Ngày pháp luật

HDBank của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo gánh nợ lớn, cổ phiếu vẫn được gom?

Theo Huyền Anh/Dân Việt

Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán TPHCM, ngày 14/11/2018 Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank – HDB), ông Nguyễn Hữu Đặng đã đăng ký mua 500.000 cổ phiếu HDB

Ngoài Tổng giám đốc HDBank Nguyễn Hữu Đặng đăng ký mua vào cổ phiếu HDB của ngân hàng HDBank thì ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc cũng dự định chi tiền tỷ để gom cổ phiếu giá rẻ bất chấp HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo phải gánh thêm 946 tỷ đồng nợ xấu từ Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) sau M&A.

Sếp lớn “tích cực” gom cổ phiếu HDB

Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán TPHCM, ngày 14/11/2018 Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank – HDB), ông Nguyễn Hữu Đặng đã đăng ký mua 500.000 cổ phiếu HDB với thời gian dự kiến thực hiện từ 19/11/2018 – 30/11/2018.

CEO của HDBank hiện sở hữu gần 26,15 triệu cổ phiếu HDBank, tương ứng tỷ lệ 2,67%. Như vậy nếu giao dịch thành công, ông Nguyễn Hữu Đặng sẽ nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên gần 26,65 triệu đơn vị.

Đáng chú ý ngoài ông Nguyên Hữu Đặng, Phó Tổng giám đốc của nhà băng này là ông Trần Hoài Nam cũng đăng ký mua vào với số lượng 200.000 cổ phiếu nhằm mục đích đầu tư. Phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc thỏa thuận với thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 20/11 – 20/12/2018

Trên thị trường, cổ phiếu HDB liên tục giảm từ đầu tháng 11 tới nay, chỉ có 3 phiên tăng. Trong đó, từ phiên 12/11 đến nay, giá cổ phiếu này lao dốc mạnh ba phiên liên tiếp, có phiên gần chạm giá sàn.

Tuy nhiên, sau thông tin 2 sếp lớn ngân hàng này “ôm” cổ phiếu, HDB có sự bật tăng xấp xỉ 7% trong phiên giao dịch ngày hôm qua, chốt phiên 16.11 tại 29.950 đồng/cp

Ở vùng giá hiện tại, hai sếp của HDBank sẽ phải chi gần 20 tỷ đồng để có được số cổ phiếu đăng ký mua.

Hiện tại, HDB mất khoảng 33% giá trị. Động thái mua vào của các “Sếp lớn” tại HDbank nhằm tận dụng cơ hội đầu tư nắm giữ và hỗ trợ giá cổ phiếu của nhà băng này trên thị trường.

HDBank của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo gánh nợ lớn, cổ phiếu vẫn được gom? - Ảnh 1

Diễn biến giá cổ phiếu HDB trong 3 tháng.

Trong 1 diễn biến khác, tháng 9 vừa qua NHNN đã đồng ý với chủ trương sáp nhập HDbank của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và PGbank của Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex.

PGBank hấp dẫn HBBank bởi khả năng có thêm 16 chi nhánh. Ngoài ra, Petrolimex, cổ đông lớn của PGBank, có hơn 20 triệu khách hàng với khoảng 2.500 điểm bán lẻ xăng dầu và 5.200 đại lý trên toàn quốc.

Hợp tác với Petrolimex có thể thúc đẩy tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) của HDBank khi ngân hàng tiếp cận và quản lý tiền lương CBCNV của Petrolimex. HDBank cho biết tiền gửi không kỳ hạn là 5.700 tỷ đồng có thể đạt được từ mối quan hệ với Petrolimex.

HDBank của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo gánh nợ lớn, cổ phiếu vẫn được gom? - Ảnh 2

Dưới con mắt của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, thương vụ sáp nhập sẽ giúp HDBank thực hiện sớm hơn chiến lược ngân hàng bán lẻ đã thông qua trong giai đoạn 2017-2021. Đó là trở thành hệ thống tín dụng có quy mô vượt trội, sở hữu hơn 400 chi nhánh và 15.000 điểm bán lẻ dịch vụ.

Đánh giá về thương vụ này, các chuyên gia phân tích đến từ công ty chứng khoán BVSC đồng tình rằng thương vụ sáp nhập với PGBank sẽ tạo rủi ro pha loãng đối với cổ đông hiện tại của HDB, đồng thời HDB phải gánh tỷ nợ xấu lớn từ PGBank. Tuy nhiên, với triển vọng tăng trưởng và quy mô hiện tại của HDB, lượng nợ xấu này không phải vấn đề quá lớn.

Còn theo như .báo cáo mới nhất về HDBank, Công ty chứng khoán TPHCM (HSC) lặp lại đánh giá khả quan với giá trị hợp lý năm 2018 của cổ phiếu HDB là 39.700 đồng/cổ phiếu.

Nếu như dự báo này là khả quan thì rõ ràng, việc mua vào HDB sẽ là 1 mũi tên trúng 2 đích đối với các lãnh đạo nhà băng này.

Chưa kể, HDBank vừa được Moody’s Investors Service nâng bậc xếp hạng tín nhiệm tiền gửi dài hạn (nội và ngoại tệ) và xếp hạng nhà phát hành dài hạn lên mức B1.

Sau sáp nhập, PGBank sẽ là “cục nợ” của HDBank?

Báo cáo tài chính quý II của PGBank cho thấy, chỉ tiêu cho vay khách hàng của ngân hàng này tính tới ngày 30/6 đạt gần 20.789 tỷ đồng, giảm hơn 632 tỷ đồng so với cuối năm 2017 (tương đương 2,95%).

Điều đang nói, dù hoạt động cho vay khách hàng giảm nhẹ nhưng chỉ tiêu nợ xấu lại có xu hướng tăng cao. tính đến thời điểm ngày 30/6/2018, nợ xấu ở PGBank là 780 tỷ đồng, tăng 12,9% so với đầu năm, đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng lên 3,75% so với 3,23% hồi đầu năm và vượt qua ngưỡng cho phép 3% của NHNN.

Chưa dừng lại, theo nguồn tin từ Vietnambiz, 9 tháng đầu năm nay, nợ xấu PGBank tiếp tục gia tăng lên mức 4,5%, tương ứng 946 tỷ đồng, tăng so với mức 3,2% cuối năm 2017. Đây cũng chính là khoản nợ mà HD Bank sẽ “tiếp quản” sau sáp nhập.

HDBank của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo gánh nợ lớn, cổ phiếu vẫn được gom? - Ảnh 3

Kết quả kinh doanh PGBank 9 tháng đầu năm.

Tính đến 30/9, PGBank dành tới 56% lợi nhuận kiếm được cho trích lập dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận trước thuế còn 143 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 114 tỷ đồng.

Liên quan đến tình hình kinh doanh của HDBank, 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của HDBank đạt 2.884 tỷ đồng, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 73,3% kế hoạch lợi nhuận của năm. Hệ số ROE đạt 20,1%, hệ số an toàn vốn CAR đạt 13,6%, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ ở mức 1,0%.

Tin Cùng Chuyên Mục