Nối tiếp Microsoft, Google đang lên kế hoạch đưa chatbot trí tuệ nhân tạo Bard tích hợp trực tiếp vào công cụ tìm kiếm của mình. Tuy nhiên, tập đoàn công nghệ đang có những kế hoạch triển khai thận trong hơn để tránh rơi vào vết xe đổ như Microsoft.
Trong trả lời phỏng vấn thời báo phố Wall (Wall Street Journal) vào đầu tuần, vị CEO tiết lộ mong muốn đưa AI vào công cụ tìm kiếm giống với những gì Microsoft đã thực hiện. Dù vậy, các thông tin liên quan từ thời gian, cách thức triển khai hay lượng sử dụng vẫn được giữ bí mật.
Không chỉ Bard, Sundar Pichai cho rằng Google đã và đang phát triển nhiều mẫu trí tuệ nhân tạo khác nhau phục vụ cho việc tìm kiếm. Trong số đó có cả AI cho phép người dùng mở rộng câu hỏi từ chủ đề ban đầu, tính năng giúp Google tách dần khỏi những đường dẫn truyền thống, thứ từng được chính Google phổ cập cho người dùng.
"Cơ hội nhiều hơn bao giờ hết. Người dùng có thể tương tác với Google, hỏi các câu hỏi để máy tính tự trả lời? Tất nhiên là có", CEO Sundar Pichai chia sẻ với Wall Street Journal.
Trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo, ở thời điểm hiện tại Microsoft đang là đơn vị chạy nhanh hơn. Tích hợp từ sớm AI vào công cụ tìm kiếm Bing, đầu tư liên tiếp vào OpenAI cùng những nghiên cứu liên quan tới trí tuệ nhân tạo, thị phần lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến rất có thể sẽ không còn nằm dưới sự kiểm soát của Google.
Mặc dù vậy, Google không đơn giản chịu thua để mất đi con gà đẻ trứng vàng, dù ra mắt các sản phẩm liên quan tới trí tuệ nhân tạo chậm hơn. Mảng nghiên cứu AI cùng các công nghệ nền liên quan tới AI đã được Google phát triển từ cách đây rất lâu. AI Bard của Google dù khởi đầu khó khăn nhưng tới thời điểm hiện tại hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác.
Điểm mấu chốt quan trọng ở thời điểm hiện tại chính là cách tích hợp AI vào công cụ tìm kiếm, giảm thiểu tối đa những lỗi, vấn đề mà AI có thể tạo nên. Một khi đưa ra giải pháp đủ an toàn, Google sẽ không còn ngại ngần gì những thách thức từ Open AI hay Microsoft nữa.