Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.
Ngày 30/12/2022, Bộ Tư pháp đã có Tờ trình số 69/TTr-BTP trình Chính phủ về dự thảo Nghị định này. Ngày 19/01/2023, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 386/VPCP-TCCV thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc Bộ Tư pháp khẩn trương thống nhất với Bộ Nội vụ về nội dung dự thảo Nghị định, trong đó chú ý các quy định về: tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập; hạng, ngạch pháp chế viên; chế độ phụ cấp đối với pháp chế viên. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính tổ chức làm việc trực tiếp, trao đổi và thống nhất ý kiến bằng văn bản về một số nội dung của dự thảo Nghị định.Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã tiếp thu, giải trình ý kiến Bộ Tài chính, hoàn thiện dự thảo Nghị định và các tài liệu trong hồ sơ xây dựng Nghị định, xây dựng Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ ban hành, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng chí cho biết, về cơ bản, nội dung dự thảo Nghị định được chỉnh lý không thay đổi quá nhiều so với dự thảo Nghị định đã trình Chính phủ.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Nghị định như quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế; về tổ chức, bộ máy làm công tác pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; về hạng, ngạch pháp chế viên; về chế độ hỗ trợ dành cho công chức pháp chế và điều khoản chuyển tiếp.
Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP đã có nhiều điểm mới tiến bộ so với Nghị định hiện hành, có thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức pháp chế. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát các quy định của Nghị định để đảm bảo tính khả thi, đồng bộ với hệ thống pháp luật để trình Chính phủ sớm ban hành dự thảo Nghị định này.
Trên cơ sở ý kiến của các thành viên tham dự Hội thảo, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ.