Sau hàng chục vòng đàm phán kéo dài trong 8 năm, đại diện 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc) vừa chính thức đặt bút ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hiệp định RCEP có 20 chương bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại trước đây giữa ASEAN và các đối tác. Ngoài các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hoá, đầu tư và sở hữu trí tuệ, hiệp định còn bao gồm các chương về thương mại điện tử, cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác kinh tế, kỹ thuật và mua sắm của chính phủ.
RCEP được đánh giá là FTA lớn nhất thế giới do bao trùm một thị trường khổng lồ có quy mô gần 25.000 tỷ USD và hơn 2,3 tỷ người. Sau khi thực thi, hiệp định sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất toàn cầu, trong đó 15 thành viên của RCEP chiếm 47,4% dân số thế giới, đóng góp khoảng 1/3 tổng sản phẩm (GDP) toàn cầu, 29,1% thương mại thế giới và 32,5% đầu tư toàn cầu.
Không chỉ riêng ASEAN, ước tính, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong khuôn khổ RCEP sẽ làm tăng GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thêm 2,1% và GDP thế giới lên 1,4%.
Đánh giá về tác động của RCEP đến nền kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN.
“Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu”, Bộ trưởng khẳng định.
Hiệp định RCEP được khởi động vào tháng 11/2012 tại Phnom Penh (Campuchia) theo sáng kiến của ASEAN nhằm khuyến khích thương mại giữa các nước thành viên và các đối tác Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc- những quốc gia đều đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) độc lập với ASEAN.