Tính đến tháng 11/2016, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Thủ đô Hà Nội gồm 97 tuyến. Trong đó, 73 tuyến buýt có trợ giá; 11 tuyến buýt không trợ giá; 9 tuyến buýt kế cận; 4 tuyến thí điểm.
Bên cạnh đó, mạng lưới tuyến tiếp tục được mở rộng, cải thiện, hợp lý hóa với 90 lần điều chỉnh 50 tuyến, điều chỉnh mở rộng vùng phục vụ cho 13 tuyến. Đã mở mới 5 tuyến (84, 85, 86, 87, 88).
Nhiều huyện ngoại thành và khu đô thị mới đã có xe buýt phục vụ như huyện Quốc Oai, Xuân Mai, Khu đô thị Xa La, Văn Phú, Linh Đàm, Mỹ Đình, Tứ Hiệp, Kiến Hưng. Dự kiến, trong tháng 12/2016, tiếp tục đưa vào vận hành 4 tuyến mới đưa tổng số tuyến toàn mạng trên 101 tuyến.
Báo cáo của Sở GTVT cũng cho biết, ngành đã đầu tư, thay mới 108 phương tiện, đưa tổng số xe buýt hiện nay lên 1.588 xe. Các phương tiện đều đảm bảo tiêu chuẩn buýt đô thị, được lắp thiết bị giám sát hành trình, có hệ thống thông tin bằng đèn LED, có hệ thống tự động báo điểm dừng bằng âm thanh.
Một số tuyến buýt mới với chất lượng cao như: xe mới, màu sơn, nhận diện thương hiệu mới, đồng phục nhân viên mới, wifi miễn phí… được đưa vào vận hành. 6.378 lượt lái xe, nhân viên, phục vụ và cán bộ điều hành tăng cường đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp.
Ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Hà Nội cho biết: Trong năm 2016, Sở GTVT đã đầu tư phát triển mới 82 điểm dừng, 7 nhà chờ. Thực hiện hơn 3.500 lượt duy tu, duy trì pano, biển báo. Thực hiện đấu nối điện chiếu sáng vào hệ thống nhà chờ xe buýt cho 163 nhà chờ và 5 điểm trung chuyển.
Với một hệ thống kỹ thuật đồng bộ gồm trên 2.370 điểm dừng, gần 370 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 86 điểm đầu cuối, 1 làn dành riêng, hạ tầng xe buýt đã góp phần cải thiện chất lượng phục vụ của mạng lưới, đảm bảo an toàn cho phương tiện và hành khách.
“Theo kế hoạch, năm 2017 sẽ điều chỉnh dịch vụ cho 33 tuyến, đưa vào vận hành tuyến BRT và 14 tuyến buýt mới, đưa tổng số tuyến toàn mạng lên 115 tuyến”, ông Nhật cho biết thêm. Còn ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh sẽ tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trong đó, nâng cao tính tiện nghi của dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt như: tăng số lượng phương tiện được trang bị wifi từ 15 tuyến hiện nay lên 40 tuyến; đa dạng hóa hình thức bán vé (trực tuyến, qua điện thoại…); triển khai các ứng dụng công nghệ vé thông minh phù hợp với nhu cầu của hành khách.
Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đào tạo, tập huấn cho lái xe, nhân viên phục vụ nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ hành khách, xử lý tình huống cũng như văn hóa ứng xử…