tế thế giới có chương trình bảo tồn trồng 1.000 tỷ cây trồng để cứu trái đất, Manulife cũng đã cam kết tham gia. Tôi nghĩ rằng, khi tất cả tổ chức đóng góp cùng nhau sẽ tạo sự lan toả rất lớn về chuyển đổi xanh. Chúng tôi cũng có chương trình để nhân viên tham gia hoạt động nhặt rác, trồng cây, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tới biến đổi khí hậu" - Bà Kim Cương cho biết.
Giao thông xanh có thể làm ra tiền và phát triển bền vững không?
Câu trả lời đó đã được ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc GSM Toàn cầu giải đáp từ chính câu chuyện ra đời của GSM Toàn cầu.
Theo thống kê, trung bình doanh thu của một xe taxi và xe máy điện của GSM hiện nay đang bằng một xe xăng, chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng chỉ hết 1/3 so với xe xăng. Rõ ràng, giao thông xanh vừa giải quyết yêu cầu phát triển bền vững vừa tiết kiệm chi phí.
Trong khi đó, một dữ liệu khảo sát khác ghi nhận, doanh thu từ thị trường taxi khoảng 600 triệu USD và xe ôm là 2,5 tỷ USD/năm. Khách hàng đang có xu hướng tìm kiếm các dịch vụ chất lượng cao và phát triển bền vững. Con số này cho thấy, cơ hội có lớn cho dịch vụ xe điện chất lượng cao vẫn còn nhiều dư địa phát triển.
Đóng góp một câu chuyện chuyển đổi xanh điển hình khác là Gamuda Land. Ông James Lai Siaw Pin, Tổng giám đốc Gamuda Land nhấn mạnh: “Để kiến tạo như những khu đô thị lý tưởng thì điều đầu tiên phải làm là tôn trọng giá trị vốn có của vùng đất, tôn trọng những cây xanh, hồ nước.. sẵn có ở đấy, và từ đó chúng tôi tạo ra sự kết nối”.
Tại Malaysia, Gamuda Land đã có 13 đại dự án. Tại Đông Nam Á, có 2 dự án ở Singapore và 4 dự án ở Việt Nam. Ngoài ra có 4 dự án Úc và Anh.
Năm 2021, Gamuda Land đã công bố một bản kế hoạch xanh. 4 nền tảng của bản Gamuda Green Plan này đều bám sát vào tính bền vững.
Thứ nhất là quy hoạch, thiết kế bền vững, quy trình tuần hoàn. Trong đó, Gamuda Land chú trọng đến hạ tầng giao thông, tích hợp với vận hành và xây dựng, lựa chọn vật liệu thân thiện với môi trường.
Nền tảng thứ hai là đầu tư và phát triển cộng đồng trong doanh nghiệp. Gamuda Land có quỹ, có học viện để hỗ trợ các tài năng trẻ, chúng tôi có các học bổng, các học bổng dành cho các tài năng trẻ. Điều đó thể hiện sáng kiến và tầm nhìn của tập đoàn trong phát triển xanh.
Thứ ba là bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Trong đó, Gamuda Land chú trọng về cảnh quan môi trường, về tiết kiệm năng lượng và bảo tồn động vật, thảm thực vật. Và thứ tư, Gamuda Land nâng cao tính bền vững thông qua số hóa và các kỹ thuật hóa vào dữ liệu và hiệu quả sử dụng dữ liệu.
Thực hiện theo chỉ đạo NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, ngành Ngân hàng nói chung và SHB nói riêng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc "xanh hóa" dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Tại SHB, dư nợ tín dụng xanh tập trung chủ yếu ở các ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, công nghiệp xanh. Các dự án này đều được SHB áp dụng các chính sách, chương trình ưu đãi từ nguồn vốn trực tiếp hoặc thông qua kết nối với các nguồn vốn quốc tế.
Định hướng phát triển tín dụng xanh giai đoạn 2022-2027, SHB sẽ tập trung tài trợ vốn cho các dự án/ phương án sản xuất kinh doanh thuộc 11 lĩnh vực xanh gồm: nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo-năng lượng sạch, tái chế tái sử dụng các nguồn tài nguyên, xử lý chất thải chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường thiên nhiên và phòng chống thiên tai, quản lý nước sạch, công trình xây dựng xanh, giao thông bền vững, cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên…
Tập đoàn Hoà Phát chia sẻ 5 giải pháp sản xuất thép tiết kiệm năng lượng tại sự kiện.
Giải pháp thứ nhất là thu hồi nhiệt dư, khí nóng Lò cốc, Lò cao, Lò thổi sản xuất điện. Nhiệt dư phát sinh từ quá trình sản xuất than cốc, khí dư từ quá trình luyện gang, luyện thép được thu hồi, tận dụng phục vụ cho phát điện để cung cấp cho sản xuất. Hiện nay, Hoà Phát tự chủ đến 80% nhu cầu sử dụng điện của khu liên hợp sản xuất thép.
Giải pháp thứ hai là sử dụng công nghệ dập cốc khô thân thiện với môi trường để sản xuất điện.
Giải pháp thứ ba là Công nghệ Tuabin thu hồi năng lượng gió Lò cao (BPRT). Áp lực khí than lò cao lớn đi trực tiếp vào Tuabin mà không cần phải chuyển hóa thành hơi nước để vận hành Tuabin (công nghệ áp dư).
Giải pháp thứ tư là Sử dụng nhiệt dư sản xuất điện trong thiêu kết. Và giải pháp thứ năm là Đúc – Cán liên tục, tận dụng nhiệt từ phôi nóng.
Nhằm tăng cường quản lý, tái chế và giảm thiểu chất thải nhựa gây ô nhiễm môi trường và đại dương (Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa đổ ra biển), Nhựa Tái Chế Duy Tân (DUYTAN Recycling) đã đầu tư và xây dựng nhà máy nhựa tái chế nhằm cung cấp sản phẩm nhựa tái chế chất lượng cao với công nghệ “Bottle to Bottle”, mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa tạo ra một vòng lặp mới, qua đó, giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch.
Với công nghệ tái chế chất lượng cao, 10 tháng đầu năm 2023 nhà máy đã thu gom và tái chế 18.200 tấn (tương đương 1,6 tỷ chai). Số lượng chai nhựa đã được xử lý tái chế không chỉ cung cấp nguyên liệu cho các công ty đối tác nhãn hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn tại Việt Nam mà còn xuất khẩu sang 12 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ và Châu Âu với sản lượng xuất khẩu 9.100 tấn/56%.
Đối với việc giảm phát thải CO2 và thu hồi CO2, trong thời gian qua, Đức Giang đã thực hiện rất nhiều biện pháp. Một trong những biện pháp mạnh nhất mà công ty đã làm là hóa lỏng.
"Chúng tôi đã lắp đặt và phát triển hệ thống xử lý khí CO2. Chúng tôi khảo sát nhu cầu xử lý CO2 và cung cấp cho miền Bắc khoảng 20.000 mét khối khí trên một tháng. Đây là một số liệu rất lớn. Hiện nay chúng tôi cũng đang biến hoạt động hóa lỏng CO2 thành công nghiệp" - Ông Đạt cho biết.
Một giải pháp thứ hai để giảm phát thải CEO, giống như Hòa Phát là có khí CO trong trong các lỏ nhiệt, 100% khí CO này không đưa trực tiếp ra ngoài môi trường.
Đối với chất thải rắn Đức Giang cũng có nhiều biện pháp xử lý. Trong đó, các thành phần như canxi oxit, nhôm oxit... rất phù hợp để làm phụ gia cho ngành xi măng. Hiện nay, 100% một số chất thải được chuyển giao cho ngành xi măng. Đây chính là hoạt động cho kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
"Có một giải pháp chúng tôi sẽ tiếp tục làm đó là xử lý CO2, đưa khí CO2 vào sử dụng trong lĩnh vực khác để không phát tán CO2 ra ngoài."
Theo ông Lưu Bách Đạt, đối với cổ đông, đối với các nhà đầu tư và các đối tác, một doanh nghiệp phát triển bền vững đi theo kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh thì sản phẩm sẽ càng được tin tưởng.
Bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Tổng giám đốc Sun Hospitality Group ( Thành viên Tập đoàn Sun Group) nhận định, du lịch - ngành công nghiệp không khói đang trở thành một trong những trụ cột chính cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, mang lại đóng góp lớn cho xã hội, trở thành một trụ cột thiết yếu của phát triển bền vững.
Theo định hướng tại Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự là mũi nhọn của nền kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, và Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh đã dẫn chứng về vai trò của du lịch trong việc góp phần thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế từ "nâu" sang "xanh" qua câu chuyện thực tế tại Quảng Ninh. Đồng thời cho biết, là doanh nghiệp chọn du lịch làm lĩnh vực đầu tư chiến lược, Sun Group kiên định theo đuổi triết lí về sự hài hòa, xem đây là kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Theo đó, Sun Group luôn đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích cộng đồng, cân bằng giữa phát triển với bảo tồn, tôn trọng các giá trị của thiên nhiên, con người và hướng tới sự hài lòng tối đa của khách hàng, đồng thời tiên phong xây dựng văn hóa làm du lịch chuyên nghiệp, văn minh, nhân văn.
Qua các câu chuyện, hành động cụ thể, đại diện Sun Group khẳng định: “Hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng, chỉ có phát triển hài hòa, cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, tôn trọng thiên nhiên, con người mới có thể tạo ra sự phát triển bền vững của các khu du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mà chúng tôi kiến tạo, cũng như mang đến sự phát triển bền vững cho KT-XH địa phương”.