Ngày pháp luật

Ham đồ ngoại, người Việt bị lừa về thương hiệu

Theo Nam Hải/Vietnamnet

Mập mờ về nhãn mác nguồn gốc xuất xức, không ít thương hiệu gây hiểu lầm cho người tiêu dùng vì tâm lý tin vào hàng ngoại.

Lợi dụng tâm lý sính ngoại, cùng niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Tháng 5/2018, người tiêu dùng Việt Nam dấy lên những tranh cãi về việc thương hiệu Mumuso là của Hàn Quốc hay Trung Quốc.

Chuỗi cửa hàng Mumuso mới thâm nhập thị trường Việt Nam khoảng hơn 2 năm nay. Mặc dù là thương hiệu khá mới mẻ nhưng Mumuso đã nhanh chóng phát triển tại hai thành phố lớn nhất là TPHCM và Hà Nội với 27 cửa hàng.

Điều đáng nói là, tại thị trường Hàn Quốc, không có chuỗi cửa hàng thương hiệu Mumuso. Hai đài truyền hình lớn của Hàn Quốc cũng đã đặt ra nghi vấn Mumuso là thương hiệu bán hàng mạo danh Hàn Quốc.

Ngay sau đó, Bộ Công thương đã vào cuộc. Theo kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương, Mumuso Việt Nam đã có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng.

Đại diện cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc cho hay, việc Mumuso cố tình thiết kết bao bì có gắn chữ KR và có phong cách giống Hàn Quốc đã khiến nhiều người tiêu dùng Việt Nam hiểu nhầm đây là sản phẩm của Hàn Quốc.

Ham đồ ngoại, người Việt bị lừa về thương hiệu - Ảnh 1
Chuỗi cửa hàng Mumuso mang phong cách bán hàng của Hàn Quốc nhưng người tiêu dùng đang hoài nghi về chất lượng của thương hiệu này.

Tuy nhiên, Mumuso chỉ là một trong rất nhiều công ty bán lẻ có hành vi khiến khách hàng hiểu sai về thương hiệu. Các chuỗi cửa hàng của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng xuất hiện nhiều điểm nhập nhèm, không rõ ràng nguồn gốc sản phẩm.

Ưu thế của các công ty bán lẻ này là có những sản phẩm đa dạng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý và họ đã có một chiêu marketing hiệu quả - mập mờ thương hiệu, đánh vào tâm lý chuộng hàng Nhật, hàng Hàn Quốc của người Việt Nam.

Người tiêu dùng cảnh giác

Người tiêu dùng lo ngại nhiều nhãn hàng đang mượn thương hiệu để đánh vào tâm lý ưa chuộng đồ ngoại của người Việt. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, tại Hiệp định CPTPP, luật sở hữu trí tuệ, thương hiệu quy định rất chi tiết, trong đó bao gồm các yếu tố về màu sắc, chữ viết, hình dáng, hình vẽ, mùi vị,…

Nếu như Việt Nam thông qua Hiệp định CPTPP, chúng ta có luật mới về sở hữu trí tuệ thì việc bác bỏ các thương hiệu như thế tại Việt Nam sẽ được nhanh chóng thực hiện.

Thương hiệu không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia. Nền sản xuất hàng hóa của một quốc gia muốn tăng trưởng, chắc chắn họ phải bảo vệ cho thương hiệu quốc gia và bản quyền sở hữu trí tuệ của quốc gia họ.

Việc khách hàng lầm tưởng, mơ hồ về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa gây ra những thiệt hại nhãn tiền cho hàng hóa chính hãng. Mumuso hay các thương hiệu tương tự nên trả lại công bằng cho người tiêu dùng, không gây lầm tưởng cho khách hàng về nguồn gốc của mình.

Hơn thế nữa, tôn trọng bản quyền là xu thế của xã hội văn minh trong thời đại toàn cầu hóa, tự do thương mại. Càng tự do thương mại, các nhãn hàng càng cần tôn trọng bản quyền, cũng chính là tôn trọng xuất xứ của chính mình.

Tin Cùng Chuyên Mục