Giống như bóng đá hay golf, cuộc đua tài sản của các tỷ phú Mỹ dường như đã mặc định dành cho phái mạnh. Jeff Bezos, Bill Gates, Warren Buffett... hay mới đây nhất là ông trùm hàng hiệu Benard Arnault, đó có lẽ là số ít cái tên nhiều người nghĩ tới khi nói về những người nắm giữ tài sản nhiều nhất hành tinh.
Nói như vậy để thấy, thời kỳ có một nữ doanh nhân đủ khả năng "cầm trịch" kinh tế nước Mỹ vốn đã lùi xa cả trăm năm. Lịch sử ghi nhận từ những năm 1870 đến khoảng năm 1900, có một người phụ nữ mang tên Hetty Green đuợc vinh danh là "người phụ nữ giàu nhất nước Mỹ" - với khối tài sản sánh ngang các tỷ phú nam.
Quay trở lại bối cảnh nước Mỹ đầu thế kỷ 20, phố Wall luôn nhộn nhịp và huyên náo như mọi ngày. Trong đám đàn ông mang dáng dấp nhà đầu tư với vẻ ngoài lịch lãm, chải chuốt đang rảo bước, người ta nhìn thấy một người đàn bà già nua, chầm chậm di chuyển trong chiếc váy đen bạc màu, bẩn thỉu, sờn rách. Nét mặt cau có thường trực trên khuôn mặt càng làm bà được nhiều người chú ý. Người phụ nữ đó chính là Hetty Green, hay còn được biết đến với hỗn danh "phù thủy phố Wall".
Có thể nói, Hetty Green là người phụ nữ duy nhất trong hai trăm năm đầu tiên của lịch sử nước Mỹ thành đạt trong thế giới Phố Wall. Ellen Terrell - nhà nghiên cứu của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, cho chúng ta thấy tài sản của Hetty Green lớn đến mức: "được so sánh với những huyền thoại thời bấy giờ như Russell Sage, JP Morgan, John D. Rockefeller...".
Máu kinh doanh đã ngấm vào Hetty Green ngay từ tuổi ấu thơ. Sinh ra trong một gia đình giàu có tại New Bedford, Massachusetts, bà sớm được rèn luyện bản năng kiếm tiền qua sự dạy dỗ của cha mẹ. Lên 13 tuổi, Hetty Green đảm nhận công việc kế toán cho gia đình.
Vào sinh nhật lần thứ 20 của con gái, bố Hetty tặng bà một tủ đầy những chiếc váy đẹp và đắt tiền, trị giá tới 1.200 USD với mong muốn con gái thu hút những người đàn ông giàu có. Nhưng phản ứng của bà đối với món quà thật bất ngờ: Hetty bán toàn bộ số quần áo đó và dùng hết tiền mua trái phiếu chính phủ.
Hetty Green được biết tới như người đi tiên phong cho phong cách "đầu tư giá trị", giống với tỷ phú Warren Buffett ngày nay. Bí quyết này đã giúp Hetty Green chiến thắng trong nhiều thương vụ.
Năm 1865, nội chiến kết thúc nhưng gần như tất cả các nhà đầu tư và đầu cơ, trừ Hetty Green, đều không tin rằng chính phủ tuy thắng trận nhưng có thể phục hồi được kinh tế. Vì thế, giá trái phiếu liên tiếp giảm. Hetty dùng tất cả tiền bạc mua vào trái phiếu bất chấp mọi lời can ngăn, cười chê. Và rồi chuyện xảy ra đúng như dự đoán của Hetty. Nước Mỹ không chỉ tái thống nhất mà còn dần phục hồi. Trái phiếu Chính phủ Mỹ lại tăng giá, giúp cho Hetty trong vòng không đầy một năm kiếm được 1,25 triệu USD.
Nếu chỉ nổi lên với những phi vụ đầu tư "chi một được ba", có lẽ tên tuổi của Hetty Green chẳng được nhiều người nhớ tới. Sau hai thế kỷ, những thông tin người ta tìm được về "phù thủy phố Wall" là một nhà đầu tư máu lạnh và keo kiệt tới mức... bủn xỉn.
Biệt danh "phù thủy" của bà đến từ vẻ ngoài rách rưới, bẩn thỉu, hệt như một mụ phù thủy ác trong các truyện cổ tích. Chẳng biết những lời bình phẩm này có đến tai bà hay không, nhưng Hetty Green vẫn luôn xuất hiện như vậy trước đám đông.
Thói keo kiệt của bà được lưu truyền qua những câu chuyện về việc thức trắng cả đêm để tìm một cái tem 20 xu, hay không cho đốt nến cắm trên bánh sinh nhật lần thứ 21 mà gỡ ra cất đi để dùng cho sinh nhật lần sau.
Ngay cả sự đau đớn của bệnh tật cũng không khiến bà thay đổi tính cách. Sau 20 năm chịu đựng chứng thoát vị, cuối cùng bà mới để bác sĩ Henry Pascal khám cho mình vào năm 1915. Bác sĩ nhận định bà bị chứng thoát vị quá nặng. Ông lập tức thông báo, chứng thoát vị của bà rất nghiêm trọng và cần phải phẫu thuật khẩn cấp. Khi được thông báo chi phí là 150 đôla, bà quắc mắt lên quát bác sĩ: “Ông cũng vậy thôi! Một lũ kẻ cướp!”, rồi bỏ ra khỏi phòng khám.
Nhưng cũng giống câu chuyện kể trên, khi bị bắt phải trả tiền viện phí, Hetty không chấp nhận và quyết định mang con trai về nhà tự chữa trị. Kết cục, cậu con trai Ned phải chịu cảnh cưa chân vì thói keo kiệt của người mẹ.
Tình yêu của Hetty Green dành cho tiền khiến bà làm mọi thứ để bảo vệ tài sản. Kết hôn cùng người chồng Edward Henry Green, bà đã bắt ông kí vào một khế ước tiền hôn nhân để giữ cho cả hai độc lập về mặt tài chính. Sau này, ông Henry bị phá sản khi kinh doanh, bà nhanh chóng làm thủ tục li dị người chồng nghèo kém.
Từ đây, bà chuyển về sống với con gái. Cả hai không giao lưu tiếp xúc với bất kì họ hàng nào vì cho rằng, họ sẽ lấy tiền của bà.
Họ chỉ dám chi 15 xu cho một bữa ăn chính, uống sữa lạnh để tiết kiệm khí đốt và mặc những bộ đồ đen cáu bẩn cực lỗi mốt rất ít khi được giặt là. Thậm chí sau này, để tiết kiệm tiền thuê nhà, bà cùng con gái di chuyển nay đây mai đó, thay đổi nhà liên tục.
Có người còn nói rằng Hetty Green luôn thủ sẵn một khẩu súng trong người, sẵn sàng chĩa thẳng vào mặt những kẻ dám động đến... ví tiền của bà.
Hetty Green đáng lẽ không đáng bị mang tiếng xấu đến như vậy. Sau nhiều năm, người ta mới nhận ra lịch sử dường như đã quá khắt khe.
Hình ảnh một phù thuỷ "cau có, bực dọc, tham lam" đã theo Hetty Green suốt một thời gian dài. Những nhà nghiên cứu sau đó cũng vô tình lãng quên đi người phụ nữ này.
Tháng 7/2018, Hetty Green được vinh danh trong triển lãm: "Rebel Women: Defying Victorianism" (triển lãm tôn vinh những phụ nữ có tư duy, quan điểm đột phá trong thời kỳ trị vì của Nữ hoàng Victoria).
Janet Wallach, tác giả của cuốn sách về cuộc đời Hetty Green: “The Richest Woman in America: Hetty Green in the Gilded Age”, cho rằng Hetty Green là nạn nhân của những lời đồn thất thiệt: "Những bài phỏng vấn của bà ấy thể hiện đây là một doanh nhân thông minh và giàu lòng trắc ẩn, khác hẳn với hình ảnh lịch sử đã tô vẽ."