Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Thành ủy, HĐND và sự chỉ đạo trực tiếp của UBND thành phố, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể từ Thành phố đến cơ sở, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã chủ động triển khai và thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt, bão, úng ngập trên địa bàn thành phố với tinh thần chủ động, tích cực và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Năm 2021 tình hình thiên tai khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng có nhiều đặc điểm phức tạp, xuất hiện nhiều loại thiên tai chủ yếu như bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, mưa lớn,… xuất hiện 08 cơn bão và ANTĐ trên biển đông, trong đó bão số 2, số 3, số 5, số 7, số 8 ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Hà Nội.
Đặc biệt trong tháng 10, xuất hiện liên tiếp thêm các cơn bão số 7 và số 8 ảnh hưởng đến Hà Nội, do tác động của thời tiết, thiên tai, khu vực Hà Nội đã có mưa vừa, mưa to diễn ra trong nhiều ngày, đồng thời đã xuất hiện các đợt lũ trên sông Đáy, sông Tích, sông Bùi. Trên địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều sự cố sụt lún, sạt lở công trình đê điều, thủy lợi, bờ bãi sông trên địa bàn một số huyện như Ba Vì, Đan Phượng, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Đông Anh, Gia Lâm….
Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Hà Nội thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và TKCN sát với tình huống thực tế, chủ động ứng phó với thiên tai và dịch bệnh, vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa đảm bảo an toàn thiên tai, sự cố cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly.
Ông Nguyễn Duy Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết: "Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát, cập nhật, điều chỉnh kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai theo hướng phát huy tối đa phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ)" sát với tình hình thực tế, diễn biến dịch bệnh tại địa phương, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng để sẵn sàng triển khai các phương án, kế hoạch khi có tình huống xảy ra”.
Các địa phương trọng điểm về ngập lụt của thành phố, như: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì... đã rà soát, cập nhật phương án di dời dân theo hướng tăng cường sơ tán tại chỗ; đồng thời xây dựng phương án huy động nhu yếu phẩm thiết yếu, chất khử trùng, khẩu trang y tế cho các địa điểm sơ tán dân; xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho các khu cách ly tập trung, bệnh viện.
Đặc biệt, khi xảy ra tình hình sự cố thiên tai, hỏa hoạn cháy rừng, sập đổ công trình…lãnh đạo Thành phố, các cấp, các ngành đã chủ động triển khai các phương án được duyêt, thường xuyên kiểm tra hiện trường, chỉ đạo trực tiếp trong công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo huy động lực lượng, phương tiện, vật chất đảm bảo cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đối với các sự cố lún sụt, sạt lở công trình đê điều, thủy lợi, bờ bãi sông do ảnh hưởng của thiên tai: theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên theo dõi diễn biến thiên tai sự cố, phối hợp với chính quyền địa phương trong việc xử lý sự cố giờ đầu; đồng thời tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, đánh giá mức độ các sự cố và thống nhất nội dung báo cáo, đề xuất UBND Thành phố chỉ xử lý khắc phục trong thời gian sớm nhất. Với các sự cố sạt lở đê điều nghiêm trọng, đặc biệt nguy hiểm; kịp thời báo cáo UBND Thành phố công bố tình trạng khẩn cấp, phối hợp đề xuất các biện pháp xử lý giờ đầu, các phương án kỹ thuật xử lý cấp bách, kịp thời khắc phục, đảm bảo an toàn chống lũ cho các tuyến đê, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Cùng với đó, các cấp, các ngành cũng đã chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè, hồ, đập, trạm bơm và các công trình có nguy cơ sập đổ, cháy nổ trên địa bàn. Chỉ đạo và tổ chức rà soát, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ tại các cơ quan, đơn vị; đặc biệt tại các kho, trạm, xưởng, công trình quân sự trong các dịp diễn ra các sự kiện chính trị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tổ chức kiểm tra, rà soát các trọng điểm, điểm xung yếu về đê, kè, hồ đập trên địa bàn; bổ sung các vị trí xung yếu, lực lượng vào kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; kế hoạch phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, cứu sập trên địa bàn thành phố Hà Nội (giai đoạn 2018 - 2023)…
Với tinh thần phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, kết quả công tác PCTT và TKCN thành phố Hà Nội năm 2021 đã có nhiều điểm sáng tích cực: đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ, đập; không để xảy ra tình trạng khô hạn thiếu nước, ngập úng kéo dài ảnh hưởng tới năng suất cây trồng và đời sống sinh hoạt của nhân dân; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra. Tích cực hợp tác, hỗ trợ đồng bào cả nước trong công tác phòng, chống thiên tai và đại dịch Covid 19.