Chính quyền Hà Nội và các bộ, ngành liên quan chưa công bố, nhưng thông tin đàm phán đưa giải đua xe Công thức 1 (Formula One - F1) về Việt Nam nhiều lần được lãnh đạo thành phố đề cập. Dự kiến trong tuần lãnh đạo thành phố sẽ có cuộc làm việc với đối tác về việc này.
Trước đó giữa năm 2017, trong buổi làm việc với Đại học Ngoại thương, lãnh đạo Hà Nội lần đầu nhắc đến việc thành phố đang xúc tiến đàm phán tổ chức giải đua xe Công thức 1.
Một năm sau, khi Đại sứ vương quốc Anh Giles Lever đến chào nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam, lãnh đạo thành phố mong muốn được hỗ trợ trong quá trình đàm phán với F1 London để có thể tiến tới tổ chức giải đua xe tại Hà Nội vào thời gian sớm nhất...
Xe đua F1 lần đầu chạy biểu diễn ở TP HCM tháng 5/2018. Ảnh: Bảo Lam. |
Truyền thông quốc tế cũng nói về việc Hà Nội sẽ trở thành một trong những nơi tổ chức giải đua F1. Tờ Sport Business ngày 27/4 đưa tin, Ban tổ chức giải đua Công thức 1 xác nhận đang đàm phán với Chính phủ Việt Nam để tổ chức cuộc đua trên đường phố tại Hà Nội. Việc bổ sung Việt Nam vào danh sách địa điểm đăng cai sẽ củng cố vị trí của môn thể thao tại châu Á, sau khi Malaysia tổ chức giải đua cuối cùng vào mùa trước.
Theo Reuters ngày 4/6, Giám đốc điều hành giải đua xe Công thức 1 Chase Carey cho biết rất hào hứng trước khả năng cuộc đua sẽ xuất hiện tại Việt Nam, như một phần của sự mở rộng ở châu Á, nhưng châu Âu vẫn là nền tảng của môn thể thao này.
"Việt Nam là đất nước thú vị. Một đất nước đã thu hút trí tưởng tượng của thế giới và xét về nhiều mặt, đó là nơi chúng tôi muốn đến", Carey phát biểu tại hội nghị thể thao ở Manila ngày 4/6 do Liên đoàn đua xe thế giới (FIA) tổ chức.
Giải đua có lịch sử trăm năm
Theo Montreal Grand Prix, giải đua xe Công thức 1 (Formula One - F1) có nguồn gốc từ giải vô địch Grand Prix châu Âu diễn ra vào những năm 1920 và 1930. Năm 1946, luật chơi được chuẩn hóa bởi Liên đoàn đua xe thế giới (FIA).
Cái tên Công thức 1 đề cập đến bộ quy tắc mà tất cả đội tham gia phải tuân thủ, ban đầu được gọi là Công thức A. Cuộc đua vô địch thế giới đầu tiên được tổ chức năm 1950 tại Silverstone (Anh).
Giải Công thức 1 năm 2018 có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng cai. Ảnh: Reuters |
Trong những năm đầu, khoảng 20 chặng đua được tổ chức từ cuối mùa xuân đến đầu mùa thu ở châu Âu, mặc dù không phải tất cả đều đáng chú ý. Italy là đối thủ đáng gờm và đội Alfa Romeo của nước này đã liên tục giành chức vô địch thế giới trong những mùa giải đầu tiên.
Giải đua xe đã thay đổi rất nhiều theo thời gian. Chẳng hạn, năm 1958, chặng đua rút ngắn từ khoảng 300 dặm còn 200 dặm và những chiếc xe được yêu cầu sử dụng xăng máy bay thay vì hỗn hợp nhiên liệu khác với methanol là thành phần chính. Sự kiện quan trọng khác là cái chết thảm khốc của tay đua người Đức, nhà vô địch F1 thế giới Jim Clark, buộc ban tổ chức thắt chặt quy định an toàn cho cuộc đua.
Nhiều nước châu Á đăng cai giải đua
Trong số 21 quốc gia đăng cai tổ chức giải đua xe Công thức 1 năm 2018, có 6 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á.
Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên tổ chức cuộc đua Công thức 1. Sau hai mùa giải 1976 và 1977, Nhật Bản ngưng tổ chức và trở lại vào năm 1987. Năm quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại là Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Macau và Bahrain.
Năm 1999, Malaysia bắt đầu nhập cuộc và tổ chức liên tục cho tới 2017 (19 mùa giải). Ngày 9/4/2017, Malaysia tổ chức giải đua Công thức 1 cuối cùng. Chính phủ đã quyết định rút khỏi F1 do chi phí tổ chức sự kiện cao, doanh số bán vé và du lịch giảm.
Malaysia sẽ không tổ chức giải đua Công thức 1 từ năm 2018. Ảnh: AFP. |
Sau khi Malaysia ra đi, Pháp và Đức quay trở lại và danh sách tổ chức các chặng đua của giải F1 đã tăng lên thành 21 địa điểm trong mùa giải 2018. Lịch sử giải đấu môn thể thao này chưa bao giờ mở rộng đến 21 địa điểm trong một mùa giải và đơn vị tổ chức muốn nâng con số lên đến 24-25 trong tương lai.
Tổng doanh thu hàng năm của giải Công thức 1 khoảng 1,8 tỷ USD, nhờ các khoản chi phí được trả bởi truyền thông marketing, bản quyền phát sóng, quảng cáo và tài trợ. 19 trong số 21 chặng đua F1 được chính phủ các nước trả phí 50-60 triệu USD hàng năm.