Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã CK: VCG) vừa thoái toàn bộ phần vốn góp tại An Khánh JVC. Cùng ngày quyết định này được ban hành, nhóm cổ đông Star Invest và Bất động sản Cường Vũ cũng thoái toàn bộ vốn tại Vinaconex. Có lẽ nút thắt về tranh chấp lợi ích giữa các nhóm cổ đông lớn tại tổng công ty này trong hai năm qua đã được tháo gỡ.
Suốt 2 năm sau khi được tiếp nhận bởi các nhóm cổ đông mới là 2 năm sóng gió xảy ra tại doanh nghiệp này, thậm chí có thời điểm rơi vào vòng xoáy kiện tụng.
Cuối năm 2018, hai cổ đông lớn là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC, chiếm 57,71% vốn) và Viettel (chiếm 21,28%) lên kế hoạch thoái vốn. Tuy nhiên, khác hẳn với tình trạng ế ẩm diễn ra một năm trước đó, một loạt nhà đầu tư quan tâm và đăng ký mua hàng toàn bộ lô cổ phần VCG được chào bán khi đó.
Điều khiến thị trường quan tâm nhất đến thương vụ này là danh sách đăng ký mua cổ phần VCG lần này có khá nhiều tên tuổi mới, gồm cả doanh nghiệp vừa thành lập được 2 ngày và những đơn vị đang thua lỗ. Thậm chí có những người đang sinh sống ở một ngôi nhà là cửa tiệm tạp hoá cũng đứng tên cá nhân để đăng ký mua cả lô cổ phần VCG trị giá hàng nghìn tỷ.
Và sau phiên đấu giá, Công ty An Quý Hưng nắm giữ 57,71% vốn điều lệ, sau khi mua chi 7.367 tỷ đồng để mua lô cổ phần từ SCIC, cao hơn mức khởi điểm khoảng 1.900 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ cũng mua thành công lô cổ phiếu của Viettel và trở thành cổ đông lớn sau khi chi ra 2.002 tỷ đồng cho 21,28% vốn điều lệ. Tuy nhiên, sau đó, một cái tên khác điền tên vào danh sách cổ đông lớn của Vinaconex là Công ty TNHH Đầu tư Star Invest sau khi gom thành công gần 34 triệu cổ phiếu VCG (tương đương 7,57% vốn điều lệ) từ nhà đầu tư nước ngoài.
Cả ba cái tên An Quý Hưng, Bất động sản Cường Vũ và Đầu tư Star Invest đều là những doanh nghiệp ít người biết tới, đồng thời có vốn điều lệ rất nhỏ so với quy mô của Vinaconex. Đơn cử như ở thời điểm đó, Bất động Sản Cường Vũ là doanh nghiệp mới thành lập hơn 1 năm, còn Đầu tư Star Invest có tuổi đời vỏn vẹn hơn 1 tháng. Tin đồn về các nhóm cổ đông mua cổ phần VCG cũng dần lộ diện. Một nhóm đại diện là An Quý Hưng, và nhóm còn lại đại diện cho phía đơn vị đang nắm giữ 50% cổ phần chủ đầu tư dự án Splendora Bắc An Khánh.
Đầu năm 2019, sau khi nhận chuyển nhượng từ cổ đông cũ, Vinaconex tiến hành đại hội cổ đông bất thường để bầu ra HĐQT mới, trong đó 5/7 người thuộc nhóm An Quý Hưng. Ông Đào Ngọc Thanh - một lão tướng từng mang đến thành công lớn cho dự án Khu đô thị Ecopark được bầu làm tân Chủ tịch HĐQT Vinaconex.
Tuy nhiên, đây cũng là lúc sóng gió bắt đầu xảy ra tại doanh nghiệp hàng đầu ngành xây dựng. Không lâu sau khi có ban lãnh đạo mới, Bất động sản Cường Vũ và Đầu tư Star Invest gửi đơn lên Tòa án Nhân dân, đề nghị huỷ nghị quyết bầu ban lãnh đạo mới, với lý do việc triệu tập đại hội cổ đông bất thường chưa đúng quy định. Ngay sau đó, Tòa án Nhân dân Quận Đống Đa đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc Vinaconex tạm dừng thực hiện nghị quyết trên, đồng nghĩa với việc đình chỉ ban lãnh đạo mới.
Nhóm An Quý Hưng lập tức gửi văn bản khiếu nại, thậm chí yêu cầu các bên liên quan bồi thường toàn bộ thiệt hại cho tổng công ty và cổ đông do giá cổ phiếu sụt giảm. Phải một tháng sau, quyết định đình chỉ ban lãnh đạo mới được hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, khôi phục lại hoạt động của HĐQT, Ban kiểm soát Vinaconex.
Suốt 2 năm qua cũng là khoảng thời gian căng thẳng luôn bao trùm các kỳ họp đại hội cổ đông của VCG. Đây cũng là một trong số ít những kỳ họp thu hút sự chú ý nhất của nhà đầu tư trong suốt mùa đại hội và có quy trình kiểm tra tư cách cổ đông chặt chẽ nhất.
Nửa trên hội trường luôn là những cổ đông thuộc nhóm Cường Vũ và Đầu tư Star Invest. Đây cũng là những cổ đông tích cực đặt câu hỏi nhất cho ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT VCG và cũng là chủ toạ đại hội. Bên cạnh câu hỏi về tình hình tài chính, dòng tiền, chiến lược phát triển kinh doanh thì những vấn đề liên quan đến việc nhóm cổ đông An Quý Hưng dùng nguồn tiền nào để mua cổ phiếu VCG cũng từng được nhắc đến. Nhóm cổ đông Cường Vũ và Đầu tư Star Invest cũng từng đề nghị sửa quy chế hoạt động, tài chính vì lo ngại cổ đông lớn nhất An Quý Hưng lạm quyền, song không được đồng thuận.
Thậm chí, tại kỳ đại hội năm ngoái, một số cổ đông cũng cho rằng An Quý Hưng đang có nợ lớn và nghi ngờ việc ban lãnh đạo tẩu tán tài sản tại VCG, chuyển tiền về công ty này. Cổ đông đặt nghi vấn liệu HĐQT, ban tổng giám đốc có tẩu tán tài sản, lấy trộm lấy cắp hay không, lấy khoản tiền từ đâu để mua xe sang cho ban lãnh đạo.
Là một trong những doanh nhân lão luyện, ông Đào Ngọc Thanh không từ chối câu hỏi nào của cổ đông, đồng thời luôn khẳng định "không có chuyện tẩu tán tài sản về An Quý Hưng". Ông cũng bày tỏ tham vọng của ban lãnh đạo mới trong việc đưa Vinaconex lên vị trí Top 3 doanh thu trong ngành xây dựng, tiếp tục mở rộng quỹ đất để đẩy mạnh mảng phát triển dự án theo hướng tạo những dấu ấn khác biệt.
Tuy nhiên, những tranh cãi của các nhóm cổ đông Vinaconex kéo dài dai dẳng khiến 2 năm qua, mọi hoạt động kinh doanh và phát triển dự án của tổng công ty không có đột phá.
Những bất đồng trong quan điểm phát triển dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh Splendora của các nhóm cổ đông là nguồn cơn chính dẫn đến những mâu thuẫn kéo dài tại tổng công ty này. Với tổng diện tích 245ha, đây một trong số ít dự án có quỹ đất lớn nhất ở Hà Nội hiện nay có tổng mức đầu tư dự kiến 2 tỷ USD. Splendora nằm tại huyện Hoài Đức do Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, tại An Khánh JVC, 2 nhóm cổ đông, mỗi bên nắm giữ 50% cổ phần. Sự cân bằng trong cơ cấu vốn cũng đặt dự án vào thế khó bởi bất cứ quyết định trọng yếu nào cũng phải được sự đồng thuận của cả hai bên.
Tại Đại hội cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng cuối 6, một trong những vấn đề được ban lãnh đạo Vinaconex nhấn mạnh đó là việc giải quyết "dứt điểm" bế tắc tại dự án này.
Việc Star Invest và Bất động sản Cường Vũ rút vốn khỏi Vinaconex và tổng công ty này cũng rời khỏi liên doanh phát triển dự án Splendora Bắc An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) được coi là hướng đi "giải thoát" cho cả hai bên và mở ra cánh cửa để hồi sinh dự án 2 tỷ USD.