Ngày pháp luật

Hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán: Đề xuất giới hạn tỷ lệ vốn nhà đầu tư nước ngoài

Bách Nguyễn

Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt mà Ngân hàng Nhà nước đang chủ trì xây dựng có quy định về điều kiện và tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán: Đề xuất giới hạn tỷ lệ vốn nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Quy định chưa phù hợp?

Trong Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt mà Ngân hàng Nhà nước đang chủ trì xây dựng, điều kiện và tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được quy định tại Điều 29.

Theo đó, khoản 2 Điều 29 nêu: “Tỷ lệ tối đa phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp là 49% vốn điều lệ của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép cung ứng dịch vụ”. 

Khống chế tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là quy định mới tại Dự thảo và làm thay đổi hoàn toàn hiện trạng về vấn đề này. Vì vậy, quy định này nhận được nhiều ý kiến góp ý từ phía doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo các doanh nghiệp thì quy định hạn chế tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là chưa phù hợp với cam kết của Việt Nam trong một số điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (WTO, CTPPP …), cụ thể Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường cho phép 100% sở hữu nước ngoài đối với ba dịch vụ là dịch vụ trung gian thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 101/2012/NĐ-CP.

Thứ nhất, dịch vụ chuyển mạch tài chính cung ứng hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc kết nối, truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử để thực hiện các giao dịch thanh toán thông qua ATM, POS, Internet, điện thoại di động và các kênh giao dịch điện tử khác giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và/hoặc giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Thứ hai, dịch vụ bù trừ điện tử cung ứng hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc tiếp nhận, đối chiếu dữ liệu thanh toán và tính toán kết quả số tiền phải thu, phải trả sau khi bù trừ giữa các bên thành viên tham gia là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện việc quyết toán cho các bên có liên quan.

Thứ ba, dịch vụ cổng thanh toán điện tử cung ứng hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc kết nối giữa các đơn vị chấp nhận thanh toán và ngân hàng nhằm hỗ trợ khách hàng thực hiện thanh toán trong giao dịch thương mại điện tử, thanh toán hóa đơn điện tử và các dịch vụ thanh toán điện tử khác.

Lý giải của Ban soạn thảo 

Theo Ban soạn thảo thì “khái niệm và phạm vi trung gian thanh toán theo quy định của pháp luật trong nước không thuộc phạm vi cam kết mở cửa của Việt Nam tại Hiệp định WTO và Hiệp định CTPPP. Do vậy, các quy định pháp luật để quản lý dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có quy định tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để đưa vào dự thảo Nghị định không thuộc phạm vi cam kết và không chịu ràng buộc bởi các cam kết quốc tế đã dẫn ở trên. Việt Nam được quyền ban hành các biện pháp để quản lý hoạt động trung gian thanh toán mà không bị coi là vi phạm các nghĩa vụ cam kết quốc tế nêu trên”.

Rà soát cam kết trong WTO của Việt Nam đối với phân ngành dịch vụ tài chính cho thấy, đối với loại dịch vụ ngân hàng, tài chính đã cam kết mở cửa: Việt Nam chỉ cam kết mở cửa đối với 11 dịch vụ cụ thể, trong đó có “mọi dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, bao gồm thẻ tín dụng, thẻ thanh toán và thẻ nợ, séc du lịch và hối phiếu ngân hàng” nhưng không có dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử, dịch vụ cổng thanh toán điện tử. 

Đối với nhà đầu tư nước ngoài đã có cam kết cho thành lập hiện diện thương mại trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, Việt Nam chỉ cam kết cho các chủ thể nhất định được thành lập các hiện diện thương mại trong các lĩnh vực tài chính nhất định (ví dụ: chỉ có tổ chức tín dụng nước ngoài mới được phép hiện diện thương mại cung cấp các dịch vụ ngân hàng và tài chính mà Việt Nam cam kết; với mỗi loại tổ chức tín dụng – ví dụ ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính, tổ chức cho thuê tài chính thì lại có giới hạn về loại hoạt động).

Rà soát các cam kết mở cửa dịch vụ ngân hàng, tài chính trong các FTA khác (EVFTA, CPTPP) cho thấy cơ bản mức mở cửa đối với dịch vụ ngân hàng, tài chính là không đổi so với mức mở trong WTO. Đồng thời, ngay cả ở các khía cạnh mở hơn, cam kết mở cửa trong EVFTA, CPTPP không tự động áp dụng chung cho nhà đầu tư nước ngoài từ các nước ngoài Hiệp định. Trong khi Nghị định này có giá trị áp dụng chung, vì vậy không nhất thiết phải theo các mức mở cửa của EVFTA, CPTPP hay bất kỳ FTA nào khác.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Theo các chuyên gia pháp luật và doanh nghiệp, những giải trình trên của Ban soạn thảo về cam kết là hợp lý, tuy nhiên chưa đủ rành mạch để lý giải cho doanh nghiệp, mà cần phân tích kỹ nội dung này để giúp doanh nghiệp hiểu rõ, đầy đủ và chính xác về cam kết của Việt Nam. 

Khoản 2 Điều 29 Dự thảo quy định “tỷ lệ tối đa phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp là 49% vốn điều lệ của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán...”. Khái niệm “sở hữu gián tiếp” cần được quy định rõ hoặc dẫn chiếu tới văn bản có quy định.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, trên thực tế, đối với không ít ngành dịch vụ, vì nhu cầu nội địa, Việt Nam vẫn mở cửa ở mức cao hơn so với cam kết WTO. Do đó, đối với trường hợp của dịch vụ trung gian thanh toán, mặc dù chưa cam kết, Việt Nam vẫn có thể cân nhắc mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài ở mức hợp lý để phục vụ nhu cầu nội địa, thúc đẩy hoạt động tài chính lành mạnh, an toàn và cạnh tranh ở Việt Nam. Theo hướng này, Dự thảo đã chủ động mở cửa dịch vụ trung gian thanh toán cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng chỉ duy nhất ở hình thức liên doanh, với vốn nước ngoài tối đa không quá 49%.

Một vấn đề mà các chuyên gia và doanh nghiệp đặt ra là: mức mở cửa này có thực sự phù hợp không? Theo đại diện một số doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực, mức này là chưa phù hợp bởi trong khi Việt Nam đã cho phép thành lập các ngân hàng thương mại (chủ thể được xem là chủ thể có tác động đến an ninh kinh tế, xã hội lớn hơn nhiều so với các tổ chức trung gian thanh toán) ở hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài thì tại sao lĩnh vực trung gian thanh toán lại không cho phép thành lập doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán 100% vốn đầu tư nước ngoài?

Hơn nữa, Nghị định 101/2012/NĐ-CP không quy định phân biệt về nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đầu tư này. Trong thời gian 6 năm Nghị định 101/2012/NĐ-CP  có hiệu lực, sự tồn tại của các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này chưa gây ra tác động bất lợi nào đáng kể tới lợi ích công cộng. Điều này cho thấy rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài (liên doanh không hạn chế tỷ lệ vốn nước ngoài, và 100% vốn nước ngoài) trong lĩnh vực này là không lớn. “Vậy nhu cầu nội địa nào dẫn tới việc phải hạn chế mức vốn nước ngoài trong các tổ chức này?” – các doanh nghiệp góp ý trong văn bản của VCCI gửi Ngân hàng Nhà nước.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng, các dịch vụ trung gian thanh toán và lĩnh vực công nghệ tài chính nói chung đang ở giai đoạn đầu phát triển tại Việt Nam. Đây cũng là những loại hình gắn với sự phát triển không ngừng của kỹ thuật và công nghệ hiện đại, đòi hỏi nhu cầu vốn rất lớn. Việc thu hút vốn nước ngoài sẽ vừa giúp các doanh nghiệp trong nước có thêm nguồn lực tài chính vừa có cơ hội tiếp cận, tận dụng các công nghệ tiên tiến.

Việc giới hạn tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào lĩnh vực trung gian thanh toán nhưng có tỷ lệ vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vượt quá tỷ lệ khống chế này. Mặt khác, tỷ lệ khống chế này cũng sẽ hạn chế đáng kể mức độ hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào dịch vụ trung gian thanh toán. Đây là những tác động đáng kể cần phải được đánh giá tác động một cách kỹ càng.

Tin Cùng Chuyên Mục