Ngày pháp luật

Hàng trăm dự án nhà ở có nguy cơ ách tắc vì thủ tục công nhận chủ đầu tư

Nghị định mới yêu cầu phải có đất ở mới được công nhận chủ đầu tư có thể gây nguy cơ thất thu hàng chục ngàn tỷ đồng, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, theo HoREA.

Trong văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Xây dựng mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết Nghị định 99/2015 quy định chỉ có các trường hợp nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất ở”, hoặc có đất khác nhưng dính với đất ở (bao gồm các trường hợp nhà đầu tư có 100% đất ở, hoặc có đất ở và các loại đất khác) thì mới được công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại.

Như vậy, trường hợp nhà đầu tư có hàng chục, hàng trăm ha đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, nhưng chỉ cần có dính vài chục mét vuông đất ở, thì cũng được công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở. Còn lại, tất cả các nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất khác” nhưng không dính với đất ở (như trường hợp chỉ có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc đất phi nông nghiệp không có đất ở) thì không có quy định thủ tục lựa chọn chủ đầu tư.

Hàng trăm dự án tại TP HCM có nguy cơ tiếp tục ách tắc vì thủ tục công nhận chủ đầu tư
Hàng trăm dự án tại TP HCM có nguy cơ tiếp tục ách tắc vì thủ tục công nhận chủ đầu tư

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA cho biết nếu theo quy định trên, trường hợp một nhà đầu tư sử dụng 50 ha đất trồng cây cao su (100% đất nông nghiệp, không có đất ở) để thực hiện dự án xây dựng nhà ở, dự án khu đô thị có nhà ở, phù hợp với quy hoạch, thì không được công nhận chủ đầu tư dự án. 

Tương tự, nhà đầu tư sử dụng 1 ha đất có nguồn gốc là đất nhà xưởng ô nhiễm
phải di dời (100% đất phi nông nghiệp, không có đất ở) để làm dự án nhà ở, phù hợp với quy hoạch, thì cũng không được công nhận chủ đầu tư dự án.

"Điều này có thể tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, nhất là tiêu chí công bằng, bình đẳng, bảo vệ nhà đầu tư. Hiệp hội quan ngại tất cả các dự án nhà ở có quyền sử dụng đất nông nghiệp thuần, hoặc đất phi nông nghiệp thuần, không 'dính' với đất ở sẽ tiếp tục ách tắc", ông Châu cho biết.

HoREA cho biết chỉ tính trong 3 năm, TP HCM đã có hơn 126 dự án nhà ở thương mại bị ách tắc thủ tục công nhận chủ đầu tư do không thỏa điều kiện có 100% đất ở. Riêng năm 2020, thành phố đã có 39 dự án đầu tư của các doanh nghiệp chưa xử lý được do vướng mắc một số quy định pháp luật cũ. Trong đó, phần lớn là các dự án sử dụng đất nông nghiệp "thuần” hoặc dự án sử dụng đất phi nông nghiệp “thuần” không có đất ở để đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. 

Theo tính toán của HoREA, nếu bình quân mỗi dự án có mức đầu tư là 1.000 tỷ đồng, tổng mức đầu tư của 126 dự án lên đến 126.000 tỷ đồng, thì nhà nước có thể thất thu thuế VAT (10%) là 12.600 tỷ đồng. Nếu chủ đầu tư vay 70% tổng mức đầu tư với lãi suất 10%/năm thì đã phải trả chi phí lãi vay trong 5 năm qua lên đến khoảng 44.100 tỷ đồng, chưa tính các khoản tăng chi phí khác.

"Điều này gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khiến nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở sụt giảm, đẩy giá nhà tăng nóng trong thời gian qua", ông Châu đánh giá. 

Từ đó, Hiệp hội đã đưa ra kiến nghị bổ sung vào thủ tục công nhận chủ đầu tư tại Nghị định 9/2015 điều kiện "bao gồm có quyền sử dụng đất ở, hoặc có quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác, hoặc có quyền sử dụng loại đất khác không phải là đất ở”.

Về lâu dài, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét ban hành mới Luật
Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản trong năm 2021 và Luật Đất đai vào khoảng năm 2022-2023.

Tin Cùng Chuyên Mục