Chung kết Giải thưởng Doanh nhân cộng đồng - Blue Venture Award mùa 2 vừa diễn ra tại TP.HCM. Xuất hiện tại sự kiện với tư cách giám khảo, Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thuý có những chia sẻ hết sức chân thành.
Theo đó, nàng hậu sinh năm 1988 cho biết, cô cảm thấy rất vinh dự khi được làm Ban giám khảo cho một cuộc thi có ý nghĩa như Blue Venture Award. "Đối với tôi, là một hoa hậu, tôi phải thực hiện những trách nhiệm lớn lao với cộng đồng vì ngoại hình không nói lên được tính cách và khả năng của mình… Bản thân tôi cảm thấy nếu chỉ làm giàu cho bản thân thì không được, phải đem kiến thức, kỹ năng và hiểu biết của mình để làm những việc có ý nghĩa hơn cho cộng đồng".
Được biết, Mai Phương Thúy có dự định 5 năm nữa sẽ mở quỹ đầu tư hoặc quỹ học bổng và đã có những bước chuẩn bị ngay từ bây giờ. "Chuyện đi tìm startup đầu tư đã trở thành chuyện hằng ngày, ăn vào máu vào ADN của tôi”, cô nói.
Về giải thưởng Doanh nhân cộng đồng - Blue Venture Award mùa 2 đã thu hút hơn 200 đơn đăng ký dự thi và lan toả mạnh mẽ tinh thần kinh doanh vì cộng đồng tại Việt Nam.
Trong đêm chung kết, 5 doanh nhân mang đến những vấn đề xã hội nhức nhối hiện nay. Cụ thể, nhà sáng lập Trần Thuỳ Linh mang đến Blue Venture Award 2019 những sản phẩm được làm từ tre với dự án Vibabo. Hồ Thái Bình với dự án SiGen cũng gây chú ý. Khởi nghiệp từ một trải nghiệm không mấy êm đẹp của bản thân về muỗi, Thái Bình mang khát vọng và mơ ước mang các giải pháp hố ga ngăn mùi tạo muỗi phủ rộng khắp Việt Nam và toàn thế giới.
Hay Lê Thuỳ Linh lại khiến mọi người ngưỡng mộ bởi cảm xúc và tấm lòng của một nữ doanh nhân luôn nỗ lực vì một thế giới không còn nhiều rác nhựa. Võ Quốc Thảo Nguyên trình bày về dự án Green Joy Straw với sản phẩm chính là các ống hút được làm từ cỏ bàng khô - loại thực vật phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Green Joy Straw đã từng xuất hiện và được rót vốn trên chương trình Shark Tank Việt Nam.
Đặc biệt, Nguyễn Hồng Ngọc Bích đến từ Cricket One mang đến cuộc thi dự án giải pháp phát triển dòng sản phẩm protein bền vững với chi phí hợp lý bằng việc ứng dụng công nghệ và cách thức nuôi dế thâm canh trong container.
Mô hình kinh doanh của Cricket One còn giúp cho nhiều nông dân hưởng lợi từ việc chăm sóc dế và tiêu thụ thân cây sắn. Theo startup, Cricket One đã sản xuất ra 22 triệu dế mỗi tháng, tạo doanh thu 45 tỷ trong cùng một thời gian với quy mô chỉ gần 30 nông dân tham gia và sản xuất và đã xuất khẩu đến 12 nước. Hiện tại, Cricket One đang là chuỗi cung cấp dế lớn nhất thế giới.
Nhà sáng lập Cricket One mang đến màn thuyết trình ấn tượng.
Bên cạnh đó, nhà sáng lập đã ghi điểm với ban giám khảo khi trả lời các câu chất vấn liên quan đến vấn đề sao chép mô hình giữa các nước Châu Âu và Châu Mỹ khá thuyết phục. Ngọc Bích cho rằng để nuôi dế cần môi trường khí hậu nhiệt đới như Việt Nam và đòi hỏi các nguồn thức ăn đặc biệt của khu vực khí hậu này. Dó đó nếu sao chép mô hình, các doanh nghiệp nước ngoài cần có một nguồn vốn và nguồn nhân lực cực kỳ lớn. Nếu họ cần đến 6 người để hoàn thành công việc thì Cricket One chỉ cần 1 người và công việc sẽ được hoàn tất trong nửa ngày.
Kết quả, ngôi vị Quán quân của Giải thưởng Doanh nhân Cộng đồng - Blue Venture Award 2019 thuộc về đại diện Nguyễn Hồng Ngọc Bích đến từ Cricket One. Giải Nhì thuộc về doanh nhân Võ Quốc Thảo Nguyên của Green Joy Straw và giải Ba thuộc về doanh nhân Trần Thuỳ Linh đến từ Vibabo.
Nguyễn Hồng Ngọc Bích nhận giải Quán quân của Giải thưởng Doanh nhân Cộng đồng - Blue Venture Award 2019.
Như vậy, sau Vulcan Augmetics, Cricket One đã chính thức trở thành đại diện Việt Nam tiếp theo tham gia thi đấu tại cuộc thi The Venture 2020 - diễn ra vào tháng 6 tại Canada, để có cơ hội giành giải thưởng cao nhất trong tổng giải thưởng 1 triệu USD.