Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) khi có hiệu lực sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. Song Hiệp định cũng đặt ra nhiều thách thức với đối với các sản phẩm sản xuất trong nước, khi có sự cạnh tranh về chất lượng, giá cả mẫu mã cũng như quy trình sản xuất.
Không để hàng hóa nước khác mượn danh xuất xứ
Theo các cam kết trong EVFTA, các yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ sẽ là một thách thức lớn đối với các DN Việt, bởi nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay vẫn chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các nước trong ASEAN. Trong khi đó công nghiệp hỗ trợ cho các ngành sản xuất chủ lực chưa thực sự phát triển, sẽ khiến nhiều ngành hàng chưa dễ tận dụng được ngay những cơ hội mà EVFTA mang lại.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường EU có yêu cầu rất cao cả về chất lượng sản phẩm cũng như quy trình sản xuất ra sản phẩm hàng hóa. Chính vì thế, khi Hiệp định được thực thi, Việt Nam cần hài hòa quá trình cải cách thể chế, thủ tục hành chính hướng đến cách làm mà được quốc tế thừa nhận cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.
|
Chủ động nguồn nguyên phụ liệu đúng nguồn gốc đảm bảo hàng hóa Việt Nam thực thi đúng cam kết trong EVFTA. |
Mặt khác, Việt Nam cần xây dựng cơ chế cung cấp được thông tin để DN nắm được quy định của Hiệp định. Ví dụ như thủ tục xuất xứ hàng hóa, trước đây quy định của EU áp dụng cho hàng của Việt Nam nếu như được hưởng cơ chế GSP sẽ khác so với việc được hưởng theo cơ chế Hiệp định thương mại tự do. Theo cơ chế mới, dù thuế xuất, nhập khẩu đều bằng 0% nhưng cách áp quy tắc xuất xứ lại khác.
“Hiệp định thương mại tự do xây dựng cơ chế hai bên cùng hưởng lợi và quy định quy tắc xuất xứ rất chặt, để tránh trường hợp hàng nước khác chuyển khẩu ở Việt Nam để hưởng những ưu đãi của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần phải có những chế tài nghiêm khắc với những DN vi phạm, bởi EU coi nếu có vài DN vi phạm trong một ngành thì sẽ có những hạn chế với cả ngành đó, nếu trường hợp đó xảy ra thì rất đáng tiếc, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng để không xảy ra”, ông Thái cảnh báo.
Đổi mới tổ chức mô hình sản xuất trong ngành nông nghiệp để sản phẩm nông sản trong nước có thể tận dụng được các ưu đãi từ EU, là giải pháp được ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) đưa ra khi EVFTA mang lại rất nhiều lợi ích để DN có cơ hội đưa hàng hóa nông sản sang thị trường này.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa thành chuỗi liên kết nên rất khó để quản lý thì ngành nông nghiệp cần tận dụng tốt các cơ hội để tổ chức được sản xuất, đổi mới mô hình sản xuất cho ngành nông nghiệp. “Ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế hợp tác xã đến năm 2020 có 15.000 hợp tác xã và thu hút DN vào đầu tư để thành những chuỗi sản xuất sản phẩm an toàn. Trong 3 - 4 năm vừa qua, số DN đầu tư vào ngành nông nghiệp đã tăng khoảng 3 lần với khoảng 1.400 chuỗi sản phẩm an toàn. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đối với các DN đủ lớn họ có đủ khả năng để cạnh tranh còn đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, hợp tác xã vẫn là một thách thức lớn. Chính vì vậy, thời gian tới ngành nông nghiệp tục tục củng cố phát triển hợp tác xã quy mô lớn hơn, hiệu quả tốt hơn”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhìn nhận.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng chuỗi liên kết
Để sản xuất hàng hóa trong nước bắt kịp xu thế và tận dụng được cơ hội trong EVFTA, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đối với một số ngành công nghiệp có lợi thế, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ là công việc cấp bách hàng đầu để có thể tận dụng được các lợi thế về thuế quan. “Đây có lẽ là lúc chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn, tích cực hơn, mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Phát triển DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ cũng là vấn đề quan trọng. Hội nhập không chỉ là vấn đề của các DN lớn, của các tập đoàn lớn mà sẽ là việc của cả cộng đồng DN, không loại trừ các hộ nông dân, các hộ kinh doanh cá thể”, ông Lộc nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” thời gian qua đã mang lại những kết quả to lớn, hiện hữu cho DN sản xuất cũng như cho nền kinh tế của đất nước. Từ đó cho đây là tiền đề tốt khi Việt Nam hội nhập vào các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ rõ, tham gia EVFTA, Việt Nam cũng đứng trước cuộc cạnh tranh kinh tế gay gắt, nhiều thách thức mới khi hàng hóa nước ngoài nhập vào nhiều hơn, dẫn đến cạnh tranh với hàng trong nước, trong khi quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ, sức cạnh tranh không cao. Chính vì thế, các cơ chế, chính sách về cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cần sớm được nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện nhằm hỗ trợ DN, người sản xuất tháo gỡ khó khăn, tập trung kết nối cung - cầu cũng đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để chủ động tham gia EVFTA, các ngành sản xuất trong nước cần tập trung vào việc hình thành chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa. Muốn vậy, cần sớm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp; hình thành và phát huy hiệu quả các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho DN cũng như hình thành các cụm liên kết vùng để các ngành hàng trong nước tận dụng thế mạnh và lợi thế trong bối cảnh hội nhập./.