Sắp thanh tra loạt doanh nghiệp bảo hiểm
Tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3, Bộ Tài chính cho biết, thị trường bảo hiểm Việt Nam có mức tăng trưởng bình quân 20%/năm. Trong đó, kênh bancassurance đã đóng góp tới 96,83% tổng doanh thu phí khai thác qua kênh này của cả thị trường bảo hiểm nhân thọ.
Tuy nhiên, do tăng trưởng quá nhanh, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã xuất hiện những mặt trái, sai lệch trong triển khai hoạt động khai thác các sản phẩm bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, nhất là kênh bancassurance.
Trước những phản hồi của người dân, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh kiểm tra thị trường bảo hiểm và kênh bancassurance. Qua thanh tra đã phát hiện các hành vi vi phạm qua kênh bancassurance như sai phạm về ban hành quy trình, quy chế; sai phạm về việc tuân thủ biểu phí sản phẩm, đại lý bảo hiểm không tuân thủ quy định công ty và quy định pháp luật.
Cơ quan thanh tra của Bộ Tài chính đã kiến nghị xử lý về tài chính 21.000 tỷ đồng, trong đó loại ra khỏi chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, năm 2022 gần 1.956 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 2 doanh nghiệp bảo hiểm, phạt tiền 310 triệu đồng.
Ngoài ra, cơ quan thanh tra đã đình chỉ hoạt động ký kết hợp đồng bảo hiểm mới khai thác qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thời hạn; yêu cầu khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm.
Trong năm 2024, Bộ Tài chính sẽ tiến hành thanh tra đối với 6 DNBH, trong đó sẽ tiến hành thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 2 DNBH nhân thọ (Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir, Công ty TNHH bảo hiểm Cathay Life Việt Nam).
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, những tồn tại đã được báo chí và dư luận nêu thời gian qua vừa là thách thức, vừa là cơ hội lớn để đưa thị trường bảo hiểm Việt Nam hoàn thiện hơn về chất lượng, hướng tới phát triển an toàn, bền vững trong tương lai.
“Các năm tới, bên cạnh các yếu tố nền tảng như tăng trưởng kinh tế, dân số lớn, xu hướng phát triển công nghệ,... thì nền tảng pháp lý được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ cho thị trường bảo hiểm phát triển hơn nữa cả về “lượng” và “chất””, ông Phớc nhận định.
Song để đạt được mục tiêu phát triển chất lượng, bền vững, theo ông Phớc, “không thể thay đổi ngay trong “ngày một, ngày hai” mà cần một quá trình, làm từng bước”.
Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế với tổng số tiền ước đạt 762.580 tỷ đồng và chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 86.376 tỷ đồng. Tổng tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 913.308 tỷ đồng, tăng 11,12% so với năm 2022.
Hai ngân hàng thuộc diện bị thanh tra làm ăn ra sao?
Được biết, Mirae Asset Prévoir và Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Chứng khoán Mirae Asset lãi sau thuế quý IV/2023 đạt 137,7 tỷ đồng, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong Báo cáo tài chính riêng quý IV/2023 mới công bố, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt hơn 628 tỷ đồng, giảm nhẹ 5,4% so với quý IV/2022.
Trong đó, đóng góp 58,8% tổng doanh thu là lãi từ các khoản cho vay và phải thu 369,6 tỷ đồng, tương đương con số cùng kỳ năm trước đó; tiếp đến là doanh thu môi giới chứng khoán 153,1 tỷ đồng; lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) 40,5 tỷ đồng, giảm 39,6%; lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) giảm 13,6% xuống 51,5 tỷ đồng.
Cùng chiều với doanh thu, chi phí hoạt động quý IV/2023 của Mirae Asset cũng giảm nhẹ 6,9% xuống gần 438 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay, lỗ từ các khoản cho vay và phải thu chiếm gần 52,6% tổng chi phí, đạt 230,5 tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ. Ngoài ra, lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) giảm 46,5% xuống còn 36 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí môi giới chứng khoán tăng 39% lên 164,3 tỷ đồng.
Kết quả là, Mirae Asset lãi sau thuế quý IV/2023 đạt 137,7 tỷ đồng, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế cả năm 2023, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 566,3 tỷ đồng, giảm 24,8% so với cùng kỳ.
Thời điểm cuối quý IV/2023, tổng giá trị tài sản của Mirae Asset đạt 19.984 tỷ đồng, giảm khoảng 3 tỷ đồng so với cuối quý III/2023. Trong đó, cho vay margin đạt 13.400 tỷ đồng, chiếm 67,1% tổng tài sản và giảm nhẹ 4,4% so với cuối quý III/2023. Tại ngày 31/12/2023, danh mục FVTPL của Mirae Asset đạt 411,2 tỷ đồng, giảm 2,7% so với cuối quý III/2023. Trong đó gồm 212,1 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi; 162,6 tỷ đồng chứng chỉ quỹ; 36,5 tỷ đồng cổ phiếu. Danh mục HTM thời điểm cuối quý IV/2023 đạt 1.139 tỷ đồng, gồm 1.030 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng; 100 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi.
Với danh mục AFS có giá trị 212,7 tỷ đồng, gồm 201,7 tỷ đồng chứng chỉ quỹ và 10,5 tỷ đồng cổ phiếu. Trong quý IV/2023, Mirae Asset đã bán toàn bộ hơn 1,5 tỷ đồng cổ phiếu của Nova Consumer Group. Như vậy, danh mục cổ phiếu của công ty còn 10,5 tỷ đồng cổ phiếu của Seoul Metal Việt Nam (đang lãi 62,9%, tương đương 6,6 tỷ đồng).
Còn Cathay Life Việt Nam ký kết hợp tác với ngân hàng Ngân hàng Trách nhiệm hữu hạn Indovina (IVB) để phân phối sản phẩm bảo hiểm. Các bên liên doanh của IVB hiện nay là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Cathay United (CUB) của Đài Loan.
Ngoài ra, Cathay Life Việt Nam liên kết với 2 ngân hàng khác trong việc thanh toán phí bảo hiểm gồm Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Cathay Life Việt Nam thành lập vào 7/2008 với số vốn điều lệ ban đầu là 60 triệu USD. Đến nay, công ty đã đạt mức vốn là 690 triệu USD, qua đó khẳng định được nền tài chính vững mạnh tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, công ty đã thiết lập 89 địa điểm kinh doanh với 147 văn phòng kinh doanh trải dài từ Nam ra Bắc bao gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai và Hải Phòng.