Ngày pháp luật

Hành trình “tìm lửa” của Vietsovpetro

Hữu Sơn

Vietsovpetro ra đời là kết quả cụ thể mà Đảng và Nhà nước ta thực hiện ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người bày tỏ với các đồng chí Liên Xô đi cùng chuyến thăm Khu Công nghiệp Dầu khí tại Bacu, Cộng hòa Ajerbaizan.

Trong chuyến thăm nước Cộng hòa Ajerbaizan ngày 23/7/1959, Hồ Chủ tịch thể hiện mong muốn sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam sẽ có ngành công nghiệp dầu khí lớn mạnh. Thực hiện ý nguyện của Bác, hơn 38 năm qua, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đã không ngừng lớn mạnh, góp phần xây dựng ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam ngày càng phát triển.

Hành trình “tìm lửa” của Vietsovpetro - Ảnh 1
Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro là hình mẫu trong quan hệ hợp tác giữa 2 quốc gia

Dấu ấn những giếng khoan

Theo Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN - đơn vị nắm giữ 51% cổ phần tại Vietsovpetro), năm 1981, Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt – Xô (nay là Liên doanh Việt – Nga) được thành lập trên cơ sở Hiệp định Liên chính phủ Việt Nam – Liên Xô về hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam. 

Vietsovpetro ra đời là kết quả cụ thể mà Đảng và Nhà nước ta thực hiện ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người bày tỏ với các đồng chí Liên Xô đi cùng chuyến thăm Khu Công nghiệp Dầu khí tại Bacu, Cộng hòa Ajerbaizan ngày 23/7/1959: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu rồi thì giúp khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu ngày nay”.

Hai năm rưỡi sau ngày thành lập, Vietsovpetro phát hiện vỉa dầu công nghiệp tại mỏ Bạch Hổ (tháng 5/1984) và 2 năm sau khi tìm thấy dầu, ngày 26/6/1986 đã đưa mỏ này vào khai thác. Tuy nhiên, vào giữa năm 1987, tức là chưa đầy một năm sau khi đưa giàn số 1 vào khai thác, sản lượng các giếng dầu từ các tầng trầm tích mỏ Bạch Hổ đã nhanh chóng giảm sút. Khả năng ngừng khai thác mỏ gần như đã thành hiện thực.

Vào thời điểm khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi đó, một sự kiện đã đến làm thay đổi tình thế, giúp cho Vietsovpetro trụ vững và tiếp tục đi lên. Đó là việc phát hiện ra tầng dầu sản lượng cao từ đá móng granit nứt nẻ tại giếng khoan BH-6 vào ngày 11/5/1987.

Kể từ đó, việc phát hiện dầu trong móng granit với sản lượng lớn tại mỏ Bạch Hổ đã tạo bước ngoặc lịch sử cho ngành Dầu khí Việt Nam. Sau mỏ Bạch Hổ, Vietsovpetro đã phát hiện thêm 7 mỏ dầu – khí khác có giá trị công nghiệp là Rồng, Đại Hùng, Nam Rồng – Đồi Mồi, Thiên Ưng – Mãng Cầu, Gấu Trắng, Thỏ Trắng và Cá Tầm. Ngoài ra, còn phát hiện được các biểu hiện dầu khí trên các cấu tạo Tam Đảo, Ba Vì, Bà Đen, Sói và Mèo Trắng...

Đóng góp 60% sản lượng khai thác toàn ngành

Theo PVN, Vietsovpetro đã thực hiện một khối lượng rất lớn công tác thăm dò địa chất dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, gồm: khảo sát hơn 44 nghìn km tuyến địa chấn 2D, gần 10 nghìn km2 địa chấn 3D; khảo sát lại toàn bộ Lô 09-1 với diện tích gần 900km2; hoàn thành thi công trên 500 giếng khoan tìm kiếm - thăm dò và khai thác dầu khí với chiều dài thân giếng tổng cộng 2,3 triệu mét khoan; phát hiện 7 mỏ dầu – khí có trữ lượng công nghiệp.

Vietsovpetro đã xây dựng một tổ hợp tương đối hoàn chỉnh các công trình bờ, kho cảng đảm bảo cung ứng dịch vụ cho các hoạt động thăm dò khai thác vận chuyển dầu khí. Xây dựng hệ thống công nghệ, công trình hoàn chỉnh phục vụ cho công tác khoan, khai thác, xử lý, thu gom, vận chuyển dầu khí tại các mỏ Bạch Hổ, Rồng, Gấu Trắng, Thỏ Trắng, Nam Rồng – Đồi Mồi, Cá Tầm, gồm trên 50 công trình biển được kết nối bằng hệ thống gần 200km cáp điện và gần 800km đường ống ngầm nội bộ, liên mỏ, đảm bảo một chu trình liên hoàn của hoạt động khai thác dầu khí một các an toàn, hiệu quả.

Đến hết tháng 6/2019, Vietsovpetro đã khai thác gần 235 triệu tấn dầu thô, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 60% sản lượng khai thác toàn ngành. Tổng doanh thu bán dầu thô đạt 80,2 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước và lợi nhuận của phía Việt Nam 50,4 tỷ USD, lợi nhuận phía Nga đạt 11,4 tỷ USD. Bên cạnh đó, Vietsovpetro đã cung cấp vào bờ gần 35 tỷ mét khối khí, thúc đẩy phát triển công nghiệp khí, điện, đạm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo PVN, trong những năm tới, để hướng tới mục tiêu phát triển ổn định, bền vững, Vietsovpetro xác định sẽ tiếp tục nỗ lực cao nhất, thăm dò các khu vực tiềm năng, khai thác hiệu quả, thu hồi tối đa trữ lượng dầu khí còn lại trong Lô 09-1, đồng thời tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác nghiên cứu, đầu tư mở rộng vùng hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ra các lô mới nhằm gia tăng trữ lượng, ổn định sản lượng khai thác dầu và khí.

Tin Cùng Chuyên Mục