Ngày pháp luật

Hệ sinh thái kín tiếng của đại gia Ninh Bình Đỗ Hoàng Phúc

Theo Nhà đầu tư

Dù có phần kín tiếng với giới truyền thông, song không thể phủ nhận tiềm lực tài chính của vợ chồng doanh nhân Đỗ Hoàng Phúc - Phạm Thị Linh. Bên cạnh việc sở hữu hệ sinh thái doanh nghiệp "họ" Nam Phương, hai vị đại gia Ninh Bình còn tích cực tham gia nhiều phiên IPO cổ phần doanh nghiệp nhà nước.

Xưa nay, mỗi khi đề cập về giới doanh nhân Ninh Bình, người ta sẽ nhắc đến gia đình ông Nguyễn Xuân Thuỵ với Tập đoàn Xuân Thành, ông Nguyễn Xuân Thiện với Tập đoàn Xuân Thiện, ông Nguyễn Tăng Cường cùng Quang Trung Group, hay ông Nguyễn Văn Trường - Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường…

Không chỉ để lại dấu ấn với hoạt động kinh doanh, các doanh nhân kể trên cũng là những cái tên gần gũi với giới truyền thông, bạn đọc.

Dù có phần kín tiếng, nhưng Nam Phương lại là 1 trong 6 cái tên có nhiều đóng góp cho tỉnh Ninh Bình
Dù có phần kín tiếng, nhưng Nam Phương lại là 1 trong 6 cái tên có nhiều đóng góp cho tỉnh Ninh Bình

Bởi thế, sẽ là thiếu sót khi bỏ quên những doanh nhân dù có phần kín tiếng, nhưng tiềm lực không hề kém cạnh. Tiêu biểu nhất, đó là vợ chồng ông Đỗ Hoàng Phúc – Phạm Thị Linh.  

Nói về doanh nhân Đỗ Hoàng Phúc, giới đầu tư biết đến ông nhiều hơn với vai trò Chủ tịch HĐQT CTCP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (từ ngày 28/3/2018 đến nay), hay vai trò tương tự tại CTCP Cà phê Thắng Lợi (UpCom: CFV) (đọc thêm bài viết: Băn khoăn Cà phê Thắng Lợi - nhà đầu tư đề xuất bộ đôi dự án điện tái tạo 5.000 tỷ ở Đắk Lắk).

Ít ai biết, trước khi bén duyên với nghiệp kinh doanh, ông Đỗ Hoàng Phúc từng có thời gian dài công tác tại các cơ quan Nhà nước. Theo đó, từ năm 1975 – 2008, ông giữ các chức vụ từ chiến sỹ, hạ sỹ đến đại tá, trưởng phòng nghiệp vụ tại công an tỉnh Ninh Bình. Giai đoạn 2009 - 2011, ông chuyển công tác làm Phó chánh Văn phòng Tỉnh ủy Ninh Bình. Vị trí cuối cùng mà ông Phúc nắm giữ tại cơ quan Nhà nước là Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Ninh Bình (2011-2017).

Những ngày còn là công chức, ông Phúc cùng vợ là bà Phạm Thị Linh đã gây dựng sự nghiệp kinh doanh riêng. 

Đơn cử, vào đầu năm 2007, doanh nghiệp tư nhân Nam Phương (công ty hiện do bà Linh sở hữu 100% vốn) được thành lập, tiền thân của Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Nam Phương. Tháng 7/2016, ông Phúc cùng các pháp nhân liên quan lập CTCP Xuất nhập khẩu thực phẩm toàn cầu – hoạt động trong lĩnh vực bán buôn thực phẩm…

Cũng trong thời gian ông Phúc còn tại nhiệm, hai vợ chồng doanh nhân này đã tích cực tham gia nhiều phiên đấu giá cổ phần IPO đáng chú ý, như đăng ký mua 3,64 triệu cổ phần CTCP Du lịch Khách sạn Kim Liên (tháng 11/2015), tương đương tỷ lệ 52,43%; 1,38 triệu cổ phần CTCP Toa xe Hải Phòng (tháng 4/2016), ứng với tỷ lệ 71,97%.

Đặc biệt, hai vợ chồng họ Đỗ vào tháng 12/2015 đã mua đấu giá thành công hơn 1,66 triệu cổ phần Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Hải Dương (hiện là CTCP Giống cây trồng Hải Dương).

Chưa dừng lại ở đó, ông Phúc cùng vợ cũng sở hữu cổ phiếu của nhiều công ty nổi danh như: Nắm hơn 10,9 triệu cổ phiếu và là cổ đông lớn tại Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (UpCom: VLC); 2,13 triệu cổ phiếu CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UpCom: BSR).

Sang năm 2018, ông Phúc rời nhiệm sở, toàn tâm tập trung vào công việc kinh doanh từ những “cứ điểm” đã gây dựng được. Cũng trong năm này, ông nắm thêm một số vị trí cấp cao khác như: Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Nam Phương IMEX (từ ngày 15/3/2018) và Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm toàn cầu.

Vai trò của phu nhân Phạm Thị Linh

Suốt quãng thời gian chồng công tác tại cơ quan Nhà nước cho tới hiện tại, bà Linh là chủ sở hữu và là hạt nhân quan trọng trong hệ sinh thái các doanh nghiệp họ “Nam Phương”.

Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, bà hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc và chủ sở hữu Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Nam Phương – mắt xích ra đời sớm nhất và hiện cũng là pháp nhân lõi trong hệ sinh thái của hai ông bà.

Như đã nêu, công ty Nam Phương ra đời vào năm 2007. Giống như những người chủ của mình, Thương mại Nam Phương là doanh nghiệp kín tiếng với giới truyền thông, nhưng lại là một trong 6 đơn vị được Ninh Bình đánh giá là có nhiều đóng góp, đem lại nguồn thu lớn cho tỉnh.

Với gốc gác Ninh Bình, không lạ khi công ty sở hữu nhiều dự án trên địa bàn tỉnh, có thể kể đến một số cái tên tiêu biểu như: Dự án đầu tư xây dựng cảng và bãi chứa hàng đường thủy, tổng mức đầu tư hơn 187,4 tỷ đồng, quy mô hơn 1,1 ha; Dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân bón Nam Phương;…

Mặt khác, một dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, thương mại Nam Phương cũng là doanh nghiệp nổi danh với lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu các mặt hàng công nghiệp như: xi măng, clinke, thép, xăng, dầu, than.

Mặt hàng chính của doanh nghiệp là phân phối các sản phẩm xi măng trong nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Các mặt hàng mà Nam Phương đang phân phối là xi măng Duyên Hà, xi măng Vissai, xi măng Tam Điệp, xi măng Hoàng Thạch và xi măng Thăng Long.

Trong năm 2019, doanh thu thuần công ty đạt 2.563 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trừ đi các chi phí, lợi nhuận thuần còn 1,25 tỷ đồng, tăng nhẹ so năm 2018 (1,2 tỷ đồng).

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của công ty tính đến ngày 31/12/2019 là 1.631 tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ so với số đầu kỳ. Trong đó, chiếm đa phần là nợ phải trả 1.127,5 tỷ đồng (69,1%), phần còn lại là vốn chủ sở hữu 503,5 tỷ đồng (30,9%).

Hệ sinh thái kín tiếng của đại gia Ninh Bình Đỗ Hoàng Phúc - Ảnh 1

Chưa dừng lại ở đó, bà Linh còn nắm các chức vụ Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, chủ sở hữu công ty TNHH Sản xuất và Thương mại dịch vụ Việt Mỹ (hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phân bón NPK). 

Ngoài ra, vào tháng 6/2013, bà Linh và một thể nhân có liên hệ là Đỗ Linh Nhâm đã lập Công ty TNHH Xuất khẩu Nam Phương với tỷ lệ sở hữu cùng là 50%. Được biết, Xuất khẩu Nam Phương đã trúng một số gói thầu của CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn, đơn cử có thể kể đến gói thầu cung cấp nhiên liệu sử dụng cho lò nung với giá trúng thầu là 4,14 tỷ đồng (thấp hơn giá dự toán 91 triệu đồng).

Trong năm 2019, doanh thu của Xuất khẩu Nam Phương đạt 1.356 tỷ đồng, lợi nhuận thuần 896 triệu đồng. Đây là các con số cao nhất mà doanh nghiệp này đạt được trong giai đoạn 2016 – 2019.

Đi cùng với đó, chỉ tiêu tổng tài sản và nợ phải trả của Xuất Khẩu Nam Phương cũng tăng mạnh. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản công ty là 573,3 tỷ đồng, tăng 15,12% so với số đầu kỳ. Mức tăng này chủ yếu đến từ nợ phải trả 563,7 tỷ, tăng 15,4%.

Hệ sinh thái kín tiếng của đại gia Ninh Bình Đỗ Hoàng Phúc - Ảnh 2

Dữ liệu của Nhadautu.vn còn cho thấy, vào tháng 3/2018, bà Linh đã góp 30% vốn thành lập CTCP Xuất nhập khẩu Nam Phương IMEX. Các cổ đông còn lại gồm ông Đỗ Hoàng Phúc (30%), ông Đỗ Hoàng Phương – con trai của 2 ông bà (20%) và thể nhân có liên hệ là Đỗ Linh Nhâm (20%).

Đầu năm 2020, bà cùng các thành viên trong gia đình tiếp tục thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Materials Nam Phương. Tính đến tháng 8 năm nay, vốn điều lệ Materials Nam Phương đạt 9 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Bà Phạm Thị Linh (44,44%), ông Đỗ Hoàng Phương (33,33%) và bà Trần Thị Hải Lý – vợ ông Phương (22,22%).

Bên cạnh các đơn vị kể trên, phu nhân của ông Đỗ Hoàng Phúc còn nhiều khoản đầu tư góp vốn khác, đơn cử: Góp 51% vốn tại CTCP Xi măng Thanh Long; góp 50% vào Công ty TNHH Đầu tư và thương mại dịch vụ Nam Hải; góp 48% vào Công ty TNHH Trường Thịnh Phát Ninh Bình…

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục