Ngày pháp luật

Grab rục rịch lấn sân sang cả bán quảng cáo trên xe, khả năng còn mạnh hơn cả Facebook?

Theo Vũ Hoàng Tâm/Trí Thức Trẻ

Giả sử một khách nữ trên 25 tuổi đặt xe đi trung tâm, thì khả năng cao tài xế xe có quảng cáo sản phẩm collagen sẽ được ưu tiên nhận chuyến.

Với việc bắt tay với Happy Fresh để bán các mặt hàng tạp hoá ngay trên xe, khả năng vị khách nữ giả định kia bị tác động bởi các hoạt động chiêu thị từ ngoài vào trong xe sẽ ra quyết định mua luôn sản phẩm...

Không chỉ ôm mộng trở thành siêu ứng dụng đối với người dùng, Grab còn chuẩn bị tiến đánh phân khúc dành cho doanh nghiệp thông qua đội ngũ bán quảng cáo, cụ thể là bán quảng cáo trên xe.

Trong một mẫu tuyển dụng được phát đi từ tuần trước, Grab đang chiêu mộ lực lượng bán quảng cáo và không chỉ để bán quảng cáo trên xe mà còn là ngay trên ứng dụng Grab và thậm chí trên một số hình thức kinh doanh mới.

Grab rục rịch lấn sân sang cả bán quảng cáo trên xe, khả năng còn mạnh hơn cả Facebook? - Ảnh 1

Hiện không khó để nhìn thấy những chiếc xe chạy GrabCar có dán quảng cáo hai bên thân xe, nhưng đó là quảng cáo đến từ những công ty khác, không có liên quan gì đến Grab, ví như ShareCarForAds, 7Ads, DriAds… Điều này đồng nghĩa với việc Grab không được lợi ích gì.

Trong khi đó, không quá lời khi nói rằng các công ty quảng cáo nêu trên ít nhiều "ký sinh" nhờ vào hoạt động của Grab vì họ thu tiền quảng cáo và cam kết với nhãn hàng về số kilomet mà xe đạt được trong tháng.

Nói về quy định của việc dán quảng cáo trên thân xe, đây là hình thức không bắt buộc xin giấy phép nếu quy cách dán quảng cáo không vi phạm những điều khoản của Luật Quảng Cáo (có hiệu lực từ 1/1/2013) như không được dán quảng cáo ở mặt trước, sau và nóc phương tiện, không dán quá 50% bề mặt… Nói như vậy là vì đơn cử như hoạt động treo quảng cáo bằng biển tấm lớn (billboard / pano) thì bắt buộc phải xin phép.

Tùy dòng xe và đời xe, mỗi xe có dán quảng cáo sẽ được nhận khoảng 1.500.000đ/tháng và phía nhãn hàng sẽ mất tầm 2.000.000 – 2.500.000đ/xe/tháng.

Ngay khi vừa gia nhập thị trường Việt Nam vào đầu năm 2014, Grab đã có dự định khai thác quảng cáo trên xe vì đây là một nguồn tài nguyên rất rộng lớn và sẵn có tuy nhiên vào thời điểm đó công ty mới chỉ hoạt động dịch vụ GrabTaxi mà không hề có bất cứ hợp tác chính thức nào với các hãng xe taxi thành ra hoạt động này bị hạn chế, chỉ thử nghiệm quy mô nhỏ và nhanh chóng chìm vào quên lãng.

Với GrabCar, Grab sẽ chủ động hơn trong việc đàm phán với chủ xe thành ra sẽ khai thác tối đa quảng cáo từ ngoài (trên thân xe) đến trong (đặc biệt là hình thức treo backseat sau lưng ghế tài và ghế phụ).

Cộng với việc nắm rõ hành trình, profile của khách hàng… chắc chắn các công ty quảng cáo trung lập nêu ở đầu bài sẽ thật sự e ngại Grab vì giả sử như một khách nữ, dân văn phòng, tuổi trên 25, nhà ở quận 7 đặt xe đi trung tâm mà gần đó có một xe quảng cáo dầu gội cho nam và một xe quảng cáo collagen thì khả năng cao tài xế xe có quảng cáo collagen sẽ được ưu tiên nhận chuyến.

Còn nhớ vài tháng trước, Grab bắt tay với Happy Fresh để bán các mặt hàng tạp hoá ngay trên xe. Vậy thì khả năng vị khách nữ giả định kia sẽ bị các hoạt động chiêu thị từ ngoài vào trong xe sẽ ra quyết định mua luôn sản phẩm collagen với hy vọng sẽ có làn da tươi trẻ hơn. Và chắc chắn giao dịch ấy sẽ phải thanh toán bằng GrabPay.

Giá trị của Facebook khi bán quảng cáo là nắm rõ hành vi người dùng. Grab cũng như thế và thậm chí còn mạnh hơn Facebook ở chỗ biết tương đối thu nhập của hành khách thông qua lịch sử chuyến đi của họ.

Khi một dịch vụ đã phát triển đến ngưỡng trưởng thành, có vẻ muốn làm thêm thứ gì cũng có vẻ thuận lợi.

Tin Cùng Chuyên Mục