Ngày pháp luật

Grab, be âm thầm “móc túi” khách hàng mỗi ngày cả tỷ đồng

Theo Báo Giao thông

Khách hàng không được biết việc trả thêm phí sử dụng nền tảng 2.000 đồng cho mỗi chuyến đi và số tiền cả tỷ chảy thẳng vào túi các hãng xe.

Từ đầu năm đến nay, ngoài giá cước tính theo số km di chuyển, khách hàng dùng các ứng dụng trên thị trường gọi xe công nghệ phải trả thêm phí sử dụng nền tảng 2.000 đồng cho mỗi chuyến đi.

Với hàng trăm nghìn chuyến xe mỗi ngày thì đây là số tiền khổng lồ, cả tỷ đồng. Điều đáng nói là khách hàng không hề được biết về việc này và số tiền cứ thế chảy thẳng vào túi các hãng xe.

Khách bị “móc túi” nhưng không hề biết

Mức phí nền tảng được các ứng dụng gọi xe là Grab, be tính trực tiếp vào tổng số tiền khách hàng phải trả cho mỗi chuyến xe. Sau nhiều tháng các ứng dụng gọi xe công nghệ thu loại phí này nhưng nhiều khách hàng không hề biết.

Chị T.H, nhân Công ty FPT Telecom cho biết, hàng ngày, GrabCar là phương tiện đi làm chính của chị. Trung bình một tháng cả đi làm và đi chơi chị sẽ đi khoảng 40 - 50 chuyến.

Tuy nhiên, trong các chuyến đi, chị thường không để ý đến cơ cấu giá thành mà chỉ quan tâm đến mức giá trong các khung giờ cao điểm, thấp điểm và ngày mưa.

Từ đầu năm đến nay, khách hàng sử dụng ứng dụng gọi xe Grab không hề biết mình bị “móc túi” thêm 2.000 đồng cho mỗi cuốc xe.
Từ đầu năm đến nay, khách hàng sử dụng ứng dụng gọi xe Grab không hề biết mình bị “móc túi” thêm 2.000 đồng cho mỗi cuốc xe.

“Việc Grab phụ thu của khách hàng 2.000 đồng tiền sử dụng dịch vụ trên mỗi chuyến đi không chỉ vô lý mà còn thể hiện sự thiếu minh bạch, lợi dụng lòng tin và sự chủ quan của khách hàng để thu tiền. Thay vì cách làm mập mờ hiện tại, Grab cần phải minh bạch hóa thông tin giống như một số ứng dụng gọi đồ ăn như: Thu dịch vụ gì, thu bao nhiêu để hành khách có thể xem xét mức thu đó có hợp lý hay không và có sử dụng dịch vụ hay không”, chị H. nói sau khi biết mình phải trả thêm phí sử dụng.

Là một khách hàng thân quen của Grab khi sử dụng tới khoảng 50 chuyến xe GrabBike mỗi tháng cho việc đi lại, tuy nhiên, khi nghe PV đề cập việc thu phí nền tảng, chị Hồ Anh Vân, giáo viên tại một trung tâm trên địa bàn Hà Nội tỏ ra khá bất ngờ và bức xúc.

Theo chị Vân, thực tế, chị đã từng tra cơ cấu giá cước chuyến đi trên ứng dụng Grab. Tuy nhiên, thông tin Grab đưa tới cho người dùng chỉ là một số yếu tố chung chung như: Giá cước 2km đầu, sau 2km đầu tiên, phụ thu khi thay đổi lộ trình, phụ phí theo khung giờ tại Hà Nội và các tỉnh thành... chứ không hề có khoản phí nền tảng.

“Đây là sự mập mờ Grab cần phải giải thích với khách hàng. Thực tế, hiện tại, trên thị trường xe công nghệ, Grab luôn thu giá cước cao hơn 10 - 20% so với các hãng khác, chưa kể việc tăng phí cao ngất ngưởng vào khung giờ cao điểm, đặc biệt là những ngày thời tiết mưa gió. Mỗi chuyến đi phụ phí 2.000 đồng có thể không đáng là bao so với người đi ít, song với hàng trăm nghìn người sử dụng hàng ngày, Grab đã nghiễm nhiên thu về khoản phí quá lớn”, chị Vân nói và cho rằng, với những khách hàng đi số lượng chuyến lớn trong tháng, đây còn là sự thiệt thòi khi mất thêm hàng trăm nghìn đồng/tháng (tương đương số tiền cho 2 - 3 chuyến đi).

Đồng quan điểm, theo anh Đ.H, giáo viên Trường TH School (Hà Nội), chính sách thu phí nền tảng thiếu minh bạch của Grab không chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng khách hàng mà còn truất quyền lựa chọn của người sử dụng bởi trên thị trường hiện tại, có những ứng dụng, dịch vụ còn tốt hơn nhiều Grab.

“Trong bối cảnh các chính sách khuyến mại của Grab ngày càng ít, việc thu phí nền tảng nếu được công khai tôi tin rằng nhiều khách hàng sẽ từ bỏ ứng dụng này”, anh Đ.H nói.

Muốn thu phải công bố, được khách chấp nhận

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, phía đơn vị vận tải sử dụng các ứng dụng để kết nối với khách hàng, nghĩa là người sử dụng chính và chịu trách nhiệm trả loại phí này phải là bên vận tải chứ không phải hành khách.

Nếu như bên bán dịch vụ nền tảng ứng dụng như Grab muốn thu của khách hàng phải thông tin trước trong tiêu chí phục vụ để khách hàng biết, lựa chọn.

Việc thu loại phí này đối với khách hàng là không có cơ sở vì các ứng dụng đã ký hợp đồng dịch vụ bán cho bên vận tải chứ không phải là ký với hành khách. Trong mối quan hệ này chưa bao giờ có sự chấp thuận của hành khách là họ phải trả phí nền tảng.

Theo ông Quyền, nếu như đơn vị cung cấp ứng dụng trực tiếp điều hành vận tải, điều hành lái xe hoặc quyết định giá cước và thu cước di chuyển thì họ là người kinh doanh vận tải. Chi phí vận tải đối với taxi là có đồng hồ tính tiền, bộ đàm, taxi không thể thu thêm tiền điện thoại khách gọi đến tổng đài hay tiền bộ đàm.

Tương tự, đơn vị cung cấp ứng dụng thì chi phí cho dịch vụ nền tảng đã nằm trong giá thành chi phí hoạt động vận tải nên không được thu của hành khách.

Muốn thu loại phí này, Grab phải công bố rõ ràng và được hành khách chấp thuận, trong hạch toán, kê khai kinh doanh của Grab phải có doanh thu này để đóng thuế. “Khi Grab chưa công bố và chưa được hành khách chấp thuận mà đã thu là xâm phạm quyền lợi của hành khách”, ông Quyền nói.

Chỉ tài xế được biết khách hàng bị thu phí

Grab là ứng dụng đầu tiên thu phí nền tảng từ ngày 19/2/2020. Mức phí nền tảng đối với xe hai bánh là 1.000 đồng và xe 4 bánh là 2.000 đồng trên mỗi chuyến xe. Riêng dịch vụ giao hàng GrabExpress là 3.000 đồng.

Chẳng hạn, khi khách hàng đặt dịch vụ gọi xe GrabCar với cước phí là 60.000 đồng, kết thúc hành trình khách sẽ phải trả thêm 2.000 đồng phí nền tảng nên sẽ thanh toán cho tài xế tổng cộng 62.000 đồng.

Số tiền này được tính vào cước phí di chuyển của hành khách, sau đó khấu trừ qua ví tài khoản của đối tác tài xế. Điều đáng nói là số tiền này không được hiển thị khi khách đặt xe mà chỉ có tài xế biết được việc hành khách bị thu loại phí này qua tài khoản của họ.

Không riêng Grab, be cũng triển khai thu phí nền tảng từ đầu tháng 4/2020 với tất cả các dịch vụ beBike, beCar, beDelivery, be đi chợ, thuê xe theo giờ… Mức phí này được tính là trên 6% trên tổng số tiền khách phải trả cho mỗi cuốc xe.

Ông Nguyễn Công Hùng Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội tính toán, ví dụ với 100.000 cuốc/ngày x 2.000 đồng/cuốc x 30 ngày thì số tiền mà ứng dụng gọi xe công nghệ đã thu về được 6 tỷ đồng. Đầu năm 2019, Grab công bố đã có cuốc xe thứ 3 tỷ trên toàn Đông Nam Á.

Tại Việt Nam con số này cũng không hề nhỏ vì Grab chiếm trên 70% thị phần gọi xe. Với số lượng khách hàng đặt xe cả vài trăm nghìn lượt/ngày với cả Grabbike và GrabCar thì số tiền mỗi tháng mà Grab thu được quá lớn.

“Số tiền này Grab hạch toán thế nào? Grab có nộp thuế cho việc thu loại phí này hay không và nộp thế nào? Thuế thu thế nào cũng cần làm rõ, công khai minh bạch”, ông Hùng đặt vấn đề.

Đem băn khoăn này hỏi lãnh đạo Công ty TNHH Grab VN, đại diện hãng này khẳng định số tiền này được sử dụng vào mục đích “nâng cấp ứng dụng, gia tăng trải nghiệm, mức bảo vệ cho khách hàng và tăng phúc lợi cho đối tác tài xế”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV từ các tài xế, sự thật thì lại không phải vậy. Các tài xế cho biết, nhiều tháng nay họ không nhận thêm được bất kỳ khoản hỗ trợ nào từ Grab mà trái lại họ còn bị tước đi các quyền lợi.

Cùng trên chuyến xe với tài xế GrabCar Phạm Hồng Phong, điều khiển xe BKS 30E - 223.xx, anh cho biết, loại phí này không được hiện trên app của khách hàng mà chỉ ở app của tài xế mới biết, tài xế chỉ là người thu hộ Grab.

Từ nhiều tháng nay cánh tài xế không nhận được bất kỳ hỗ trợ thêm nào từ Grab; thu thuế cá nhân, phí ứng dụng cộng vào là 28,3%, thậm chí trừ phần trăm thưởng của tài xế; cắt dần hết các khoản thưởng sau khi đã thu hút được nhiều tài xế, có những chuyến đi tài xế mất phụ phí hay phí chờ khách khách hàng trả qua thẻ thì mấy ngày sau Grab mới trả.

“Khi tính thuế thu nhập phải căn cứ tổng doanh thu cuối tháng sau khi đã giảm trừ gia cảnh trên mức cho phép mới phải nộp, nhưng trong tháng tài xế chỉ chạy 1 - 2 cuốc xe cũng bị Grab thu thuế thu nhập cá nhân”, tài xế Phong cho biết.

Tương tự, tài xế GrabCar Vũ Ngọc Quang điều khiển xe BKS 30A - 992.xx cho biết, bình quân mỗi xe chạy 15 cuốc/ngày, hiện Grab có khoảng 200.000 đầu xe, đó là chưa kể có khách hàng đi 4 - 5 chuyến/ngày. Bên cạnh đó, ngoài trả chiết khấu 28,3%, Grab còn yêu cầu tài xế nộp tiền vào tài khoản tối thiểu 500.000 đồng. Với hàng trăm ngàn tài xế, số tiền này chỉ cần gửi ngân hàng đã có rất nhiều tiền lãi.

“Doanh nghiệp kinh doanh phải đầu tư, sao lại thu tiền của khách? Trong khi Grab chỉ đầu tư mỗi app công nghệ và ngồi thu phí chiết khấu của tài xế và giờ thu của cả khách hàng. Grab mà báo lỗ thì không ai “ngửi” được. Số tiền này nhà nước có quản lý được không? Chính vì tăng vài nghìn đồng nên khách không để ý”, tài xế Quang nói.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương cho biết, việc đưa ra mức phí bao nhiêu thuộc thẩm quyền nghiên cứu của Bộ tài chính khi đánh giá việc hoạt động kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp, trong đó có Grab.

“Còn mức phí khi đã đưa ra thì chắc chắn phải có thông báo đến đối tượng bị áp dụng. Tuy nhiên, để đánh giá có hợp lý hay không thì cần có thời gian nghiên cứu, trải nghiệm và có sự phản hồi từ phía khách hàng”, ông Tuấn nói.

Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn lại cho rằng, khoản thu của Grab không thuộc vào khoản thu của ngân sách nhà nước. Và theo mục đích thu để sử dụng vào việc nâng cấp ứng dụng, gia tăng trải nghiệm, mức bảo vệ cho khách hàng và tăng phúc lợi cho đối tác tài xế thì “đây đang thể hiện là một loại dịch vụ”.

“Và đã là dịch vụ thì đó là thỏa thuận giữa khách hàng và hãng xe bằng hành động có quyết định đi hay không với mức phí đó. Còn tiền thuế sẽ tính vào doanh thu của Grab chứ không nhìn vào khoản phí nền tảng để đánh giá có thu đúng hay không”, ông Tuấn cho hay. 

Luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Khách hàng có thể kiện đòi lại tiền

Mỗi chuyến xe được thiết lập thông qua ứng dụng được coi như một hợp đồng dân sự, chịu sự quy định của cơ quan quản lý nhà nước về giá. Nếu thêm quy định thì cần thông báo, nếu không sẽ bị coi là một loại lạm thu trái pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Việc các hãng công nghệ âm thầm thu loại phí phí này là sai quy định, theo Luật Giá thì phải công khai giá, công khai mức giá để quản lý doanh thu và thuế. Khách hàng sử dụng dịch vụ của các hãng công nghệ là một dạng hợp đồng dân sự. Vì vậy, Grab cần phải sòng phẳng với khách hàng, công khai niêm yết giá dịch vụ cho khách hàng và cơ quan quản lý.

Khách hàng trả tiền phải được quyền biết số tiền mình chi trả là gì. Tận dụng việc khoản tiền không lớn nhưng đối với nhiều người, qua nhiều năm sẽ là khoản tiền rất lớn nhà nước thì thất thu thuế, đồng thời vi phạm quyền tài sản, quyền dân sự của người sử dụng. Dù là 200 đồng hay 2 hào thì vẫn phải thực hiện theo biểu giá, biểu phí.

Nếu có đầy đủ chứng cứ về các chuyến đi, khách hàng hoàn toàn có thể khởi kiện đòi lại tiền hoặc Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng có thể đứng ra làm việc này. Biện pháp khác là kiến nghị đến các cơ quan quản lý để tiến hành thanh tra, xử phạt. Để xử lý việc này cần ý chí của các cơ quan quản lý nhà nước về thuế, giao thông, quản lý thị trường. Số tiền này ai quản lý, có nộp thuế không? Đây rõ ràng là cách móc túi người tiêu dùng.

“Theo Nghị định 10, các hãng xe công nghệ được coi là đơn vị kinh doanh vận tải bình đẳng như các hãng taxi khác. Do vậy, việc khai báo tăng cước là cần thiết để cơ quan thuế kiểm soát hoạt động tuân thủ pháp luật về thuế của doanh nghiệp, tránh thất thu thuế ở phần thu tăng thêm.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục