Ngày pháp luật

Hiếu PC cùng các chuyên gia chia sẻ bí quyết giúp cộng đồng người khiếm thính nâng cao ý thức chống lừa đảo trên không gian mạng

Giang Phạm

Qua buổi workshop, Nami Foundation và Chống Lừa Đảo mong rằng sẽ phần nào giúp các bạn cộng đồng người điếc hiểu hơn về những chiêu thức lừa đảo đang có ở trên không gian mạng, từ đó có thể lan tỏa, sẻ chia thông tin nhiều hơn với bạn bè tại cộng đồng của mình để từng bước tạo dựng ra một không gian mạng an toàn hơn. 

Theo thống kê từ Cục An toàn thông tin, trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng tăng 37,82% so với giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022.  

Các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi thông tin điện thoại, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, nơi cư trú... để kết nối, giao tiếp với bị hại qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber qua đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi bị phát hiện, tố giác hoặc cơ quan chức năng theo dõi, các đối tượng này xóa bỏ dữ liệu, hủy bỏ thiết bị. 

Hiếu PC cùng các chuyên gia chia sẻ bí quyết giúp cộng đồng người khiếm thính nâng cao ý thức chống lừa đảo trên không gian mạng - Ảnh 1
 

Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng, nhắm vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng.

Mặc dù Bộ Công an đã liên tục đưa ra cảnh báo nhận diện các phương thức lừa đảo và cách phòng ngừa với loại lừa đảo này nhưng vẫn còn rất nhiều trường hợp, nạn nhân "mắc bẫy".

Với người thường, việc cảnh giác với các tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đã khó, nhưng với cộng đồng người khiếm thính, điều này còn khó hơn gấp bội. Bởi lẽ, hàng ngày, cộng người người khiếm thính luôn phải đối mặt với nhiều rào cản. Họ không chỉ gặp khó khăn trong việc giao tiếp, mà còn gặp khó trong việc tìm kiếm thông tin cũng như thiếu cơ sở để bày tỏ mong muốn cá nhân.

Đặc biệt, hệ thống ngôn ngữ ký hiệu còn hạn chế về vốn từ, trong khi lĩnh vực công nghệ, không gian mạng - một chủ đề bao hàm nhiều khái niệm, đặc thù phát triển rất nhanh.

Do sự hạn chế khả năng tiếp xúc với các thông tin cảnh báo và báo động, những người khiếm thính dễ mắc phải các hình thức lừa đảo như tin nhắn lừa đảo, cuộc gọi giả mạo, email lừa đảo hoặc thậm chí là việc bán hàng giả mạo. Cũng chính vì rảo cản trong giao tiếp, cộng đồng người khiếm thính càng khó khăn trong việc tiếp xúc với công an hay chính quyền địa phương để cung cấp bằng chứng về các chiêu trò lừa đảo. Tâm lý tự ti và ngại ngùng không dám nói cho gia đình biết càng làm họ trở nên cô độc trong cuộc chiến với nạn lừa đảo.

Anh Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - chuyên gia bảo mật tại dự án Chống Lừa Đảo đã chia sẻ những bí kíp giúp các bạn tại cộng đồng người khiếm thính tại Hà Nội nâng cao nhận thức an toàn thông tin trên không gian mạng
Anh Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - chuyên gia bảo mật tại dự án Chống Lừa Đảo đã chia sẻ những bí kíp giúp các bạn tại cộng đồng người khiếm thính tại Hà Nội nâng cao nhận thức an toàn thông tin trên không gian mạng

Với mong muốn đem đến cho cộng đồng người khiếm thính những kiến thức, kinh nghiệp về việc phòng tránh lừa đảo trên không gian mạng, buổi workshop "Chống lừa đảo trên không gian mạng cho cộng đồng người điếc" diễn ra tại Hà Nội vào sáng ngày 15/10. Buổi workshop diễn ra với sự đồng hành của đơn vị Chống Lừa Đảo (chongluadao.vn); SCI Labs và Nami Foundation. 

Tại buổi workshop, anh Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - chuyên gia bảo mật tại dự án Chống Lừa Đảo đã chia sẻ những dấu hiệu nhận biết, bí kíp giúp các bạn tại cộng đồng người khiếm thính tại Hà Nội nâng cao nhận thức an toàn thông tin trên không gian mạng.

Theo anh Hiếu, tội phạm tên mạng rất nhiều, nếu sơ hở sẽ có nguy cơ bị lợi dụng. Tinh vi hơn, các đối tượng còn lợi dụng công nghệ Deepfake (công nghệ làm giả âm thanh, hình ảnh, video) tạo cuộc gọi video hoặc bắt chước giọng nói của người đại diện...

Hiếu PC cùng các chuyên gia chia sẻ bí quyết giúp cộng đồng người khiếm thính nâng cao ý thức chống lừa đảo trên không gian mạng - Ảnh 2

Do vậy người dùng cần đề cao cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, email, tin nhắn hay mạng xã hội, kể cả với người xưng là nhân viên của các tổ chức/đơn vị liên hệ trực tiếp. Nếu không may vướng phải, đơn cử như bị hack tài khoản thì cần tìm mọi cách nhanh nhất để thông báo cho bạn bè, người thân để tránh nhiều người bị lừa.

Để bảo mật tài khoản được tốt nhất, các bạn và cộng đồng nên trang bị cho mình các kiến thức căn bản về an toàn thông tin như tạo mật khẩu có độ khó cao, đổi mật khẩu ít nhất 6 tháng/lần, đặt chế độ bảo mật 2 bước, không click vào đường link lạ; cần check lại thông tin với người thân bằng cuộc gọi, kiểm tra thông tin chỉ có bạn với người đó biết; chủ động nâng cao kiến thức bảo mật, cập nhật tin tức mới nhất về các mối đe dọa bảo mật, học cách phòng ngừa, sử dụng công cụ bảo mật như phần mềm chống virus và chống đánh cắp thông tin...

Qua buổi workshop, Nami Foundation và Chống Lừa Đảo mong rằng sẽ phần nào giúp các bạn cộng đồng người điếc hiểu hơn về những chiêu thức lừa đảo đang có ở trên không gian mạng, từ đó có thể lan tỏa, sẻ chia thông tin nhiều hơn với bạn bè tại cộng đồng của mình để từng bước tạo dựng ra một không gian mạng an toàn hơn. 

Tin Cùng Chuyên Mục