Ông lớn ngành thép chuyển mình
Tập đoàn Hòa Phát ra đời tháng 8/1992, tiền thân là công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng. Sau gần ba thập kỷ phát triển, năm 2020, Hòa Phát là một trong những Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, kinh doanh bốn lĩnh vực chính: Gang thép, Sản phẩm Thép, Bất động sản, Nông nghiệp. Đầu năm 2021, Hòa Phát vượt qua Formosa trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á với sản lượng 2 triệu tấn thép thô. Lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát đạt trên 13.500 tỷ đồng năm 2020 trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19.
Cuối năm 2020, dự án Hoà Phát Dung Quất giai đoạn 1 bắt đầu khai thác tối đa công suất nhà máy. Trong khi nhà máy của Hòa Phát vẫn duy trì nhiều công đoạn thủ công, chưa được số hoá hoàn toàn dẫn đến sự không đồng đều giữa các dây chuyền sản xuất, sản phẩm. Bên cạnh đó, hệ thống Công nghệ thông tin (CNTT) đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ và chưa tối ưu quy trình hoạt động với quy mô một nhà máy thép lớn nhất Việt Nam.
Hòa Phát đứng trước lựa chọn: Tiếp tục mở rộng hay thu hẹp và làm cách nào để xây dựng năng lực cạnh tranh trong tương lai? Để đáp ứng sự thay đổi của mô hình kinh doanh, Tập đoàn Hoà Phát đưa ra chiến lược xây dựng năng lực cạnh tranh dự trên nền tảng công nghệ số.
Tập đoàn sẽ thay đổi mô hình quản trị CNTT theo hướng tinh gọn hiệu quả và đảm bảo các mục tiêu chiến lược. Bên cạnh đó, để phát triển kinh doanh cần minh bạch quy trình và kết nối khoa học với chuỗi cung ứng logistic toàn cầu. Nội bộ tập đoàn sẽ hướng đến tự động hóa và quản trị vận hành chuyên nghiệp bằng dữ liệu.
Cái bắt tay của ông lớn ngành thép với Tập đoàn Công nghệ CMC
Theo thông tin từ doanh nghiệp, cuối năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Công nghệ CMC nhằm xây dựng lộ trình chuyển đổi số toàn diện. Dự án kéo dài nửa năm, đặt mục tiêu giúp các công ty và Khối sản xuất thép của Tập đoàn số hóa quy trình sản xuất kinh doanh.
CMC được biết tới là doanh nghiệp có hơn 28 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, từng thực hiện nhiều dự án trong các ngành công nghiệp, sản xuất. Tập đoàn Công nghệ này cũng là đối tác thực hiện nhiều dự án CNTT cho Hoà Phát. CMC đã dành nhiều thời gian tìm hiểu nghiệp vụ kinh doanh, vận hành cũng như hệ thống CNTT của Hoà Phát và nhận được sự tin tưởng từ lãnh đạo Tập đoàn.
Lộ trình chuyển đổi số bài bản của Hoà Phát
Theo ông Lương Tuấn Thành - Giám đốc Công nghệ Tập đoàn CMC: “Để giải bài toán vận hành của Hòa Phát, CMC có phương pháp luận khoa học dựa trên quan điểm: Vạch ra tầm nhìn dài hạn, khả thi và thực tiễn, phù hợp với ngành sản xuất thép và công nghiệp nặng, hướng tới mô hình tập đoàn đa ngành”.
“CMC đã tập trung sự đồng bộ của chiến lược xây dựng năng lực số với chiến lược và hoạt động kinh doanh, đồng thời sẽ nhận diện, lựa chọn và đánh giá một vài sáng kiến có thể ưu tiên thực hiện trước theo công thức: Tăng doanh thu, giảm chi phí, tối ưu tài sản và hạn chế rủi ro”, ông Thành nói.
Hòa Phát là Tập đoàn đa ngành, để chuyển đổi toàn diện, CMC đề xuất tạo ra một nhóm chuyên trách làm việc với các bên liên quan chủ chốt, để tạo sự đồng thuận trong toàn Tập đoàn ở mọi thời điểm.
Theo đó, lộ trình chuyển đổi chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn một sẽ xây dựng nền tảng công nghệ và quản trị; Giai đoạn 2 tập trung khai thác số hoá hiệu quả cho vận hành và sản xuất với trải nghiệm người dùng xuất sắc; Giai đoạn 3 sẽ từng bước giúp ban lãnh đạo Hòa Phát quản trị và điều hành toàn diện bằng dữ liệu và mở rộng cho các lĩnh vực kinh doanh khác.
Việc chuyển đổi số trong vận hành sẽ tạo ra các kênh tương tác mới giữa đại lý và tập đoàn để tự động hóa quá trình đặt hàng, theo dõi giao nhận hàng hóa tăng trải nghiệm khách hàng. Ban lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát cũng sẽ hiểu rõ hơn cách ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin vào quản trị doanh nghiệp để bộ máy quản trị và điều hành hoạt động hiệu quả.
“Hòa Phát chuyển đổi để nâng cao hiệu quả và phát triển tạo ra giá trị mới, tăng cường sự hài lòng của khách hàng cũng như tìm kiếm thị trường mới dễ dàng hơn, rộng rãi hơn, nhanh chóng hơn. Hướng tư vấn của CMC sẽ giúp chúng tôi giảm chi phí, kiểm soát rủi ro, nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả kinh doanh”, ông Từ Thanh Hải - Trưởng Ban CNTT Tập đoàn Hòa Phát - Trưởng Ban Dự án Chuyển đổi số chia sẻ.
“Trong nửa năm diễn ra dự án, CMC làm việc với tinh thần thấu hiểu và đồng hành cùng khách hàng. Đã có rất nhiều buổi trao đổi gay gắt giữa hai bên để đạt được sự đồng thuận. Quá trình tư vấn cho khách hàng cũng là quá trình chúng tôi tự học, tự nâng cao năng lực công nghệ”, ông Lương Tuấn Thành chia sẻ.
Trong quá trình thực hiện đánh giá hạ tầng Công nghệ thông tin của Hòa Phát, ngoài việc trực tiếp khảo sát định tính hệ thống, CMC phối hợp, hướng dẫn khách hàng sử dụng công cụ tự động hóa để đánh giá định lượng nhằm mang lại kết quả chính xác nhất. CMC cam kết đồng hành cùng nhà máy Hòa Phát Dung Quất trong việc đảm bảo tính ổn định, an toàn cho hoạt động vận hành Công nghệ thông tin của nhà máy trong vòng hai tháng sau khi hạng mục tư vấn kết thúc.