Trong kinh doanh, người ta thường nhắc nhiều đến văn hóa doanh nghiệp. Bản thân Đinh Hiền Anh định nghĩa như thế nào về cụm từ này?
Trong quãng thời gian rời xa làng giải trí, tôi cũng đã có một sự nghiệp kinh doanh khá vững chắc. Để có được điều đó, tôi luôn chú trọng tới vấn đề văn hóa doanh nghiệp. Theo tôi, văn hóa doanh nghiệp ở đây không đơn thuần là văn hoá giao tiếp hay văn hoá kinh doanh. Nó cũng không phải là những khẩu hiệu của ban lãnh đạo treo trước cổng hay trong phòng họp mà bao gồm sự tổng hợp của các yếu tố trên. Đó là giá trị, niềm tin, chuẩn mực được thể hiện trong thực tế và trong hành vi của mỗi doanh nghiệp.
Bản thân mỗi người lãnh đạo đều có những định nghĩa khác nhau nhưng theo tôi, văn hóa doanh nghiệp có thể được coi là toàn bộ các giá trị văn hóa được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại, phát triển của doanh nghiệp; Chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ, hành vi và sự khác biệt giữa các doanh nghiệp. Và tôi cho rằng, văn hóa doanh nghiệp chính là nền móng cho sự phát triển của mỗi doanh nghiệp.
Cụ thể, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp được Tổng Giám đốc Đinh Hiền Anh quan tâm như thế nào trong doanh nghiệp của mình?
Là người làm kinh doanh, bản thân tôi ý thức được tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp nên luôn cùng với các thành viên xây dựng nên một nền tảng văn hóa vững chắc.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là quá trình đòi hỏi một khoảng thời gian dài. Bản thân tôi cũng phải vượt qua thời gian đầu vô cùng khó khăn, vất vả. Song tôi rút ra kinh nghiệm rằng phải xác định được giá trị cốt lõi trước tiên, rồi từ đó mới nhìn nhận và nỗ lực phát huy những thế mạnh của doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp cũng lớn lên từ đó.
Là người đứng đầu doanh nghiệp, chị đánh giá thế nào về vai trò của lãnh đạo trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp?
Theo tôi, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp không chỉ của riêng người lãnh đạo mà là của tất cả các thành viên, có như vậy mới đạt được kết quả tốt và giúp cho doanh nghiệp phát triển theo thời gian.
Tất nhiên, ở những vị trí khác nhau thì vai trò và tầm ảnh hưởng của mỗi thành viên trong công ty cũng khác nhau. Tôi luôn suy nghĩ rằng, muốn mọi người làm tốt thì trước tiên bản thân mình phải thực hiện tốt. Là lãnh đạo, tôi ý thức được mình phải là người tiên phong, là hình mẫu truyền cảm hứng cho mọi người trong việc cùng nhau xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Điều đó sẽ tạo nên một sự cộng hưởng và văn hoá doanh nghiệp sẽ ngày một sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn.
Theo chị đâu là điều khó khăn nhất trong việc xây dựng và duy trì văn hóa doanh nghiệp? Chị đề ra biện pháp gì để khắc phục và hạn chế những khó khăn này?
Theo tôi, điều khó khăn nhất trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp là việc định hướng và tạo nên thương hiệu, nét riêng, sau đó là duy trì được nó. Tôi luôn coi doanh nghiệp là đại gia đình, mỗi thành viên là một mắt xích quan trọng nên thường xuyên động viên, bảo ban nhân viên cùng nỗ lực trong việc xây dựng văn hóa nói chung. Thời điểm hiện tại, tôi hạnh phúc khi đã thực hiện được điều này ở một mức độ nhất định. Tôi cho rằng, việc nào cũng khó khăn nhưng tất cả đều có cách giải quyết, làm được hay không là do chính bản thân mình mà thôi.
Văn hóa doanh nghiệp được coi là chìa khóa thành công ở nhiều doanh nghiệp đa quốc gia nhưng vẫn chưa được hiểu đúng, đủ ở các doanh nghiệp Việt Nam. Theo chị đâu là nguyên nhân hạn chế nhận thức của doanh nghiệp Việt về vấn đề này?
Mỗi một quốc gia lại có những đặc thù văn hóa của riêng mình, Việt Nam cũng thế. Chúng ta là đất nước có nền kinh tế phát triển nhanh và nóng nên nhiều doanh nghiệp mải mê đuổi theo lợi nhuận trước mắt mà quên mất văn hóa doanh nghiệp mới là nền tảng để phát triển bền vững.
“Điều khó khăn nhất trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp là việc định hướng và tạo nên thương hiệu, nét riêng, sau đó là duy trì được nó”.
Mặt khác, các doanh nghiệp Việt phần lớn thiếu tính hệ thống, thường chỉ tìm kiếm lợi nhuận, lợi ích từ chuyên môn đặc thù và phát triển nóng từ đó. Khi thiếu tính hệ thống thì doanh nghiệp khó phát triển ổn định chứ chưa nói đến xây dựng văn hoá doanh nghiệp tốt. Để cải thiện tình trạng này có lẽ cần thời gian và sự ý thức về vai trò của văn hóa doanh nghiệp từ chính lãnh đạo doanh nghiệp.
Trong thời buổi hội nhập, văn hóa doanh nghiệp càng đóng vai trò, vị trí quan trọng. Để đánh giá một doanh nghiệp, ngoài nguồn nhân lực, công nghệ, vốn… người ta còn quan tâm đến giá trị cốt lõi đó là văn hóa doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải có được tầm nhìn thời đại, lấy văn hóa doanh nghiệp là yếu tố then chốt, kết hợp sự vận động mềm dẻo, thông minh để thích nghi với mọi thử thách và hội nhập bền vững.