Thiếu lập trình viên, kĩ sư phần mềm là vấn đề mà rất nhiều công ty công nghệ lớn gặp phải. Để đối phó với tình trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng chưa mang lại hiệu quả tích cực. Google muốn đi tiên phong trong việc phát triển các hệ thống có thể tự động lập trình, tự sửa và tự cập nhật.
Được phát triển tại công ty nghiên cứu X thuộc Alphabet (công ty mẹ của Google). Dự án mang tên Pitchfork hướng tới phát triển nên trí tuệ nhân tạo có thể thay thế nhiều kĩ sư phần mềm trong tương lai, dự án này nằm trong chuỗi các dự án giúp AI tự phát triển mà không cần trợ giúp của con người.
Ngoài khả năng lập trình, các tính năng khác trong dự án AI tự phát triển còn có khả năng sử dụng thuật toán để tự tạo nên hình ảnh, video...
Theo tờ Business Insider, dự định ban đầu của Google là phát triển nên một AI có khả năng cập nhật các câu lệnh Python mới sau mỗi lần nâng cấp, tiết kiệm sức lao động cho các lập trình viên cũng như thống nhất quy trình. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các nhà nghiên cứu tại đây nhận thấy tiềm năng lớn hơn của AI này, khi được cung cấp đủ dữ liệu, xây dựng các thuật toán để tự tạo nên những đoạn code riêng, AI có thể tự lập trình, tự sửa lỗi nếu có đồng thời tự cập nhật lên hệ thống.
Mặc dù vậy, phát minh này của Google đang gặp nhiều chỉ trích khi mà gần đây, kĩ sư Blake Lemoine phụ trách mảng AI của Google phát hiện ra chatbot LaMDA mà Google phát triển đã có khả năng tự nhận thức. AI này trong hội thoại với nhà nghiên cứu tự nhận mình là con người, có nhiều cảm xúc khác nhau và băn khoăn về ý nghĩa của cuộc sống. Blake Lemoine sau đó đã bị Google sa thải vì tiết lộ bí mật công ty.
Việc cho phép AI tự lập trình, sửa lỗi cũng như tự cập nhật hệ thống sẽ khiến Google gặp phải nhiều rắc rối về pháp lý cũng như đạo đức. Giới chuyên môn lại có cái nhìn tích cực hơn về vấn đề trên, các trí tuệ nhân tạo chỉ có khả năng xây dựng nên thành phẩm từ những dữ liệu đã được dạy, không thể tạo nên thứ mới.
Thêm vào đó, AI của Google về mặt lý thuyết rất thuyết phục nhưng trong thực tế sẽ gặp phải rất nhiều rắc rối kĩ thuật. Đơn giản như một đoạn lỗi trong cấu trúc lập trình có thể tạo nên rất nhiều các lỗi logic về sau, để sửa tất cả những lỗi này cần có sự can thiệp của con người.
Ờ thời điểm hiện tại, dự án trên của Google vẫn chỉ ở giai đoạn sơ khai, chưa rõ liệu Google có phân phối dự án ra bên ngoài hay chỉ sử dụng nội bộ. Thế nhưng, với rất nhiều vấn đề mà các trí tuệ nhân tạo hay gặp phải, Google sẽ gặp phải không ít khó khăn khi dự án kể trên đi vào hoạt động.