Ngày 15/3, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hoá - xã hội TP. Hà Nội đã tổ chức Lễ động thổ xây dựng Cung Thiếu nhi mới tại Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Dự án xây dựng Cung thiếu nhi Hà Nội được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1, Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội, tổng diện tích là 39.631m2 (trong đó, diện tích xây dựng 10.280m2), với tổng mức đầu tư là 1.376.465.000.000 đồng.
Công trình gồm nhà hát khoảng 800 chỗ; rạp chiếu phim 3D-4D 200 chỗ; nhà thi đấu khoảng 500 chỗ - bể bơi 10 làn bơi; nhà học và thư viện Tháp Thiên văn và khối hành chính - văn phòng..., kết hợp với trang thiết bị tự động thông minh, chất lượng cao phục vụ cho công việc vận hành công trình theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Thời gian dự kiến hoàn thành là năm 2024.
Theo kế hoạch đề ra, Cung Thiếu nhi Hà Nội mới tại Khu đô thị Cầu Giấy sẽ được hoàn thành vào năm 2024. Trong khi đó, Cung Thiếu nhi tại mặt đường phố Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) vẫn được sử dụng thông thường cho đến khi vị trí mới sẵn sàng đưa vào hoạt động.
Trao đổi với phóng viên Nhadautu.vn về việc Hà Nội sẽ làm gì với 'đất vàng' mặt đường phố Lý Thái Tổ sau khi Cung Thiếu nhi mới tại Cầu Giấy được hoàn thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: "Thành phố vẫn chưa có kế hoạch cụ thể đối với khu vực này. Dự án mới sẽ mất tới 2-3 năm nữa để hoàn thành. Vì vậy, hiện tại, các phương án cho mục đích sử dụng đang được Hà Nội cân nhắc kỹ lưỡng".
Cung Thiếu nhi Hà Nội hiện tại, có diện tích 8.100m2 đặt tại mặt đường phố Lý Thái Tổ - giữa trung tâm thủ đô.
Tuyến phố tập trung rất nhiều các trụ sở ngân hàng, công ty thương mại lớn như: Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Công ty Điện lực Hoàn Kiếm, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Quân đội, Kho bạc Nhà nước Hà Nội - điểm giao dịch và phát hành trái phiếu, CTCP Thương mại Fược phẩm quốc tế Á Châu, Savills Việt Nam, Sap Việt Nam…
Năm 1974, được sự giúp đỡ của Tiệp Khắc (cũ), một toà nhà 6 tầng gồm 100 phòng học, sinh hoạt được thiết kế, trang bị hiện đại trên nền của Câu lạc bộ thiếu niên Hà Nội với diện tích hơn 10.000 m2 ra đời. Câu lạc bộ Thiếu niên được đổi tên thành Nhà Văn hoá Thiếu nhi, đây là thời kỳ có những hoạt động quốc tế khá sôi động, hiệu quả, thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với các nước XHCN về hoạt động Cung, Nhà Thiếu nhi.
Ngày 1/6/1985 đã trở thành mốc son vẻ vang của Nhà Văn hoá Thiếu nhi khi tập thể cán bộ, thiếu nhi Nhà văn hoá vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và quyết định nâng cấp thành Cung Thiếu nhi Hà Nội.
Trong chặng đường xây dựng và trưởng thành, Cung Thiếu nhi Hà Nội đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương độc lập hạng Ba (năm 1995), hạng Nhì (năm 2000) và hạng Nhất (2005) cùng nhiều phần thưởng cao quý.
Cung Thiếu nhi hiện tại bao gồm 3 cụm công trình chính: Toà nhà 5 tầng, rạp Khăn Quàng Ðỏ và một toà nhà có từ thời Pháp - chính là toà nhà đang được yêu cầu bàn giao. Toà nhà này có kiến trúc Pháp, cao hai tầng, bao quanh là sân vườn, có tổng diện tích hơn 1.200m2.
Thời Pháp, khu vực này có tên Ấu trĩ viên. Toà nhà này là nơi Hồ Chủ tịch cùng đại diện Chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946. Từ ngày tiếp quản Thủ đô (1954) đến nay, toà nhà vẫn được sử dụng để phục vụ cho thiếu niên, nhi đồng. Trong quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cổ (do UBND TP. Hà Nội ban hành năm 2015), quần thể xung quanh toà nhà Ấu trĩ viên được yêu cầu bảo vệ nguyên trạng.
Về công năng, dù gọi chung là Khu nhà Truyền thống nhưng toà nhà này đang được sử dụng nhiều mục tiêu. Toà nhà này hiện bao gồm 26 phòng, trong đó có đến 15 phòng sử dụng để dạy học, còn lại là phòng truyền thống, 6 phòng làm việc…
Link bài gốc