Ngày pháp luật

Hàng loạt ông chủ của những gã khổng lồ công nghệ rời ghế nóng

Theo Nhà đầu tư

Tỷ phú Jeff Bezos chính thức rời ghế nóng Amazon ở tuổi 57, trước ông có hàng loạt ông chủ của các gã khổng lồ công nghệ khác trên thế giới cũng đã rời đi.

Ông chủ Amazon rời ghế nóng ở tuổi 57

Mới đây, Amazon công bố Jeff Bezos sẽ nhường chức CEO cho Andy Jassy, sau khi đã giữ chức vụ này liên tục từ khi sáng lập công ty năm 1995. Jassy (53 tuổi) hiện đứng đầu mảng điện toán đám mây và đã làm việc tại Amazon từ năm 1997. Ông được coi là người kế nhiệm tiềm năng của Bezos nhiều năm nay.

Khả năng này càng được cụ thể hoá hơn khi năm ngoái, Jeff Wilke - giám đốc kinh doanh tiêu dùng và cũng được coi là người kế nhiệm tiềm năng - thông báo rời Amazon năm nay.

Jeff Bezos rời ghế nóng ở tuổi 57. 
Jeff Bezos rời ghế nóng ở tuổi 57. 

Quá trình chuyển giao diễn ra vào thời điểm Amazon ghi nhận doanh số bán hàng kỷ lục mùa dịch và tạo ra số tiền mặt, lợi nhuận khổng lồ từ Amazon Web Services - mảng được Jassy tạo ra và quản lý. Dù vậy, Bezos sẽ không rời xa. Theo Amazon, ông sẽ làm Chủ tịch điều hành sau khi thôi vai trò CEO..

Kể từ khi thành lập Amazon vào năm 1994, Bezos đã phát triển công ty từ một cửa hàng sách trực tuyến thành một gã khổng lồ thương mại điện tử (TMĐT) toàn diện và từ đó dẫn đầu sự phát triển của ngành điện toán đám mây trong tương lai.

Với việc không ngừng mở rộng quy mô kinh doanh và lợi thế dẫn đầu, giá cổ phiếu của Amazon tiếp tục tăng vọt, năm ngoái lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD. Giá trị thị trường hiện tại là 1.600 tỷ USD và có 1,3 triệu nhân viên.

Đại gia bán lẻ trực tuyến này ghi nhận doanh thu quý IV/2020 tăng 44% lên 125,6 tỷ USD, cao hơn ước tính trung bình 119,7 tỷ USD của các nhà phân tích. Amazon cũng dự kiến đạt doanh thu 100 - 106 tỷ USD quý I năm nay.

Bill Gates rời khỏi Microsoft

Theo New York Times, hôm 13/3/2020, Bill Gates tuyên bố rời khỏi HĐQT Microsoft và Berkshire Hathaway, tập đoàn được điều hành bởi người bạn thân Warren E. Buffett.

Bill Gates tuyên bố rời khỏi HĐQT Microsoft hồi tháng 3/2020. 
Bill Gates tuyên bố rời khỏi HĐQT Microsoft hồi tháng 3/2020. 

Trong nhiều thập kỷ, Bill Gates là gương mặt đại diện của Microsoft. Được biết đến với sự nhạy bén về kỹ thuật và hoạt động kinh doanh khắt khe, ông đã đưa Windows trở thành hệ điều hành thống trị trên nền tảng máy tính cá nhân. Microsoft nói rằng Gates sẽ vẫn là cố vấn kỹ thuật cho công ty.

Bill Gates đã từng bước rút lui khỏi vị trí điều hành tại Microsoft trong những năm gần đây. Ông từ chức CEO vào năm 2000 và giữ cương vị Chủ tịch HĐQT cho đến 2014.

Theo Microsoft, Gates muốn dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động từ thiện tại Quỹ Bill & Melinda Gates, một trong những tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất thế giới, được bắt đầu với hàng tỷ USD mà ông kiếm được từ Microsoft.

Năm 2006, Buffett cam kết quyên tặng phần lớn tài sản của mình cho Quỹ Bill & Melinda Gates. Gates gia nhập hội đồng quản trị Berkshire Hathaway năm 2004.

Tập đoàn này đã đề cử ông Kenneth Chenault, cựu Giám đốc điều hành của American Express, thay thế vị trí do Bill Gates để lại. Hiện nay Gates vẫn là một trong những cổ đông cá nhân lớn nhất của Microsoft. Tính đến tháng 12, ông đã nắm giữ hơn 100 triệu cổ phiếu của hãng, chiếm khoảng 1,3% cổ phần, trị giá khoảng 16 tỷ USD.

Daniel Ives, Giám đốc nghiên cứu cổ phần tại Wedbush Securities cho biết, việc Gates rời khỏi hội đồng quản trị Microsoft không phải điều bất ngờ và đó là cách để tập trung tín nhiệm hoàn toàn vào Nadella.

CEO Steve Jobs nhường lại chiếc ghế nóng hai tháng trước khi qua đời

Vào tháng 8/2011, nhà đồng sáng lập kiêm CEO huyền thoại Steve Jobs chính thức nhường lại chiếc ghế nóng của mình ở hãng Apple cho Tim Cook. Rất nhiều người hâm mộ các sản phẩm có logo hình quả táo cắn dở này, cũng như giới chuyên môn đã tỏ ý ngờ vực vào khả năng đảm đương trọng trách đầu tàu của ông.

Vào tháng 8/2011, nhà đồng sáng lập kiêm CEO huyền thoại Steve Jobs chính thức nhường lại chiếc ghế nóng cho Tim Cook
Vào tháng 8/2011, nhà đồng sáng lập kiêm CEO huyền thoại Steve Jobs chính thức nhường lại chiếc ghế nóng cho Tim Cook

Jobs thành lập Apple vào năm 21 tuổi cùng với người bạn Steve Wozniak. Mặc dù luôn là người thống trị các sản phẩm của Apple nhưng Jobs chưa bao giờ giữ vị trí CEO cho tới khi trở lại Apple sau thương vụ mua Next. Năm 1983, ông thuê John Sculley, người giỏi bán hàng của Pepsi, làm CEO với câu nói nổi tiếng: “Muốn bán nước ngọt mãi hay muốn có cơ hội thay đổi thế giới”. 

Ngay cả sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy vào năm 2003, Jobs vẫn không từ bỏ công việc và thậm chí còn che giấu bệnh trạng trong gần một năm.

Trong 8 năm sau đó, Steve Jobs buộc phải nghỉ ốm hai lần do phẫu thuật và bệnh tái phát, ông chỉ có thể để COO Tim Cook tạm quyền làm CEO. Tuy nhiên, ông vẫn kiên quyết giữ chức CEO của Apple và không chính thức từ chức cho đến hai tháng trước khi qua đời, Steve Jobs qua đời vì bệnh tật ở tuổi 56.

Chủ tịch và giám đốc điều hành công ty mẹ của Google từ chức

Theo Business Insider, Larry Page - Giám đốc điều hành và Serge Brin - Chủ tịch Công ty Alphabet đã từ chức vào ngày 3/12/2019.  Brin và Page đã thông báo về sự thay đổi lãnh đạo trong một bài đăng trên blog.

Sundar Pichai sẽ đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành của Alphabet, công ty mẹ của Google. Đồng thời, ông cũng duy trì vai trò Giám đốc điều hành tại Google.

Larry Page và Serge Brin từ chức tại Alphabet.
Larry Page và Serge Brin từ chức tại Alphabet.

"Với Alphabet và Google đang hoạt động hiệu quả như những công ty độc lập. Đây là thời điểm phù hợp để chúng tôi đơn giản hóa cấu trúc quản lý. Chúng tôi nghĩ rằng Alphabet và Google không còn cần đến 2 CEO và chủ tịch nữa", Larry Page và Serge Brin viết trong thông báo từ chức.

Theo một bức thư gửi cho các nhà đầu tư, Page và Brin sẽ vẫn là thành viên hội đồng quản trị của Alphabet. Cả 2 vẫn có quyền kiểm soát cổ phiếu biểu quyết Alphabet.

Sundar Pichai gia nhập vào Google vào năm 2006 với vị trí kỹ sư công nghệ. Một trong những thành công đầu tiên của ông là thuyết phục được Larry Page để xây dựng trình duyệt riêng cho Google có tên Chrome để cạnh tranh với Internet Explorer của Microsoft.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục