Sự thử thách, gian nan trong hội họa mà người ta thường nói đến như lao động quên mình, quên thời gian, quên ăn, quên ngủ… thì với Họa sỹ Đào Anh Khánh, ngược lại đó lại là hạnh phúc. Hội họa không chỉ là đam mê, là sở thích mà còn là một ân nhân mà anh luôn hàm ơn vì chính nó đã từng cứu sống anh.
Cách đây khoảng 10 năm, trong dịp đến New York với tư cách đạo diễn dựng vở múa cho nhà hát, Họa sỹ Đào Anh Khánh bị dị ứng lông mèo khiến cổ họng co thắt, phổi phù nề, không thể thở nổi như bị ai đó bóp cổ đến nghẹn thở. Lúc đó lại vào đúng nửa đêm không ai có thể cứu giúp. “Trời xui đất khiến”, nhìn thấy cây bút bi và tập giấy trắng, anh đã vồ lấy vẽ, vẽ không kịp suy nghĩ. Nhưng tất cả cứ tuôn ra ào ào, và 3 giờ trôi qua, trước mắt anh đã hiện ra khoảng trên 40 bức vẽ về vũ đạo, về sức mạnh nội tại con người…
Cứ như thế, cơn ho chết người biến mất từ lúc nào chính bản thân anh cũng không hề biết. Sáng hôm sau khi đến bệnh viện, bác sĩ cũng phải ngạc nhiên không hiểu tại sao anh có thể sống sót. Và điều kỳ diệu không kém, tất cả những bức vẽ đêm đó được đưa vào triển lãm ngay tại phòng tranh trước khi khán giả đến xem tác phẩm múa của anh.
“Điên” trong tận cùng thăng hoa
Họa sỹ Đào Anh Khánh luôn nhìn thế giới xung quanh với tình yêu và sự tôn trọng chân thành. Dù là cái xấu hay cái đẹp đều được anh tỉ mỉ quan sát và đặt toàn bộ trái tim, khối óc của mình vào đó. Mà thế giới này, vũ trụ này là vô tận, quan sát và cảm thụ đến bao đời cho hết. Nghệ thuật của Đào Anh Khánh lại được nuôi dưỡng từ những thứ vô tận đó, chưa kể bản thân nghệ thuật đã là một cỗ máy sáng tạo vô tận. Bởi vậy, anh không bao giờ lo cạn cảm xúc, hay thiếu sáng tạo trong việc sáng tác các tác phẩm hội họa cho mình.
Để định nghĩa về một tác phẩm hội họa đẹp quả thực là sự lúng túng của rất nhiều người, kể cả những người làm trong nghề. Còn riêng với Họa sỹ Đào Anh Khánh, là người yêu vẽ, yêu sáng tạo, anh coi bức tranh đẹp là sự hoàn mỹ của tư duy sáng tạo và độc đáo. Ở đấy, tất cả các yếu tố kỹ thuật, màu sắc, bố cục… phải nhường chỗ cho cảm xúc lôi cuốn, phải bị hút vào nó mà không giải thích được, không cưỡng lại được.
Và để dung hòa được cá tính của một người nghệ sĩ với hàng nghìn con người khác, mỗi con người lại là một bản thể cá biệt, không ai giống ai thường là một việc rất khó. Vậy nên, Họa sỹ Đào Anh Khánh thường không tìm cách để “dung hòa” cá tính của mình với hàng nghìn người ngoài kia. Anh cứ vẽ những thứ mình yêu chân thật, yêu say đắm, cuồng nhiệt.
Cái từ “điên” dành cho Đào Anh Khánh cũng chính vì anh đã quên được hàng vạn người để nghĩ đến riêng mình một cách chân thành. Giống như anh đã từng nói “Tôi thích điên trong tận cùng thăng hoa”. Bởi thế, hàng vạn người nhìn anh và tác phẩm của anh không giống ai. Nhưng cũng chính sự dị biệt ấy đã khiến người yêu nghệ thuật bị mê hoặc, bị lôi cuốn với lối hội họa riêng biệt của anh.
Kinh doanh cũng là một nghệ thuật
Thưởng thức nghệ thuật có thể dành cho tất cả mọi người, nhưng được sở hữu nghệ thuật, nhất là những tác phẩm ưu tú thì không phải ai cũng có thể. Thông thường để được sở hữu những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, không những đòi hỏi kiến thức để thưởng thức mà cả yếu tố tài chính đủ tầm. Các tác phẩm hội họa của Họa sỹ Đào Anh Khánh không chỉ thu hút những người sưu tầm nghệ thuật mà còn cả những nhà chính trị, ngoại giao trí thức và đặc biệt là các doanh nhân.
Họa sỹ Đào Anh Khánh cho rằng kinh doanh và nghệ thuật không khác nhau, bởi nếu kinh doanh đạt tới sự sáng tạo, độc đáo và hiệu quả cao thì chính nó là nghệ thuật rồi. Có khác chỉ là mục đích mà thôi.
Thực tế, ở Việt Nam, ngày càng có nhiều doanh nhân quan tâm đến việc mua các tác phẩm hội họa, vừa để phục vụ cho sở thích, trang trí và còn là của để dành sinh lời. Họa sỹ Đào Anh Khánh cũng rất vui vì tác phẩm của mình không chỉ còn trông chờ vào các vị khách nước ngoài mà giờ đây ngay cả khách trong nước cũng là một bàn đạp mạnh mẽ có phần nổi trội hơn giúp anh và các họa sỹ Việt có điều kiện để phát huy tài năng sánh vai cùng các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong tương lai gần, Họa sỹ Đào Anh Khánh đang ấp ủ tổ chức một cuộc triển lãm tranh đủ để ngưng đọng lại một chặng đường gần 60 năm mê hội họa. Đó là vẽ một bức tranh khoảng 250m2 giữa núi rừng, đủ để lòng mình trải ra giữa thiên nhiên, con người và lan tỏa xúc cảm mãnh liệt đến tất cả những người yêu hội họa nói chung và mến mộ Họa sỹ Đào Anh Khánh nói riêng.
Họa sỹ Đào Anh Khánh thường không tìm cách để “dung hòa” cá tính của mình với hàng nghìn người ngoài kia. Anh cứ vẽ những thứ mình yêu chân thật, yêu say đắm, cuồng nhiệt.