Trao đổi tại Hội thảo Chính quyền số và thanh toán thông minh trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về Thành phố thông minh Asocio Hà Nội ngày 18/9, ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội nhấn mạnh cốt lõi của thành phố thông minh là Chính phủ điện tử, bên cạnh giao thông, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, cảnh báo trực tuyến…
Do đó, thành phố đang đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp các dịch vụ công tốt nhất, thuận tiện nhất để phục vụ người dân.
Hiện Hà Nội đã cung cấp 556 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; cơ sở dữ liệu cho 7,5 triệu người dân đã được xây dựng xong, làm nền tảng cho cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4.
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai đô thị thông minh của vùng Iskandar (Malaysia), bà Suhaily Abdul Hamid, Giám đốc Vụ phát triển xã hội, Cục phát triển vùng Iskandar, Bang Johor chia sẻ kinh nghiệm để thành công trong xây dựng đô thị thông minh phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Chính quyền có trách nhiệm đưa ra chính sách, giám sát, điều hành, còn các doanh nghiệp đảm nhận những dự án cụ thể nhằm bảo đảm chất lượng, tối ưu ngân sách.
Ngoài ra, tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước phát triển để học các chỉ số so sánh, đánh giá cũng như phương thức thu hút nguồn tài chính vào các dự án thành phố thông minh.
“Hiến kế” cho việc phát triển đô thị thông minh của Hà Nội, các chuyên gia tại hội thảo cũng nhấn mạnh đến vấn đề thành phố cần đẩy mạnh giao dịch điện tử.
Ông Manoj Sugathan, Giám đốc Phụ trách chương trình thẻ Chip, Thanh toán không chạm và giao thông trung chuyển, VISA cho rằng để phát triển thành phố thông minh phải đẩy mạnh giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
"Hiện nay tại Hà Nội vẫn sử dụng chủ yếu tiền mặt", chuyên gia đến từ VISA đánh giá.
Đồng quan điểm, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho rằng một thành phố thông minh phải đẩy mạnh không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp, người dân, phải đẩy mạnh thanh toán cả trong lĩnh vực dịch vụ công.
"CNTT đang bùng nổ trong lĩnh vực ngân hàng, hạ tầng thanh toán của ngành ngân hàng hiện đã sẵn sàng thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những yếu tố thúc đẩy thành phố thông minh", ông Bùi Quang Tiên, Phụ trách HĐQT Ngân hàng BIDV nhấn mạnh.
Trao đổi thêm, ông Trần Trí Mạnh, Chủ tịch HĐQT VNPay cho rằng chính quyền phải đưa ra được nhiều tiện ích để thu hút người bán và người mua, khi đó thanh toán không dùng tiền mặt mới thực sự bùng nổ.
Như thành phố Hà Nội cần tạo ra không gian công cộng (như hồ, công viên…) tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đặt máy bán hàng tự động, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong khi đó, đề cập thực tế hơn, ông Phạm Tiến Dũng cho rằng giữa lúc thành phố Hà Nội đang bàn chuyện xây dựng đô thị thông minh thì một vấn đề rất "sát sườn" là thanh toán hóa đơn tiền nước của các hộ gia đình hàng tháng vẫn sử dụng tiền mặt, dù bàn chuyện xây dựng đô thị thông minh từ lâu.
"Hà Nội đã làm tốt việc thanh toán không dùng tiền mặt với tiền điện, điện thoại. Còn tiền nước cũng cần phải hỗ trợ để tránh phiền phức cho người dân", ông Dũng nhấn mạnh.