Ấn Độ, quốc gia có lượng phát thải Carbon dioxide lớn thứ ba trên thế giới hiện vẫn chưa công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Theo báo cáo Triển vọng năng lượng Ấn Độ năm 2021 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cường độ carbon của ngành điện Ấn Độ cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu.
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo ở quy mô lớn. Đó cũng chính là lý do khiến các doanh nghiệp chủ chốt của quốc gia đông dân thứ 2 thế giới chủ động xây dựng một ngành công nghiệp khử carbon với số vốn đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD.
Tập đoàn Adani Group, do tỷ phú giàu thứ hai châu Á Gautam Adani điều hành sẽ đầu tư 20 tỷ USD trong 10 năm tới vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Động thái này diễn ra chỉ 2 tháng sau khi Mukesh Ambani - tỷ phú giàu nhất châu Á, đồng thời là chủ sở hữu của tập đoàn lọc hóa dầu khổng lồ Reliance Industries Ltd., công bố khoản đầu tư trị giá 750 tỷ rupee (10 tỷ USD) vào năng lượng sạch và nhiên liệu hydro trong vòng 3 năm.
Cuộc chiến này cho thấy cả 2 ông trùm giàu có nhất Ấn Độ đều đang có tham vọng đưa doanh nghiệp của mình trở thành tập đoàn năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới trong thời gian tới.
Mặc dù chính phủ chưa đưa ra cam kết về mức cắt giảm khí thải, nhưng những khoản đầu tư của các tỷ phú sẽ giúp Ấn Độ tiến nhanh hơn đến mục tiêu theo đuổi một quốc gia xanh, đồng thời giúp lấp đầy “cơn khát điện” đang gia tăng khi nền kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng hai con số.
Debasish Mishra, đối tác của Deloitte Touche Tohmatsu có trụ sở tại Mumbai, cho biết: “Dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư sẽ tạo ra một hệ sinh thái sản xuất mạnh mẽ, khuyến khích nhiều doanh nghiệp khác cùng tham gia vào phong trào này. Điều đó sẽ làm cho câu chuyện về sự bền vững và trách nhiệm của Ấn Độ với vấn đề chống lại sự biến đổi khí hậu toàn cầu trở nên thực tế hơn”.
Chính phủ Ấn Độ cũng đang dần hiện thực hóa tham vọng về năng lượng tái tạo với kế hoạch tăng gấp 4 lần công suất lên 450 GW vào cuối thập kỷ này. Theo BloombergNEF, mục tiêu này sẽ đòi hỏi khoản đầu tư trị giá gần 650 tỷ USD vào toàn ngành điện.
Theo Gagan Sidhu, Giám đốc Trung tâm Tài chính Năng lượng CEEW có trụ sở tại New Delhi, mục tiêu cán mốc năng lượng tái tạo 450 GW vào năm 2030 được dự đoán là do nhu cầu điện tăng mạnh trong 8 - 10 năm tới của quốc gia 1,36 tỷ dân.
Sự tăng trưởng đó chủ yếu đến từ nhiên liệu hydro xanh, được sản xuất bằng điện tái tạo và điện phân. Các công ty như Adani và Reliance “đã nhìn thấy tiềm năng phát triển của loại nhiên liệu này và nhận ra rằng đã đến lúc phải hành động".