Lần đầu tiên doanh nhân có bộ quy tắc đạo đức
Đây là hoạt động thiết thực của doanh nhân Việt Nam hưởng ứng thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đồng thời là bước khởi đầu quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần thứ VII về “Tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, hình thành và thúc đẩy thực hiện các quy ước, chuẩn mực chung về đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân”.
Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do Ban chấp hành VCCI công bố gồm 6 điều: Tạo giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam bao gồm: Tạo giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
6 quy tắc nói trên là các phẩm chất đạo đức cơ bản cần có của doanh nhân Việt Nam được khuyến nghị thực hành rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nước ta. Có thể thấy, trong 6 quy tắc nêu trên, 2 quy tắc đầu là những nguyên tắc đạo đức cơ bản của doanh nhân để đảm bảo cho tính chính danh và sự tồn tại của doanh nghiệp. 2 quy tắc tiếp theo là những chuẩn mực trong hoạt động kinh doanh và tương tác với các đối tác. 2 quy tắc cuối cùng là những phẩm chất cần có trong ứng xử với thiên nhiên, môi trường, với Tổ quốc, xã hội và gia đình.
Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, việc thực hiện các quy tắc đạo đức doanh nhân không chỉ giúp hạn chế các hiện tượng tiêu cực trong giới doanh nhân mà cao hơn, xa hơn nữa là hướng đến xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngang tầm với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Ông cũng lưu ý, yêu cầu đặt ra trong xây dựng Bộ Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam là phải phát huy những giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam, những điểm mạnh của doanh nhân Việt Nam, tạo giá trị, “sức mạnh mềm” của doanh nhân Việt Nam, đồng thời khắc phục những hạn chế của giới doanh nhân. Bộ quy tắc cũng phải tiếp thu và phát huy các giá trị phổ quát của thời đại, cộng đồng doanh nhân quốc tế như: Tính minh bạch, chính trực, công bằng…
Với việc có những phẩm chất đạo đức chung, thống nhất, đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ không chỉ phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc mà còn sở hữu thêm những giá trị, sức mạnh mềm, tạo uy tín, lợi thế trong hoạt động kinh doanh...
“Với 200 ngàn doanh nghiệp hội viên, gần 200 hiệp hội DN thành viên, VCCI tin rằng, đây sẽ là cơ sở quan trọng để quy tắc đạo đức đi vào cuộc sống…”- Chủ tịch VCCI khẳng định.
Người đứng đầu VCCI cũng cho biết, để Bộ quy tắc này không chỉ là phong trào, VCCI sẽ lan tỏa đạo đức doanh nhân, bắt đầu bằng những tấm gương doanh nhân tiêu biểu, những câu chuyện thành công. Và ngay trong năm nay, VCCI sẽ tôn vinh doanh nhân tiêu biểu dựa trên điều kiện tiên quyết là đạo đức.
Hiệu ứng lan tỏa…
Ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội DN Thái Bình cho rằng, chưa bao giờ lực lượng DN Việt Nam đông đảo như vậy, trong đó nhiều DN có đóng góp lớn cho kinh tế, xã hội, nhưng cũng nhiều DN, doanh nhân có những vi phạm đạo đức, pháp luật.
“Tôi tin rằng, triển khai được 6 quy tắc này sẽ tạo nên tác động tích cực không chỉ cho DN mà cho cả nền kinh tế, cho đất nước”- ông Vẻ bày tỏ và khẳng định: “Quan điểm của tôi là doanh nhân có tài, tín, tầm thì sẽ có tiền. Tôi cam kết hưởng ứng Chương trình này và sẽ lan tỏa tới hơn 8.000 DN tỉnh Thái Bình…”
“Chúng ta xác định rõ sẽ mất rất nhiều công sức, thời gian để xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh, nhưng đó chính là cơ sở để doanh nghiệp, doanh nhân trường tồn phát triển cùng đất nước…”- ông Tô Dũng Thái - Chủ tịch VNPT khẳng định.
Đánh giá cao việc công bố Bộ Quy tắc đạo đức doanh nhân, ông Tô Dũng Thái hy vọng VCCI và cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện tốt bộ quy tắc, mặc dù có thể sẽ mất nhiều thời gian. Bộ quy tắc là những “viên gạch” đầu tiên, có thể khó khăn, bước chậm nhưng có lòng tin thì sẽ thành công.
Đồng tình khi cho rằng Bộ Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam đã đáp ứng và nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự đồng thuận rất cao và sự “chờ đợi” của xã hội trong bối cảnh hội nhập, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nhấn mạnh: “Đạo đức kinh doanh chính là “chìa khoá” để doanh nhân Việt Nam có thể hội nhập với thế giới”.
“Phú Thái đã có nhiều dịp làm việc với các tập đoàn lớn trên thế giới và họ đề nghị tôi phải ký vào cam kết đạo đức kinh doanh với các điều khoản …dày cộp”- ông Phạm Đình Đoàn chia sẻ.
Cũng theo Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Việt Nam với tầm nhìn đến năm 2045 trở thành một đất nước hùng cường sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thế hệ F2 và F3. “Các thế hệ này hiện nay đang được đào tạo ở trong nước cũng như nước ngoài, nên việc giáo dục đạo đức trong kinh doanh cũng cần được đưa vào trong các chương trình đào tạo…” - ông đề nghị, đồng thời khẳng định: “Chỉ khi chúng ta hướng đến giáo dục đạo đức kinh doanh cho thế hệ này từ sớm mới có thể phát triển bền vững. Còn nếu không làm quyết liệt ngay từ bây giờ Việt Nam sẽ rất khó đạt được mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng một đất nước hùng cường”.
Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, có 3 mục đích lớn mà VCCI hướng tới trong công bố và phát động thực hành 6 quy tắc đạo đức gồm: Nâng cao nhận thức của các doanh nhân về đạo đức, lấy đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hoá kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững của đội ngũ doanh nhân Việt Nam; Góp phần thực hiện chủ trương Đảng, Nhà nước đã đề ra về xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, có văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội cao; Củng cố niềm tin, tăng sự ủng hộ của xã hội đối với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.