Ngày pháp luật

'Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam'

Vân Tùng - Minh Trang - Hoàng Việt

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về việc Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật, trong đó: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm”, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam”.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tịnh, Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã tới dự và chủ trì Tọa đàm.

Đồng Chủ trì và điều hành Toạ đàm là Ts. Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo PLVN; TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế; Ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp.

Tọa đàm còn có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia luật pháp, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam...

'Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam' - Ảnh 1
Toàn cảnh Tọa đàm

(Ảnh Hương Giang)

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nói: "Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về phát huy tính Đảng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng là tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện, bao trùm mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Cụ thể, đối với công tác xây dựng pháp luật, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; việc xây dựng pháp luật phải phản ánh hơi thở thực tiễn, bám sát, giải quyết vấn đề thực tiễn; thể chế hóa kịp thời những chủ trương mới của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Đồng chí Thủ tướng Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm đến công tác hoàn thiện thể chế, trong đó đặt ra yêu cầu trong năm 2025 cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, coi đây là "đột phá của đột phá"; tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn"; đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới."

"Thực hiện các yêu cầu, chỉ đạo này, Bộ Tư pháp đã tích cực rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung liên quan. Trong đó vấn đề về khuyến khích đổi mới, sáng tạo, huy động, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cần thực hiện tốt Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới." - Thứ trưởng khẳng định.

'Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam' - Ảnh 2

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu khai mạc Tọa đàm. (Ảnh Hương Giang)

Ông cũng cho biết: Hiện nay, khung pháp luật về doanh nghiệp, doanh nhân cơ bản đã tương đối đồng bộ. Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách là rào cản cho sự phát triển. Qua đó đã góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo động lực mới để thúc đẩy sự phát triển. Tuy nhiên, qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy yêu cầu về xây dựng chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc tại Nghị quyết số 41-NQ/TW chưa được cụ thể hóa.

Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam" là tọa đàm đầu tiên về chủ đề này.

Thứ trưởng mong muốn các đại biểu sẽ tập trung, thảo luận sâu về khái niệm, mô hình doanh nghiệp; tiêu chí để xác định doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam cũng như chỉ ra được những đặc trưng, đặc điểm riêng có của doanh nghiệp dân tộc Việt Nam so với các doanh nghiệp dân tộc khác trên thế giới...

"Chúng tôi cũng mong muốn nhận được các ý kiến thảo luận, đề xuất về cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho việc hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc; đồng thời là nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp dân tộc đối với quốc gia" - Thứ trưởng nói.

Ông cũng đề nghị Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin về các vấn đề liên quan đến hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc, nhất là thông tin về các mô hình doanh nghiệp dân tộc của các nước tiên tiến trên thế giới với vai trò của mình sẽ đưa nhiều thông tin về chính sách về phát triển doanh nghiệp dân tộc để hỗ trợ thông tin cho các cơ quan chức năng đưa ra những chính sách tiên tiến phù hợp cho sự phát triển doanh nghiệp dân tộc; góp phần đưa cộng đồng doanh nghiệp dân tộc Việt Nam sẽ phát triển vững mạnh, trường tồn đưa đất nước ngày càng phát triển.

'Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam' - Ảnh 3

Các đại biểu tham dự Tọa đàm (Ảnh Hương Giang)

Phát biểu tại tọa đàm, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Nguyên Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam – đã đưa ra những nhận định về khái niệm “doanh nghiệp dân tộc”. Theo ông, có 7 yếu tố cần phải xem đến. Ông đề nghị phải nghiên cứu những chính sách để phát triển doanh nghiệp dân tộc.

Chuyên gia Kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đã đưa tới Tọa đàm những ý kiến quý báu về các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp dân tộc như quy định về chế độ lãnh cho các doanh nghiệp; xác định những trọng điểm ưu tiên; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp….

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định việc hỗ trợ không chỉ dành cho doanh nghiệp lớn, mà cần có biện pháp phù hợp để hỗ trợ cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Nếu ta không phát triển được vai trò của kinh tế tư nhân, khó có sự vươn mình.” – ông khẳng định.

'Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam' - Ảnh 4

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Không phát triển được vai trò của kinh tế tư nhân, khó có sự vươn mình. (Ảnh Hương Giang)

Từ câu chuyện làm nước sạch của mình, doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AQuaOne – rất mong có thể kiến nghị chính phủ được tiếp cận tới nguồn vốn xanh, được vay với lãi suất ổn định. Bà cũng muốn ưu đãi về thuế để doanh nghiệp dân tộc được phát triển.

Bày tỏ quan điểm về khái niệm doanh nghiệp dân tộc, doanh nhân Kim Liên cho rằng: Doanh nghiệp dân tộc không phải là xem xét đến quy mô lớn hay nhỏ. Yếu tố then chốt là doanh nghiệp đó phải đặt lợi ích của dân tộc, lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của mình.

'Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam' - Ảnh 5

Doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên: doanh nghiệp dân tộc phải đặt lợi ích của dân tộc, lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của mình. (Ảnh Hương Giang)

Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt bày tỏ sự xúc động về khái niệm doanh nghiệp dân tộc. Ông nói: Dân tộc ta anh hùng, doanh nghiệp ta cũng phải là doanh nghiệp anh hùng. Tự tôn, bất khuất, tự lực tự cường phát triển đóng góp cho tổ quốc. Tôi rất thích cụm từ “doanh nghiệp dân tộc” – đó là một khái niệm rất tự hào, rất khích lệ đội ngũ doanh nhân và người lao động”.

Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu cũng ví doanh nhân như một chiến sỹ, chiến thắng khó khăn. “Chúng tôi tự hào là nhà máy xanh, sản xuất tuần hoàn, sản phẩm xanh. Một sản phẩm tràn đầy tự hào của đất nung Việt Nam.”

'Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam' - Ảnh 6

Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu: Dân tộc ta anh hùng, doanh nghiệp ta cũng phải là doanh nghiệp anh hùng. (Ảnh Hương Giang)

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn Cầu – khẳng định: Nếu muốn đi vào giai đoạn doanh nghiệp dân tộc, điều đầu tiên các doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện là tuân thủ pháp luật. Ông cũng đề nghị cần xem lại các quy định liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, để không có sự chồng chéo, đồng thời ông cũng cho rằng cần có những chính sách phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn.

Ông cũng có đề xuất liên quan đến vấn đề người Việt ở nước ngoài: “Ở một khía cạnh khác ở hội nhập quốc tế - Chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình – vươn mình ở sân chơi quốc tế. Một thành phần của dân tộc rất quan trọng là số người Việt sinh sống ở nước ngoài. Đây là lực lượng rất đáng kể. Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp có các chương trình để người Việt hội nhập nhiều hơn với quốc gia. Không thể loại trừ khái niệm Việt kiều, doanh nghiệp của người việt đang sinh sống làm việc ở nước ngoài.”

'Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam' - Ảnh 7

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Một thành phần của dân tộc rất quan trọng là số người Việt sinh sống ở nước ngoài. (Ảnh Hương Giang)

Khẳng định tính đúng đắn của việc đưa ra các chính sách đặc thù ưu tiên cho doanh nghiệp dân tộc, tuy nhiên PGS.TS Đinh Dũng Sỹ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cũng bày tỏ lo lắng trong việc xây dựng pháp luật, để các quy định của Việt Nam không vi phạm các nguyên tắc của quốc tế, như nguyên tắc đối xử bình đẳng của WTO.

Ông cũng đã dẫn chứng một số quy định cụ thể liên quan đến các doanh nghiệp, cần phải nghiên cứu để có dư địa phát triển sự ưu tiên hay không. Như quy định về thủ tục thành lập; việc tiếp cận nguồn tài nguyên; quy định về thuế; chính sách về xuất nhập khẩu…

“Thực sự là một cuộc đấu trí tuệ của các nhà làm luật để có chính sách ưu tiên, nhưng không vi phạm WTO” - PGS.TS Đinh Dũng Sỹ nói về vai trò của những người làm luật.

Ông cũng lưu ý nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp vấn đề thông tin thị trường và xúc tiến thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp dân tộc trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, tranh chấp quốc tế. Ông đề nghị bộ Tư pháp cần thúc đẩy vai trò của Luật sư công trong vấn đề này.

Với vai trò chuyên môn, ông khẳng định không thể có một đạo luật riêng về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp dân tộc, nhưng có thể đưa quy định về sự hỗ trợ vào tất cả các luật liên quan.

'Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam' - Ảnh 8

PGS.TS Đinh Dũng Sỹ: “Thực sự là một cuộc đấu trí tuệ của các nhà làm luật để có chính sách ưu tiên, nhưng không vi phạm WTO” (Ảnh Hương Giang)

Đại diện một doanh nghiệp đã thành công trong môi trường có nhiều sự cạnh tranh từ nước ngoài, doanh nhân Hoàng Thám Hoa - Chủ tịch Tập đoàn ô tô Nhân Hòa – dẫn chứng một số quy định còn đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, bà mong mỏi những ý kiến tại tòa đàm sẽ chuyển tải ý kiến của doanh nghiệp tới các nhà xây dựng pháp luật, xây dựng chính sách. Làm sao để chính sách ngày càng đơn giản, để doanh nghiệp có thể thực hiện một cách dễ dàng, tự nguyện, giảm thiểu tối đa chi phí cho doanh nghiệp.

Bà cũng kỳ vọng các doanh nghiệp tư nhân sẽ được tạo điều kiện để được bình đẳng phát triển với các doanh nghiệp Nhà nước, không để tình trạng các doanh nghiệp tư nhân phải nỗ lực vất vả cạnh tranh, còn doanh nghiệp nhà nước thì thờ ơ mặc kệ lỗ, lãi…

'Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam' - Ảnh 9

Doanh nhân Hoàng Thám Hoa: Làm sao để chính sách ngày càng đơn giản, để doanh nghiệp có thể thực hiện một cách dễ dàng. (Ảnh Hương Giang)

Khiêm tốn cho rằng: Chưa biết Tân Á Đại Thành có phải là một doanh nghiệp Dân tộc hay không, nhưng ông Phạm Minh Đức - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành cho biết: “Slogan của chúng tôi là “Tân Á Đại Thành – Phồn vinh cuộc sống Việt”. Slogan này đã lan tỏa trong cuộc sống.

Ông bày tỏ quan điểm: Cá nhân tôi cho rằng, có nhiều doanh nghiệp thành lập chỉ đặt ra mục tiêu lợi nhuận. Nhưng có những doanh nghiệp đặt lý tưởng, sự đồng hành dân tộc lên trên.

Nếu như một doanh nghiệp, một cá nhân nếu có một số tài sản nhất định, họ sẽ không còn lăn tăn đến chuyện kiếm tiền, nhưng vì lý tưởng, họ sẵn sàng lăn xả vào công việc.

Cũng như với người lao động, có những người đến làm để nhận lương. Cũng có người vì sự nghiệp. Khi vì sự nghiệp, họ có thể đồng hành với doanh nghiệp bền bỉ, mà không cân đo lợi ích. Ông cho rằng, doanh nghiệp dân tộc phải có lý tưởng đồng hành với dân tộc, đồng hành với chủ trương của dân tộc. Ví dụ như Tân Á Đại Thành, khi phát triển hệ thống máy móc, sự lựa chọn của một doanh nghiệp là hướng tới sự phát triển bền vững để giảm thiểu tác hại môi trường. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải đánh đổi lợi ích của mình.

Tuy nhiên, theo ông Đức: Doanh nghiệp dân tộc có sự hy sinh, cống hiến cho dân tộc, nhưng họ cũng mong muốn sự hy sinh này sẽ được đền đáp như thế nào. Ví dụ như sự động viên, tôn vinh, tiếp tục động viên phát huy, có những chính sách khích lệ phù hợp.

'Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam' - Ảnh 10

Ông Phạm Minh Đức: Có những doanh nghiệp không đặt lợi ích kinh doanh, mà đặt lý tưởng, sự đồng hành dân tộc lên trên. (Ảnh Hương Giang)

Tại tọa đàm hôm nay, đại diện cho lĩnh vực du lịch, ông Lê Công Năng - Công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Wonder Tour- đặt vấn đề về sứ mệnh của doanh nghiệp. Ông cũng đưa ra đề nghị những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch. Đặc biệt ông nhấn mạnh sự cần thiết để hỗ trợ sự doanh nghiệp để thúc đẩy du lịch nội địa; Bà Lê Thị Hoa – Chủ tịch hội đồng nữ doanh nhân quốc tế - đã đặt một số câu hỏi thể hiện sự trăn trở của các nữ doanh nhân trong quá trình đồng hành cùng dân tộc. Bà cũng nhấn mạnh yếu tố khó khăn của những nữ doanh nhân, mong muốn có những sự ưu đãi riêng cho nữ doanh nhân....

'Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam' - Ảnh 11

Bà Lê Thị Hoa – Chủ tịch hội đồng nữ doanh nhân quốc tế. (Ảnh Hương Giang)

Chia sẻ niềm tự hào khi phát triển dòng sản phẩm thủ công truyền thống, bà Ngô Thị Tính – TGĐ Cty Cổ phần bánh mứt kẹo Bảo Minh nói: Sản phẩm của chúng tôi có mặt ở Hà Nội từ thời Pháp thuộc, do ông bà tôi sản xuất, gián đoạn một thời gian do chiến tranh. Sau này tôi mới khôi phục lại nghề. Tôi đã phát triển nhiều mặt hàng, trên cơ sở truyền thống. Và thật thự hào khi sản phẩm bánh mét kẹo truyền thống của Hà Nội, của Việt Nam không chỉ được yêu thích ở thị trường trong nước mà còn vươn xa cả nước ngoài. Đặc biệt, tháng 12 vừa rồi, sản phẩm bánh cốm đã ra được thị trường Bắc Mỹ.

"Chúng tôi đã bứt ra khỏi làng nghề, dám đầu tư, dám thay đổi công nghệ để “vươn ra biển lớn”. Đứng trước sự cạnh tranh, thách thức rất lớn, chúng tôi đã thay đổi rất nhiều cả về quy mô, công nghệ, quản trị để nâng tầm mình lên. Và sự nỗ lực này đã khiến doanh nghiệp ngày càng phát triển, cạnh tranh được với sản phẩm ngoại." bà chia sẻ

Bà bày tỏ khó khăn khi các doanh nghiệp thủ công, truyền thống phải tiếp cận với công nghệ để sản phẩm ngày càng tốt hơn. Và cũng như tâm tư của nhiều doanh nhân trong tọa đàm này, bà mong muốn nhận được sự hỗ trợ để doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển.

'Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam' - Ảnh 12

Bà Ngô Thị Tính: Chúng tôi đã bứt ra khỏi làng nghề, dám đầu tư, dám thay đổi công nghệ để “vươn ra biển lớn”. (Ảnh Hương Giang)

Đóng góp với Tọa đàm những ý kiến rất quý báu dưới góc nhìn một chuyên gia pháp lý, TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện chiến lược và Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp nhận định: 40 năm, chúng ta có 1 triệu doanh nghiệp tạo việc làm cho 85% lực lao động, nguồn thu nhập của người dân Việt Nam. Với 40 năm như vậy, chúng ta rất tự hào, chúng ta tự tin để phát triển.

Từ thực tế nghiên cứu vấn đề này, ông đề nghị một số lưu ý để doanh nghiệp dân tộc có môi trường phát triển: Làm truyền thông thật tốt để có thể loại bỏ những quan điểm chưa công bằng với doanh nghiệp tư nhân; Phải có hành động cụ thể, kế hoạch cụ thể cho doanh nghiệp dân tộc, phải có đầu mối, giao việc cụ thể; Rà soát, lắng nghe trăn trở của các doanh nghiệp, để thấy điều gì chưa ổn thì thay đổi; Tạo không gian tự do, rộng mở cho khu vực kinh tế tư nhân, lập “chỉ giới đỏ” cho những hành vi bị cấm, tránh những rủi ro cho doanh nghiệp; Nâng cấp công nghệ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nhân…

Đặc biệt, ông lưu ý các nhà làm chính sách, các doanh nghiệp cần phải tôn trọng luật sở hữu trí tuệ.

“Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với đề nghị của các doanh nhân về việc tham gia xây dựng pháp luật. Bởi những chính sách cần thiết, phù hợp nhất phải được chính các doanh nhân đề xuất.”

'Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam' - Ảnh 13

TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện chiến lược và Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp: Những chính sách cần thiết, phù hợp nhất phải được chính các doanh nhân đề xuất (Ảnh Hương Giang)

Kết thúc Tọa đàm, Tiến sỹ Vũ Hoài Nam - Tổng biên tập báo Pháp luật Việt Nam - cám ơn những ý kiến của các chuyên gia, các doanh nhân trong buổi tọa đàm.

Ông cho biết: Thời gian vừa qua, thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc các quy định của Đảng phải sớm được thể chế hóa, các văn bản khi ban hành phải sát với thực tế trước rất nhiều những yêu cầu mới; thực hiện nhiệm vụ Bộ Tư pháp giao, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức rất nhiều tọa đàm liên quan chủ đề hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế,...

"Doanh nghiệp dân tộc là chủ đề rất được quan tâm, được nêu rõ trong Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị. Trong cuốn sách “Từ hàng xén đến công ty” có nói rằng, doanh nghiệp Việt Nam có xuất phát điểm thấp. Do đó, các doanh nghiệp nếu muốn xây dựng vững mạnh thì phải nỗ lực gấp 10 lần doanh nghiệp nước ngoài. Đây không chỉ là câu chuyện đầu tư về kinh tế - tài chính, mà có rất nhiều yếu tố, trong đó câu chuyện nút thắt về mặt thể chế cũng vô cùng quan trọng." - Tổng biên tập Vũ Hoài Nam nói.

Tổng biên tập cũng khẳng định, đây chỉ là Tọa đàm đầu tiên về vấn đề này. Chủ đề doanh nghiệp dân tộc sẽ không chỉ dừng lại ở đây. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận, tổ chức thêm nhiều sự kiện để góp thêm những tiếng nói của các chuyên gia và doanh nghiệp... để lan tỏa những thông điệp, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp dân tộc.

Tin Cùng Chuyên Mục