Ngày 15/10, nhiều phụ huynh có con em đang theo học tại Trường tiểu học Chu Văn An cơ sở 2, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh (Hải Dương), phản ánh nhà trường bất ngờ thông báo thu 10% thuế giá trị gia tăng cho mỗi suất ăn bán trú của các cháu kể từ đầu năm học 2020-2021.
Theo đó, bữa ăn của các cháu đang được áp dụng từ 17.000 đồng tăng lên 18.500 đồng.
Một phụ huynh có con học lớp 1B cho biết từ đầu năm học đến nay, nhà trường chưa tổ chức họp phụ huynh. Tuy nhiên, cách đây 3 ngày, các phụ huynh được cô giáo chủ nhiệm nhắn tin thông báo: "Do yêu cầu của cơ quan thuế nhà nước, kể từ năm học này mỗi suất ăn của học sinh nâng lên là 18.500 đồng (đã bao gồm thuế). Suất ăn của học sinh phải chịu thuế theo Luật thuế giá trị gia tăng và Thông tư 219/2013/TT/BCT hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng".
Phu huynh này không chấp nhận việc đánh thuế VAT vào suất cơm bán trú của trẻ bởi không có một điều khoản nào của "luật Thuế" quy định, trong khi tiền ăn bán trú do bố mẹ các cháu đóng và nhà trường chỉ là đơn vị đứng ra thu hộ.
"Vấn đề là bao nhiêu năm nay không thấy thu thuế ăn bán trú của các cháu, sao năm nay lại thu? Các cháu còn nhỏ làm gì ra tiền mà phải đóng góp khoản tiền thuế vô lý này?", một phụ huynh nói.
Chiều cùng ngày, bà Đỗ Thị Huyền, Hiệu trưởng trường tiểu học Chu Văn An, giải thích nhà trường không yêu cầu Hợp tác xã dịch vụ thương mại Anna là cơ sở cung cấp suất ăn bán trú cho hơn 500 học sinh tại cơ sở 2 của trường phải viết hóa đơn VAT, mà là do cơ sở này yêu cầu nhà trường chi trả thêm 10% thuế cho mỗi suất ăn.
Theo bà Huyền, nhà trường chưa thu tiền và cũng chưa triển khai thông báo tới các phụ huynh. Tuy nhiên, trước câu hỏi tin nhắn được các giáo viên chủ nhiệm gửi tới các phụ huynh học sinh là do cô giáo chủ nhiệm tự nghĩ ra hay xuất phát từ chỉ đạo của Ban giám hiệu, nữ hiệu trưởng từ chối trả lời.
Bà Huyền cũng thừa nhận, nhiều năm nay chất lượng suất ăn bán trú do cơ sở Anna cung cấp cho học sinh khá tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm học 2019, suất ăn trưa của các cháu được phụ huynh và nhà trường thống nhất ở mức 17.000 đồng.
Trong khi đó, ông Trần Văn Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ thương mại Anna, khẳng định chính trường tiểu học Chu Văn An, cụ thể là nữ kế toán nhà trường, đã yêu cầu ông Mạnh xuất hóa đơn giá trị gia tăng 10% cho suất ăn bán trú của học sinh.
"Từ năm học 2019, nhà trường yêu cầu tôi xuất hóa đơn VAT cho suất ăn bán trú cho các cháu nhưng tôi thấy vô lý, không căn cứ vào đâu để viết nên không thực hiện. Vừa rồi chị kế toán nhà trường lại yêu cầu tôi viết thì mới thanh toán tiền ăn từ đầu năm học đến nay.
Sau đó tôi đã nên gặp nhà trường trao đổi, hai bên thống nhất, giá mỗi suất cơm trưa cho các cháu giảm đi 200 đồng so với suất ăn của năm 2019 là 17.000 đồng và giá sau thuế là 18.500 đồng/suất", ông Mạnh nói và cho hay sau 9 năm, từ 2011 đến 2020, nấu cơm cung cấp cho học sinh trường tiểu học Chu Văn An thì đây là năm đầu tiên ông buộc phải tính thuế VAT.
Luật sư Quách Thành Lực , Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, tại Khoản 13, Điều 4, Thông tư 219/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng nêu rõ: "...Trường hợp các cơ sở dạy học các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông có thu tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đốn học sinh và các khoản thu khác dưới hình thức thu hộ, chi hộ thì tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu hộ, chi hộ này cũng thuộc đối tượng không chịu thuế...".
Tại Điều 11 của Thông tư 219 hướng dẫn với thuế suất 10% như sau: "Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.
Các mức thuế suất giá trị gia tăng nêu tại Điều 10, Điều 11 được áp dụng thống nhất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại".
Căn cứ vào các quy định và hướng dẫn trên của Bộ Tài chính, Luật sư Quách cho rằng trường hợp Trường tiểu học Chu Văn An thu tiền ăn bán trú của học sinh và Hợp tác xã dịch vụ thương mại Anna hợp đồng dịch vụ cung cấp suất ăn cho học sinh và giáo viên trường này không thuộc đối tượng phải chịu thuế VAT.
Link bài gốc