“Khai tử” một loạt dự án
Dự án được “điểm mặt” đầu tiên trong danh sách dự án “chết yểu” của Hà Tĩnh là Nhà máy Bia Toàn cầu. Dự án này chọn được vị trí đắc địa trên diện tích gần 30.000m2 thuộc phường Đại Nài vốn được coi là “khu đất vàng” thuộc trung tâm TP Hà Tĩnh.
Năm 2004, khi cấp phép đầu tư cho Cty CP Hợp tác Việt Trung với những ưu đãi tốt nhất, Nhà máy 50 triệu lít/năm dự kiến đi vào hoạt sau 2 năm kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Hà Tĩnh, tạo công ăn việc làm cho khoảng hơn 250 lao động địa phương, đóng góp cho ngân sách địa phương hàng năm từ 150 – 200 tỷ đồng.
Thế nhưng, sau gần 10 năm, dự án bị phải “khai tử” do không có nguồn lực để triển khai. Năm 2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh buộc phải ra quyết định thu hồi giấy phép đầu tư dự án này và chuyển cho công ty Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại – Bộ Công Thương (BMC) đầu tư dự án khu đô thị Nam Cầu Phủ với tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy.
Cũng tại TP Hà Tĩnh, năm 2011, Cty CP Đầu tư Xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới (TECCO), được tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện một dự án Trung tâm thương mại và căn hộ TECCO “siêu khủng” tại Khu đô thị mới Bắc TP Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư trên 1.100 tỷ. Chủ đầu tư cam kết hoàn thành vào năm 2014 nhưng do chậm tiến độ nghiêm trọng, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã hé lộ kế hoạch sẽ cho chấm dứt hoạt động dự án này.
Lãng phí nguồn lực
Mới đây tỉnh này đã quyết định thu hồi hàng loạt dự án “treo” trên địa bàn. Dư luận rất đồng tình khi Khu kinh tế Hà Tĩnh đã ra quyết định thu hồi 20 dự án đầu tư kinh tế tại Khu kinh tế Vũng Áng, nguyên nhân chính là chậm tiến độ, vi phạm luật đầu tư, cam kết về đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư; nay nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án.
Trong đó, có những dự án có quy mô lớn như: Dự án nhà máy gang thép công suất 250.000 tấn/năm (giai đoạn 2 mở rộng công suất 500.000 tấn/năm), Dự án xây dựng nhà máy bê tông Bảo Vinh, Dự án xây dựng bãi tập kết container và lưu trữ hàng hóa, Dự án nhà máy chế tạo, gia công linh kiện, phụ kiện công nghiệp, Dự án khu gia công cơ khí và sửa chữa bảo dưỡng máy móc thiết bị nặng…
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo PLVN, ngoài những dự án bị rút giấy phép nêu trên, tại Khu kinh tế Vũng Áng, hàng chục dự án “treo” vẫn còn “nằm đó”, chưa được thu hồi, đã, đang gây ra nhiều hệ lụy, gây lãng phí tài nguyên đất, làm người dân khốn khổ sống với quy hoạch “treo”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Bình, Chánh Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh xác nhận: Hiện nay đúng là UBND tỉnh Hà Tĩnh đang chỉ đạo quyết liệt rà soát lại các dự án trên địa bàn. “Mục tiêu của tỉnh là nhận diện lại “hình hài” của từng dự án. Dự án nào có khả năng thực hiện được thì ủng hộ còn dự án nào không khả thi sẽ thu hồi, dự án nào chậm tiến độ phải tìm nguyên nhân vì sao chậm. Trong đó, trách nhiệm của cơ quan nhà nước như thế nào, trách nhiệm của nhà đầu tư như thế nào để có cơ chế chính sách phối hợp cho phù hợp” - ông Bình nhấn mạnh. “Sắp tới chúng tôi sẽ đề xuất thu hồi giấy phép của hơn 20 dự án trên địa bàn” - ông Bình tiết lộ.
Nói về nguyên nhân các dự án “treo”, đại diện Sở KH&ĐT Hà Tĩnh cho rằng, khi dự án mới đầu tư thường không đạt những cam kết ban đầu như số vốn, thời gian triển khai dự án… mà kéo dài thì giải phóng mặt bằng không được. Các thủ tục hành chính của chúng ta còn chậm, bản vẽ thẩm định chưa đúng phải điều chỉnh, mà điều chỉnh thì kéo dài thời gian, làm chậm về mặt hồ sơ thủ tục kéo theo chậm tiến độ chung của toàn dự án.
Dự án không khả thi sẽ thu hồi
“Hiện nay UBND tỉnh Hà Tĩnh đang chỉ đạo quyết liệt rà soát lại các dự án trên địa bàn. Mục tiêu của tỉnh là nhận diện lại “hình hài” của từng dự án. Dự án nào có khả năng thực hiện được thì ủng hộ, còn dự án nào không khả thi sẽ thu hồi, dự án nào chậm tiến độ phải tìm nguyên nhân vì sao chậm. Trong đó, trách nhiệm của cơ quan nhà nước như thế nào, trách nhiệm của nhà đầu tư như thế nào để có cơ chế chính sách phối hợp cho phù hợp”.
Ông Nguyễn Bá Bình, Chánh Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh