Ngày pháp luật

Hoạt động kinh doanh gần như 'bất động', ai đứng sau công ty Giầy Bá Thước vừa được giao làm dự án 236 tỷ tại Thanh Hóa?

Quỳnh Chi

Trong năm đầu thành lập, Giầy Bá Thước gần như không có hoạt động, không phát sinh doanh thu và bất kỳ khoản chi phí nào.

Dự án Nhà máy Giầy Bá Thước được thực hiện tại thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Dự án Nhà máy Giầy Bá Thước được thực hiện tại thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Được chấp thuận làm dự án tại Thanh Hoá

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho CTCP Giầy Bá Thước thực hiện dự án Nhà máy Giầy Bá Thước. Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng nhà máy giầy. Diện tích đất thực hiện dự án khoảng 5,5 ha.

Dự án sẽ đầu tư xây dựng mới các hạng mục, công trình gồm: 3 xưởng sản xuất, nhà ăn công nhân, nhà nghỉ ca, nhà để xe công nhân, nhà kho, nhà phụ trợ, 8 nhà vệ sinh, nhà bảo vệ và các hạng mục công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật khác.

Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến khoảng 236,05 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của công ty là 52,5 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 22,2%); vốn vay và huy động hợp pháp khác là 183,55 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 77,8%).

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Địa điểm thực hiện dự án tại thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước. Dự án dự kiến hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động chậm nhất trong 24 tháng kể từ thời điểm được Nhà nước bàn giao đất.

UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong thời hạn 12 tháng, nếu Giầy Bá Thước không hoàn thành thủ tục, hồ sơ để được thuê đất thực hiện dự án Nhà máy tại thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước theo quy định thì quyết định này không còn giá trị pháp lý, công ty không được bồi thường, hỗ trợ bất kỳ các khoản kinh phí đã đầu tư, chi phí liên quan đến dự án.

Ai đứng sau Giầy Bạch Thước?

Theo tìm hiểu, Giầy Bá Thước được thành lập ngày 13/5/2022. Công ty có địa chỉ tại số 5 Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, TP. Thanh Hóa do ông Trương Lâm (SN 1953) làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật.

Vốn điều lệ ban đầu là 75 tỷ đồng, trong đó 3 cổ đông sáng lập gồm Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa (80%); ông Trương Lâm (15%) và ông Trương Văn San (5%). Thời điểm cuối năm 2022, vốn điều lệ của công ty đã giảm xuống chỉ còn 24 tỷ đồng. Cập nhật đến ngày 13/3/2023, vốn điều lệ ở mức 52,5 tỷ đồng.

Cổ đông lớn nhất của Giầy Bá Thước là Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa, tiền thân là Công ty Kiến trúc địa phương Thanh Hóa thành lập từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Đến năm 2005, doanh nghiệp đổi tên thành Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa như hiện nay.

Năm 2006, Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa chính thức chuyển đổi cơ chế quản lý từ doanh nghiệp Nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Đến cuối năm 2019, cổ đông lớn nhất nắm 98,48% vốn là ông Trương Lâm, cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật công ty.

Trong năm đầu thành lập, Giầy Bá Thước gần như không có hoạt động, không phát sinh doanh thu và bất kỳ khoản chi phí nào. Một số khoản mục phát sinh trên bảng cân đối kế toán như thuế giá trị gia tăng được khấu trừ, chi phí xây dựng cơ bản dở dang cũng không đáng kể, chỉ từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Công ty không có nợ phải trả do đó tổng tài sản bằng đúng vốn chủ sở hữu, ở mức 24 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục