Ngày pháp luật

Hoàn thành hàng loạt dự án cầu đường, tàu siêu tốc 'khủng' nhất thế giới, Trung Quốc tham vọng nối liền toàn bộ tuyến đường thuỷ trong nước: Dự định chi hơn 1.000 tỷ đồng để xây kênh đào gần 2.000 km

An Chi

Nhằm thúc đẩy nền kinh tế, các địa phương của Trung Quốc đang lên kế hoạch chi hàng nghìn tỷ đồng để xây hệ thống kênh đào quy mô lớn.

Trung Quốc đã hoàn thành mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới để phục vụ hầu hết các thành phố với ít nhất 500.000 người, cũng như các đường cao tốc kết nối các khu vực. Hiện tại, quốc gia này đang chuẩn bị triển khai một loạt các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm kênh đào nối liền mọi tuyến đường thuỷ trong nước.

SCMP chỉ ra, dấu hiệu về những gì sắp diễn ra trong tương lai được thể hiện trong các dự án trên thực địa và tài liệu của chính quyền các địa phương. Tại khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, việc xây dựng kênh đào Bình Lục dài 134,2 km đang diễn ra sôi nổi với chi phí ước tính hơn 70 tỷ NDT (9,93 tỷ USD). Tại tỉnh An Huy, kênh Giang Hoài nằm trong dự án trị giá 100 tỷ NDT, đã bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2022.

Một phần của kênh đào Giang Hoài ở tỉnh An Huy, Trung Quốc.  
Một phần của kênh đào Giang Hoài ở tỉnh An Huy, Trung Quốc.  

Trong khi đó, nhiều đề xuất đã được đưa ra trong kế hoạch của chính phủ nhằm chi hơn 545 tỷ NDT để xây dựng các kênh đào. Đề xuất này đã được các đại biểu cấp địa phương nhiều lần trình bày lên cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang chứng kiến đà tăng trưởng giảm tốc trong thời gian dài, nên khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng lại được coi là “liều thuốc chữa bách bệnh”. Từ năm 2008 đến 2009, phần lớn gói kích thích 4 nghìn tỷ NDT chủ yếu được giải ngân cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Hơn nữa, hiện tại, khi các tuyến giao thông khác đã hoàn thiện, kênh đào trở thành lựa chọn số một cho một số địa phương. Họ đã chỉ ra những lợi ích của các tuyến đường thuỷ này, chẳng hạn như chi phí vận chuyển thấp hơn, đồng thời liên kết các dự án này với các kế hoạch quy mô quốc gia cho đến rộng hơn như Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng nếu việc xây dựng được thúc đẩy quá mạnh mẽ, một số dự án có thể trở thành hiện tượng “tốn tiền nhưng không hiệu quả”. Ngoài ra, một số câu hỏi về hiệu quả chi phí và tác động đến môi trường, đặc biệt là ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra, cũng đang được đặt ra.

Hiện tại, tỉnh Hồ Nam đang đề xuất xây dựng “phiên bản hiện đại” của kênh Linh Cừ, cũng nối liền sông Dương Tử và sông Châu Giang, với chi phí dự kiến hơn 150 tỷ NDT. Trong khi đó, tỉnh Giang Tây đề xuất chi 320 tỷ NDT (khoảng 1.120 tỷ đồng) để xây kênh đào chạy qua Giang Tây, kéo dài đến các tỉnh Chiết Giang và Quảng Đông và trở thành kênh đào dài nhất thế giới với chiều dài 1.988 km.

Kênh đào Bình Lục đang trong quá trình xây dựng.  
Kênh đào Bình Lục đang trong quá trình xây dựng.  

Theo SCMP, cả 2 dự án được đề xuất này được gọi là “dự án của thế kỷ”. Trong một văn bản do Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc ban hành hồi tháng 6, các tỉnh này được thúc giục “đẩy nhanh quá trình lập kế hoạch và xây dựng các tuyến đường thuỷ cao cấp”, cùng với đó là “nghiên cứu sâu và lên kế hoạch sơ bộ” cho cả 2 dự án.

Tuy nhiên, việc đạt mục tiêu trong vòng 1-2 năm và quy mô của các khoản nợ mà chính quyền các địa phương phải đối mặt là một vấn đề gây trở ngại.

Hơn nữa, so với các phương thức vận tải khác, kênh đào cần nhiều thời gian và tốn kém hơn để xây dựng, ít linh hoạt hơn về vị trí chính xác có thể xây dựng và tác động nhiều đến môi trường. Do đó, hầu hết các kênh đào được xây dựng trên khắp thế giới cuối cùng đã bị thay thế bởi mạng lưới đường sắt và đường bộ, theo James Wang Jixian, giám đốc nghiên cứu Trung tâm Bay Area Hong Kong.

Trường hợp ngoại lệ đáng chú ý là kênh đào Suez và Panama, đã phát triển mạnh mẽ và được mở rộng, vì cả hai đều là những tuyến đường hàng hải quan trọng. Kênh đào Suez giúp rút ngắn hành trình từ Châu Á đến Châu Âu từ 7 đến 10 ngày, trong khi kênh đào Panama “cắt bớt” hành trình giữa bờ biển phía đông và phía tây của Mỹ khoảng 15.000 km.

Ông cho rằng, chỉ cần Trung Quốc có thể cải thiện điều kiện vận chuyển của các tuyến đường thủy hiện có và tích hợp hiệu quả hơn với mạng lưới đường sắt và đường cao tốc thì sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội trong dài hạn.

Tin Cùng Chuyên Mục