Ngày pháp luật

Grab dự kiến thực hiện ít nhất 6 khoản đầu tư hoặc mua lại trong năm nay

Theo Cẩm Thư/VietnamFinance

Ông Anthony Tan, người đồng sáng lập và CEO Grab cho biết startup này đặt mục tiêu gọi tổng số vốn lên đến 6,5 tỷ USD, đồng thời sẵn sàng sàng thực hiện ít nhất 6 khoản đầu tư hoặc mua lại trên toàn khu vực Đông Nam Á trong năm nay.

Grab dự kiến thực hiện ít nhất 6 khoản đầu tư hoặc mua lại trong năm nay - Ảnh 1

 

Ông Anthony Tan nói với Reuters rằng vòng gọi vốn này sẽ bao gồm cả vốn cổ phần lẫn nợ. Ông cho biết Grab đang muốn nhanh chóng mở rộng sang các dịch vụ tài chính và giao đồ ăn, đồng thời không có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán. 

SoftBank và các nhà đầu tư chiến lược quan trọng khác đã đầu tư hơn 4,5 tỷ USD vào vòng gọi vốn Series H hiện tại của Grab. Tháng 3/2019 vừa qua, Grab đã nhận khoản đầu tư 1,46 tỷ USD từ Quỹ Vision của SoftBank. Quan hệ đối tác giữa Grab và SoftBank đã bắt đầu từ năm 2014 và ngày càng trở nên sâu rộng hơn.

Ông Anthony Tan cho biết CEO Softbank Masayoshi đã đồng ý dành cho Grab sự hỗ trợ "không giới hạn" để tiếp tục phát triển.

Trước đó, chủ tịch Grab Ming Maa cũng cho biết Grab không chú trọng việc chào bán cổ phiếu, kể cả khi công ty gọi xe của Mỹ Lyft đã lên sàn còn Uber cũng đang ráo riết với kế hoạch IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng).

"Nói chính xác là chúng tôi hoàn toàn không đặt trọng tâm vào IPO hay một lộ trình IPO vào thời điểm này", Maa cho biết. "Hiện tại, chúng tôi chỉ tập trung vào phát triển thị phần, phát triển kinh doanh, thay vì một thương vụ trên thị trường chứng khoán".

Các vòng gọi vốn "khủng" của Grab bắt đầu không lâu sau khi startup này mua lại hoạt động của đối thủ Uber tại Đông Nam Á vào tháng 3/2018. Hiện Uber nắm giữ 27,5% cổ phần tại Grab.

Ứng dụng của Grab có hơn 138 triệu lượt tải xuống tại 8 thị trường Đông Nam Á. Năm 2018, doanh thu của Grab tăng lên hơn 1 tỷ USD, gần gấp đôi so năm trước.

Trong năm 2018, Grab đã mở rộng hệ sinh thái của họ thông qua hợp tác với các công ty như Toyota, Hyundai, Microsoft và Mastercard. Grab cũng xác lập quan hệ hợp tác với các công ty lớn trong từng nước và khu vực như Central Group và Kasikornbank tại Thái Lan; OVO, Bank BTN và Bank Mandiri tại Indonesia; United Overseas Bank tại Singapore; SM Investment Corporation tại Philippines; Moca tại Việt Nam và Maybank tại Malaysia.

Tin Cùng Chuyên Mục