Mua sắm nhanh gọn, nhiều mặt hàng có giá ưu đãi là những điểm mạnh mà các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Lazada, Sendo, Tiki, Shopee… đem lại cho người tiêu dùng so với phương thức mua sắm truyền thống.
Bộ Công Thương dự báo đến năm 2020, quy mô thị trường TMĐT ở Việt Nam ước đạt 10 tỉ USD, mua sắm trực tuyến của người dân ước tính 350 USD/năm. Tuy nhiên, các "siêu chợ" đã xuất hiện nhiều bất cập như buông lỏng quản lý chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, tiêu chí đăng ký gian hàng khiến người tiêu dùng chịu thiệt.
Cửa hàng thừa nhận bán hàng lậu
Phản ánh với Báo Người Lao Động, khách hàng C.M (ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) bức xúc cho biết đã mua phải 1 cuốn sách kém chất lượng tại một gian hàng trên "siêu chợ" Sendo. Theo đó, khách hàng này đặt mua sách trên Sendo.vn với mã đơn hàng là #14229918353 vào ngày 23-11 vừa qua tại hiệu sách Bảo Trang với giá 55.000 đồng. "Tôi mua vào ngày Black Friday nên nghĩ được cửa hàng giảm giá, trong khi giá bìa là 110.000 đồng. Sau khi nhận sách, tôi phát hiện sách in chất lượng rất kém, mực mờ, giấy mỏng" - anh M. cho biết.
Sau đó, anh M. gọi điện phản ánh với hiệu sách Bảo Trang theo số điện thoại được cung cấp trên Sendo thì cửa hàng này thừa nhận bán sách lậu. Số sách này được mua trôi nổi trên thị trường về bán lại kiếm lời. Cửa hàng này ngỏ ý muốn đền bù cho anh M. bằng cách gửi mã thẻ cào điện thoại.
Theo thông tin đăng ký trên Sendo, cửa hàng sách này ở khu vực Mỹ Đình, TP Hà Nội nhưng chỉ có số nhà chứ không có tên đường. Hiệu sách Bảo Trang thừa nhận không có cửa hàng bán sách trên thực tế, địa chỉ đăng ký trên Sendo.vn là không chính xác, nói cách khác là địa chỉ "ma".
Ngoài ra, trên các sàn TMĐT còn quảng cáo nhiều sản phẩm của các nhãn hàng nổi tiếng như Nike, Adidas, Gucci… nhưng chỉ có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Các sản phẩm nước hoa của thương hiệu Chanel chỉ có giá chưa tới 200.000 đồng được bán tràn lan. Với ma trận các sản phẩm được quảng cáo và bày bán trên các sàn này, khách hàng rất khó để phân biệt đâu là hàng thật, hàng giả.
Bà Lê Thị Hà, Trưởng Phòng chính sách Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương, thừa nhận việc kiểm soát chất lượng hàng hóa phức tạp hơn nhiều trên môi trường TMĐT. "Chúng tôi từng nhiều lần kiểm tra và yêu cầu đơn vị bán hàng gỡ bỏ các thông tin không phù hợp với sản phẩm. Tuy nhiên, đây là vấn đề cực kỳ khó khăn mà Tổng cục QLTT phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số xử lý thời gian qua" - bà Hà nói.
Theo bà Hà, người bán trên sàn TMĐT dùng nhiều cách để lách. Ví dụ, với các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng như NIKE, họ không để chữ NIKE đơn thuần mà thêm các dấu gạch ngang vào giữa (N-I-K-E) để cơ quan quản lý không dễ dàng tìm kiếm nhằm loại bỏ những từ đó ra khỏi hệ thống thông tin.
Chỉ thẩm định về quy chế
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, chỉ mất vài phút để đăng ký một tài khoản bán hàng trên các sàn TMĐT mà không cần phải đi lại hay chuẩn bị hồ sơ giấy tờ. Người bán chỉ cần khai một vài thông tin cơ bản về email, số điện thoại, tên cửa hàng… Thông tin quan trọng là địa chỉ bán hàng lại được đăng ký mập mờ, phía các sàn TMĐT cũng không xác thực.
Đáng chú ý, để đăng ký các gian hàng, người bán không cần giấy phép kinh doanh, không bị kiểm duyệt và không phải đóng phí. Do đó, bất cứ ai cũng có thể bán hàng và kéo theo việc hàng giả, hàng nhái vô tư xuất hiện trên sàn TMĐT.
Theo một luật sư, khoản 3 điều 36 Nghị định 52 của Chính phủ về hoạt động TMĐT yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin khi đăng ký sử dụng dịch vụ trên sàn. Nội dung đăng ký gồm tên, địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân. Ngoài ra, Nghị định 52 còn yêu cầu phải cung cấp số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân; số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức hoặc mã số thuế cá nhân.
Vị luật sư nêu trên cho rằng một số sàn TMĐT hiện nay không yêu cầu người bán hàng cung cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là sai luật.
Bà Lê Thị Hà cho biết theo Nghị định 52, Bộ Công Thương bản chất là quản lý chủ sở hữu các sàn TMĐT. "Những người bán hàng có nghĩa vụ phải thực hiện các quy chế trên sàn đó. Các quy chế đó thì do Cục TMĐT và Kinh tế số thẩm định. Trong trường hợp người tiêu dùng gặp các giao dịch đi ngược lại quy chế thì sàn đó đã vi phạm hoạt động về TMĐT" - bà Hà phân tích.
Bà Hà cũng chỉ ra lỗ hổng trong đăng ký gian hàng trên sàn TMĐT. Cụ thể, nhiều người sử dụng chứng minh thư để đăng ký nhưng chưa chắc chứng minh thư đó có đúng là của người bán hay không. Việc đăng ký địa chỉ cũng không ai xác minh.
Theo bà Hà, chủ sàn TMĐT có trách nhiệm xác minh thông tin mà người đăng ký bán hàng cung cấp. Bộ Công Thương chỉ thẩm định quy chế chứ không thẩm định được thông tin cũng như tài khoản mà người bán đăng ký.
Trong trường hợp nhận các phản ánh về hàng hóa kém chất lượng hoặc các giao dịch có vấn đề, Cục TMĐT và Kinh tế số sẽ xử lý trực tiếp hoặc yêu cầu các sàn gỡ thông tin không phù hợp cũng như có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng.
Hoàn thiện các quy định
Ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đề xuất bổ sung các hành vi bị cấm trong hoạt động TMĐT, các quy định về chủ thể hoạt động TMĐT, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể hoạt động TMĐT trong Luật Thương mại 2005 để phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT; xây dựng hệ thống thông tin và lưu giữ chứng cứ để xử lý các tranh chấp liên quan đến TMĐT.