Mới đây, trên trang cá nhân LinkedIn của ông Andre Soelistyo, Chủ tịch Go-Jek (công ty mẹ của Go-Viet) đã chia sẻ dòng trạng thái về sự gia nhập thị trường của ứng dụng gọi xe này tại thị trường TP.HCM.
Chiếm 10% thị phần sau 3 ngày?
Đáng chú ý, vị chủ tịch này đã đưa ra con số chỉ trong vòng 3 ngày kể từ khi ra mắt thị trường, Go-Viet đã chiếm tới 10% thị phần vận tải tại TP.HCM. Đồng thời, hiện tại, thị phần nằm trong tay Go-Viet đã lên tới 15% và công ty đang có kế hoạch chuẩn bị tiến ra Hà Nội vào tháng 9 tới.
“Chuyện này thật điên rồ. Chúng tôi đã chính thức ra mắt Go-Viet, bước đột phá đầu tiên của chúng tôi vào Việt Nam, và nó chính thức đánh dấu Go-Jek như một công ty khu vực.
Chỉ trong vòng 3 ngày kể từ ngày ra mắt, chúng tôi đã đạt tới 10% thị phần tại TP.HCM. Chúng tôi rất cảm kích vì đã thấy được sự yêu mến từ các khách hàng Việt Nam…”, vị chủ tịch chia sẻ.
Con số chiếm 10% thị phần chỉ sau 3 ngày rất khó tin khi Go-Viet mới chỉ ra mắt thị trường TP.HCM từ đầu tháng 8. Hiện tại ứng dụng này cũng mới chỉ cung cấp dịch vụ gọi xe ôm công nghệ và chuyển hàng nội thành TP.HCM bằng xe máy với cước phí di chuyển chỉ 5.000 đồng/chuyến đi dưới 8 km.
Thực tế, chiến thuật giá "cứng" 5.000 đồng cho mỗi cuốc xe dưới 8 km của Go-Viet đang thực sự được chú ý không chỉ bởi người dùng mà ngay cả Grab. Hãng này đã lập tức phải tung ra khuyến mãi tương tự với dịch vụ GrabBike khi giảm giá các cuốc xe dưới 8 km xuống còn 2.000 đồng và miễn phí các cuốc dưới 5 km ở các quận trung tâm TP.HCM.
Trước đó, thị trường vận tải công nghệ Việt xuất hiện nhiều ứng dụng nhưng chưa hãng nào từng công bố thị phần cụ thể sở hữu của mình. Tuy nhiên, kể từ khi Uber rút lui khỏi thị trường Việt cùng với sự cạnh tranh yếu ớt của các ứng dụng gọi xe trong nước như Mai Linh Bike, Vato, Tnet… Grab gần như độc chiếm thị trường này tại Việt Nam.
Go-Jek đã chính thức gia nhập thị trường Việt Nam từ đầu tháng 8 với tên gọi Go-Viet. Ảnh: Go-Viet.
Grab nói gì về đối thủ?
Được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Grab khi gia nhập thị trường Việt Nam, con số nắm 10% thị phần sau 3 ngày gia nhập mới chỉ là thống kê do vị chủ tịch hãng này chia sẻ chứ chưa hề có một hãng nghiên cứu hay thống kê nào đưa ra số liệu này.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện Grab cho hay con số 10% thị phần mà chủ tịch Go-Jek đưa ra là thông tin của hãng và Grab không có bình luận gì về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, vị này vẫn khẳng định thị phần của hãng không bị ảnh hưởng và hoạt động kinh doanh của Grab vẫn đang tăng trưởng ổn định.
Chia sẻ về việc Go-Viet gia nhập thị trường, vị này cho hay có nhiều đơn vị tham gia sẽ giúp thị trường phát triển hơn, và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
“Người tiêu dùng sẽ có quyền lựa chọn ứng dụng và dịch vụ phù hợp nhất với nhu cầu của mình. Đó cũng là bài toán để Grab và các hãng phải cải thiện công nghệ hàng ngày", vị này nói.
|
Thực tế, Indonesia cũng là thị trường duy nhất Grab chưa thể đứng vị trí số 1 về lĩnh vực vận tải. |
Đại diện Grab cho biết hãng không coi Go-Viet là đối thủ của mình vì chiến lược và mục tiêu khác nhau. Grab hiện không chỉ cung cấp dịch vụ vận tải 2 bánh và 4 bánh mà còn đang xây dựng một nền tảng Platform gồm nhiều dịch vụ như giao nhận thức ăn GrabFood, giao nhận hàng hóa GrabExpress, thanh toán không dùng tiền mặt GrabPay hay Grab Financial, GrabDaily, GrabFresh...
"Mục tiêu của chúng tôi là trở thành siêu ứng dụng công nghệ tại Đông Nam Á thông qua chiến lược nền tảng mở. Trong tháng 7 vừa qua, chúng tôi cũng đã công bố GrabPlatform", vị này khẳng định.
Vị này cũng cho hay với sự hiểu biết về thị trường Việt cũng như năng lực công nghệ và tài chính của mình, Grab có ưu thế để đầu tư dài hạn vào thị trường Việt Nam. Mới đây, hãng này cũng tuyên bố sẽ đóng 500 tỷ đồng tiền thuế tại Việt Nam năm nay và tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh với nhiều lĩnh vực mới trên cùng một ứng dụng.