Hầu hết các công ty lớn được niêm yết ở Pháp đều đã hủy bỏ, cắt giảm hoặc xem xét lại các chính sách cổ tức kể từ sau khi đại dịch bùng phát. Cùng với đó, các kế hoạch hỗ trợ khổng lồ từ nhà nước được lập ra để bảo vệ các công ty khỏi nguy cơ phá sản.
Trong số các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Pháp (chỉ số CAC 40 .FCHI), nhà bán lẻ Carrefour (CARR.PA), tập đoàn hàng xa xỉ LVMH và nhà điều hành viễn thông Orange (ORAN.PA) đã cắt giảm cổ tức của mình, trong khi Safran (SAF.PA) và Airbus (AIR.PA) thì rút khỏi sàn giao dịch.
Ngược lại, Vivendi lại giữ quyết định của mình với mức cổ tức 0,6 euro/cổ phiếu cho năm tài chính 2019, tăng 20% so với năm trước đó. Khoản thanh toán này được chấp thuận bởi hơn 99% số phiếu bầu của các cổ đông, trong đó có nhà đầu tư tỷ phú Vincent Bolloré.
Bên cạnh đó, người đứng đầu tập đoàn Sanofi cũng cam kết sẽ chi trả cổ tức cho năm nay, với tổng số tiền dự kiến sẽ cao hơn năm ngoái một chút.
Vivendi có trụ sở tại Paris, là công ty mẹ của thương hiệu âm nhạc lớn nhất thế giới - Universal Music Group. Trong những năm gần đây nó đã thể hiện được giá trị và hiệu suất hoạt động mạnh mẽ của mình. Đây cũng là công ty quản lý của 2 nghệ sĩ nổi tiếng Taylor Swift và Lady Gaga.
Doanh thu quý 1 của Vivendi tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 3,87 tỷ euro (khảng 4,2 tỷ USD), cùng với mức tăng doanh thu 13% của Universal.
Trong cuộc họp cổ đông, ông Hervé Philippe - giám đốc tài chính của Vivendi, cũng cho biết tính đến cuối tháng 3, tập đoàn sở hữu 4,8 tỷ euro tiền mặt, sau khi bán 10% cổ phần tại Universal. Vivendi cũng nắm giữ 2,3 tỷ euro thấu chi tín dụng có sẵn.
Hệ thống các kênh của Canal Plus (Canal+). Ảnh: GNT
Ở một khía cạnh khác, người phát ngôn đại diện của Canal Plus - kênh truyền hình trả tiền lớn thứ 2 của Vivendi, xác nhận đã đưa khoảng 30% nhân viên người Pháp tiếp cận chương trình hỗ trợ thất nghiệp của chính phủ. Chương trình này nhằm mục đích bảo vệ các công ty chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19.
“Chúng tôi tin rằng Canal đủ mạnh để không phải phụ thuộc vào ngân sách quốc gia” - ông Sebastien Cochelin - một quan chức của Liên đoàn Lao động Dân chủ Pháp (CFDT) nói. "Chỉ là ban quản lý của họ đã phản hồi rằng: 'Những người khác thực hiện, thì chúng tôi cũng làm theo'."
Ban quản lý cấp cao của kênh truyền hình này cũng đồng ý cắt giảm 25% tiền lương của mình từ 6/4 đến 30/6 - giai đoạn mà Canal Plus sẽ sử dụng ngân sách hỗ trợ nhà nước.
Doanh thu của Canal Plus tăng 1% trong quý 1. Công ty đã phải cắt giảm việc làm và chi phí hoạt động ở Pháp trước sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất nội dung gốc như Netflix và các nhà phân phối bản quyền các chương trình thể thao mới.