Cụ thể, theo số liệu cập nhật mới nhất của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Mỹ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất (30 vụ, chiếm 19%); thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ (21 vụ, chiếm 14%); thứ ba là Ấn Độ (20 vụ, chiếm 13%) và thứ tư là EU (14 vụ, chiếm 9%).
Dẫn đầu là các vụ việc điều tra chống bán phá giá (87 vụ việc, chiếm 56%); tiếp đó là các vụ việc tự vệ (33 vụ, chiếm 21%); thứ ba là các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (19 vụ việc, chiếm 13%) và cuối cùng là các vụ việc chống trợ cấp (15 vụ việc, chiếm 10 %)
Theo Bộ Công Thương, hiện Việt Nam đã kháng kiện thành công (không áp dụng biện pháp/không gia hạn áp dụng biện pháp) đối với 57/137 vụ việc đã kết thúc điều tra; khiếu kiện 5 vụ ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó 3 vụ đã kết thúc (với kết quả tích cực) và 2 vụ đang trong quá trình xét xử.
Trước việc các nước ồ ạt khởi xướng điều tra với hàng hoá Việt, Bộ Công Thương cho biết đã có giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt. Thứ nhất, Bộ sẽ tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, kể cả các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường.
Hàng Việt xuất khẩu sang các nước bị điều tra chống bán phá giá nhiều nhất.
Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mạinhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc chủ động sử dụng và ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình.
Thứ hai, nhà chức trách sẽ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp cách thức ứng phó với các vụ kiện được nước ngoài khởi xướng, giải thích và đấu tranh từ giai đoạn điều tra để giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp cuối cùng; hướng dẫn và đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đấu tranh và khởi kiện ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ bất hợp lý, có dấu hiệu vi phạm quy định của WTO.
Đồng thời, cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời để các doanh nghiệp, ngành sản xuất có định hướng đầu tư, kinh doanh phù hợp trong bối cảnh các biện pháp mang tính chất bảo hộ đang diễn biến phức tạp.
Bộ Công Thương cũng thường xuyên trao đổi, tham vấn với các cơ quan điều tra phòng vệ thương mại trên thế giới trong các vụ việc cụ thể để doanh nghiệp xuất khẩu của ta được đối xử công bằng. Ngoài ra, kết quả điều tra của các cơ quan chức năng nước ngoài cũng được Bộ Công Thương phối hợp cùng doanh nghiệp nghiên cứu kỹ nhằm đảm bảo nước điều tra tuân thủ quy định WTO cũng như các FTA đã ký kết với ta.