Ngày pháp luật

Hệ thống điện quốc gia đã cạn kiệt nguồn điện dự phòng

Phi Hùng

Hơn nữa, nhiên liệu để phát điện cho các nhà máy nhiệt điện than và khí gần như rơi vào khủng hoảng. Nếu không có giải pháp mạnh từ năm 2021, tình trạng thiếu hụt nguồn điện sẽ diễn ra trầm trọng.

Căng thẳng nhiên liệu phát điện 

Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện (BCĐQG) cho hay, theo quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, các nguồn nhiệt điện truyền thống sử dụng than, khí tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện đến 2025. Tuy nhiên, việc cung cấp than, khí cho phát điện lại đang gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn  nhiều rủi ro.

Hệ thống điện quốc gia đã cạn kiệt nguồn điện dự phòng - Ảnh 1
Năm 2021, thiếu hụt nguồn điện có thể sẽ diễn ra trầm trọng.

Thống kê cho thấy, khả năng sản xuất than antraxit trong nước để cấp cho sản xuất điện của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc hiện chỉ khoảng 36 triệu tấn (bằng gần 80% nhu cầu) nên để đủ dùng ngành Điện vẫn phải nhập khẩu và pha trộn than. Trong các năm tới, nhu cầu than tiếp tục tăng cao khi một số nhà máy điện mới vào vận hành như Hải Dương, Nam Định, Thái Bình 2, Bắc Giang, Công Thanh... Tình hình được dự báo sẽ còn khó khăn hơn. 

Lo ngại này là có cơ sở, khi các nguồn khí để phát điện từ Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ cũng cho thấy viễn cảnh không sáng sủa khi không đáp ứng đầy đủ cho các nhà điện hiện hữu; và thậm chí các nhà máy cung cấp khí cũng bắt đầu suy giảm sản lượng. Hiện chưa thấy nguồn khí bổ sung nào đáng kể. Hy vọng với các dự án khí lô B, Cá voi xanh cũng không còn, khi tiến độ triển khai chậm so với dự kiến Quy hoạch điện VII điều chỉnh. 

Báo cáo cho hay, trong 5 năm tới (2019-2023), theo quy hoạch cần đưa vào vận hành 30 dự án nhiệt điện than, khí với tổng công suất khoảng 28.80MW. Nhưng đến hết quý III/2019, chỉ có 8 dự án/8.460MW đang triển khai xây dựng. Như vậy, vẫn còn 22 dự án/20.000MW chưa được xây dựng nên không thể hoàn thành trong 5 năm tới như mục tiêu đề ra. “Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hệ thống điện từ chỗ có dự phòng gần 20% trong 2015-2016, đến nay hầu như không còn dự phòng và giai đoạn 2021-2025 khả năng xảy ra thiếu hụt nguồn điện”, báo cáo nêu.

Giải pháp nào?

Theo tính toán của BCĐQG, sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân 26,5 tỷ kWh/năm. Tuy nhiên, do nhiều dự án nguồn điện lớn và các chuỗi dự án khí Lô B, Cá voi xanh bị chậm tiến độ so với quy hoạch nên hệ thống được dự báo thiếu điện trong cả giai đoạn 2021-2025. Dự kiến, mức thiếu hụt năm 2021 là 6,3 tỷ kWh, năm 2022 là 8,9 tỷ kWh và năm 2024 là 1,2 tỷ kWh.

Ngoài việc thúc đẩy tiến độ các dự án trong quy hoạch, ngành Điện đã xem xét các giải pháp bổ sung nguồn cung cấp điện khác như: Nhà máy điện Hiệp Phước được cho là sẽ chuyển đổi từ nhà máy điện hiện hữu (375 kW) sang chạy LNG huy động từ năm 2022 với sản lượng 2 tỷ kWh/năm; điều chỉnh tiến độ phát điện nhiệt điện Long Phú sang năm 2025...

Nhập khẩu điện, sử dụng nguồn điện năng lượng tái tạo cũng được cho là những giải pháp để giải quyết nguy cơ thiếu điện trầm trọng trong những năm tới. Cân đối các nguồn điện nhập khẩu từ Lào được cho là sẽ giải quyết được gần 1.770MW. Để bù đắp sản lượng điện thiếu hụt, EVN  tính toán tổng công suất nguồn điện gió cần khuyến khích đưa vào vận hành thêm từ nay đến 2023 là 5.700 MW, nguồn điện mặt trời gần 11.400MW.  

Có điều việc sử dụng nguồn điện năng lượng tái tạo lại không hề đơn giản vì nguồn điện này có tính bất định cao, phụ thuộc thời tiết. Theo xu hướng chung trên thế giới, các nguồn điện năng lượng tái tạo phải được kết hợp với các loại hình nguồn điện khác để tăng cường tính ổn định cho hệ thống. Việc phát triển nóng các dự án điện năng lượng tái tạo với thời gian xây dựng rất nhanh, chỉ 6 - 12 tháng và tập trung tại một số tỉnh gây áp lực lớn lên hệ thống điện truyền tải. Lưới điện truyền tải không thể xây dựng đồng bộ vì thời gian đầu tư lưới 220kV tối thiểu 3 năm, lưới 500kV từ 4-5 năm. 

Theo nhiều chuyên gia, nhìn vào cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, nhiệt điện than vẫn chiếm tới hơn 50% tổng sản lượng điện sản xuất trong 10 năm tới. Khối lượng than nhập khẩu để phát điện dự kiến vào 2030 lên tới hơn 85 triệu tấn, cao gần gấp đôi so với lượng than cung ứng nội địa. Kịch bản này cộng với những nguy cơ mà ngành Điện đang đối mặt đặt ra câu hỏi lớn với an ninh năng lượng của Việt Nam. Liệu an ninh năng lượng quốc gia có được đảm bảo khi theo phương án hơn một nửa hệ thống điện phụ thuộc vào nhiệt điện than, trong đó 2/3 nguồn nhiên liệu phụ thuộc vào bên ngoài?

Tin Cùng Chuyên Mục