Sáng 30/11, sau một tuần tạm ngưng, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ Vinasun kiện Grab, đòi bồi thường 41,2 tỷ đồng. Vụ kiện này kéo dài đến nay đã hơn 9 tháng, trải qua rất nhiều lần tạm dừng, hoãn để bổ sung chứng cứ.
Tại tòa sáng nay, HĐXX thông báo đương sự của 2 bên đã tự đến tòa, có đề nghị muốn hòa giải. Tuy nhiên, phương án hòa giải chưa cụ thể và theo quy định pháp luật, thẩm phán không thể tiến hành hòa giải trong khi vụ án đưa ra xét xét.
“Nếu vụ việc có thể hòa giải trong thời gian chuẩn bị xét xử thì thẩm phán có thể hòa giải. Trong vụ cụ thể này, thủ tục hòa giải đã thực hiện nhưng không thành nên HĐXX đã đưa vụ án ra xét xử”, chủ tọa nói.
Vì vậy, HĐXXX quay lại phần xét hỏi để xử lý các yêu cầu của hai bên đương sự. Lúc này, cả Vinasun và Grab đề nghị HĐXX tạm dừng phiên tòa để hai bên có thời gian ngồi lại với nhau nhằm đưa ra phương án hòa giải.
Sau khi hội ý, HĐXX tạm dừng phiên tòa theo đề nghị của 2 bên, thời gian tạm dừng không quá 1 tháng và sẽ được thông báo lịch xử sau.
Một tuần trước, Vinasun vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, không phải doanh nghiệp kinh doanh công nghệ như đề án 24. Về thiệt hại thực tế của Vinasun, các báo cáo đều đưa ra số liệu thiệt hại của Vinasun bắt nguồn từ nguyên nhân Grab, Uber tham gia kinh doanh vận tải. Nguyên đơn cho rằng số liệu thiệt hại thực tế còn lớn hơn 41,2 tỷ.
Từ đây cho thấy có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi Grab với thiệt hại của Vinasun. Chính bởi sự xâm nhập trái pháp luật của Grab vào thị trường taxi, các chương trình khuyến mãi tràn lan, cuốc xe 0 đồng của doanh nghiệp này đã khiến khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ của Grab, gây thiệt hại cho Vinasun.
"Không có tình tiết nào mới làm thay đổi yêu cầu khởi kiện của Vinasun. Do đó yêu cầu HĐXX chấp nhận toàn bộ việc khởi kiện của chúng tôi", luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn trình bày.
Về phía Grab, doanh nghiệp này bác bỏ quan điểm của nguyên đơn khi cho rằng chính sự xâm nhập thị trường của Grab gây thiệt hại cho Vinasun. Bị đơn cho rằng Grab vào Việt Nam là được sự cho phép của Chính phủ. Hiện, Chính phủ xem xét để điều chỉnh hoạt động kinh doanh của Grab theo mô hình nào.
"Grab chưa bao giờ hoạt động taxi", luật sư Grab trình bày trước tòa.
Đại diện Vinasun. Ảnh: Lê Quân.
Bị đơn vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng nội dung vụ kiện không thuộc thẩm quyền xét xử của vụ án. Grab chỉ ra trong quá trình kiện tụng, Vinasun đưa ra 2 báo cáo, tuy nhiên theo Grab, các báo cáo này không được kiểm chứng, thừa nhận.
Trong khi đó, đơn vị giám định là Công ty Cửu Long vắng mặt khiến các sai sót của kết luận không được đối chất.
"Thiệt hại phải là thực tế xảy ra chứ không thể mơ hồ được. Việc xác định thiệt hại trong vụ án này là không có cơ sở, không hề có mối quan hệ nhân quả nào", đại diện pháp luật của Grab nói trước tòa.
Vinasun khởi kiện GrabTaxi với nội dung đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41,2 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Hình thức mà Vinasun yêu cầu GrabTaxi thực hiện là bồi thường một lần.
Vinasun cho rằng dù Grab tự nhận là công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải nhưng thực chất là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.